Thế giới sắp bước qua năm 2016 mà không có nhiều sự thay đổi mang tính bước ngoặt lớn. Dù vậy, những gì đã diễn ra có thể là tiền đề cho sự vận động toàn thế giới những năm đến. Sau đây là 10 sự kiện quốc tế nổi bật theo bình chọn của Báo SGGP.
1. Vĩnh biệt lãnh tụ cách mạng Cuba Fidel Castro
Ngày 26-11, lãnh tụ cách mạng Cuba Fidel Castro từ trần ở tuổi 90. Báo chí, phương tiện truyền thông khắp thế giới đồng loạt đưa tin và theo sát mọi diễn biến của sự kiện này. Các lãnh đạo, nguyên thủ, lãnh tụ tôn giáo trên thế giới đều chia buồn, đến viếng và tiễn đưa “người đã ghi danh Cuba vào lịch sử nhân loại với cuộc cách mạng lật đổ chế độ độc tài” đến nơi yên nghỉ cuối cùng.
Hàng ngàn thanh niên Cuba đã tập trung tại Đại học Havana tưởng nhớ lãnh tụ Fidel Castro
Sự ra đi của lãnh tụ Fidel Castro không chỉ là mất mát lớn lao đối với nhân dân Cuba mà còn để lại niềm tiếc thương vô hạn đối với nhân dân trên thế giới. Huyền thoại nằm xuống, nhưng người dân Cuba và thế giới sẽ còn mãi nhớ đến vị anh hùng.
2. PCA ra phán quyết bác bỏ yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc
Tòa trọng tài quốc tế (PCA) ở La Haye (Hà Lan) ngày 12-7 ra phán quyết bác bỏ hoàn toàn yêu sách đường 9 đoạn vô lý do Trung Quốc đơn phương áp đặt ở biển Đông. Phán quyết được cộng đồng quốc tế đánh giá cao và ủng hộ, theo đó, yêu cầu Trung Quốc và các bên liên quan ở biển Đông tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982). PCA đồng thời cho rằng, việc Trung Quốc tôn tạo các thực thể tại biển Đông là bất hợp pháp, đe dọa nghiêm trọng môi trường biển.
3. Tỷ phú Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ
Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra ngày 8-11 đã gây bất ngờ lớn với việc ứng cử viên đảng Cộng hòa tỷ phú Donald Trump giành chiến thắng trước ứng cử viên đảng Dân chủ Hillary Clinton. Trước bầu cử nhiều tháng, bà Clinton luôn bỏ xa đối thủ trong nhiều cuộc thăm dò. Hơn nữa, các phát ngôn “gây sốc” của ông Donald Trump khiến nhiều cử tri, trong đó có cả các thành viên đảng Cộng hòa, quay lưng lại với ông. Sau kết quả bầu cử là làn sóng biểu tình phản đối kết quả bầu cử lớn chưa từng có. Nước Mỹ và cả thế giới đứng trước khả năng định hình lại hàng loạt các chính sách từ kinh tế tới quân sự trong nhiệm kỳ của Tổng thống đắc cử Donald Trump.
4. Giá trị châu Âu bị tấn công
Tháng 7-2016, Mohamed Lahouaiej-Bouhlel, người gốc Tunisia đã sử dụng chiếc xe tải lao thẳng vào đám đông đang tụ họp kỷ niệm ngày Quốc khánh Pháp tại một bãi biển ở Nice, làm 86 người thiệt mạng.
Hiện trường vụ tấn công bằng xe tải ở Berlin, Đức
Hơn 5 tháng sau, Anis Amri - một đối tượng người Tunisia khác, cũng sử dụng xe tải lao vào đám đông ở chợ Giáng sinh Breitscheidplatz tại Berlin, Đức làm 12 người thiệt mạng. 2 vụ tấn công cùng một cách thức rúng động châu Âu, gây hoang mang cho người dân lục địa già. Mục tiêu của những kẻ reo rắc cái chết là tấn công vào toàn bộ giá trị của châu Âu. Vì thế, chỉ có đoàn kết, hợp tác, châu Âu mới mong chiến thắng được khủng bố, mới bảo vệ các giá trị đó tốt hơn.
5. Mỹ - Nhật hàn gắn vết thương trong quá khứ
Ngày 27-5, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã trở thành tổng thống đương nhiệm đầu tiên của Mỹ đến thăm TP Hiroshima - nơi Mỹ thả quả bom nguyên tử vào tháng 8-1945 trong những ngày cuối cùng của Thế chiến II. Chuyến thăm nhận được thái độ hoan nghênh của dư luận Nhật Bản. Đối với một số người sống sót sau thảm kịch trên, bài phát biểu kêu gọi một thế giới không hạt nhân của Tổng thống Obama tại Hiroshima chính là lời xin lỗi gửi đến họ và những người đã mất.
Tổng thống Obama tại Công viên Tưởng niệm hòa bình Hiroshima
Sau chuyến công du của ông Obama, Thủ tướng Abe tuyên bố sẽ đến thăm Trân Châu Cảng ở Hawaii vào ngày 26 và 27-12-2016. Đây cũng sẽ là lần đầu tiên một lãnh đạo cấp cao của Nhật Bản đến thăm Trân Châu Cảng - nơi diễn ra cuộc tấn công lịch sử của Nhật trong Thế chiến II. Phát biểu trước chuyến thăm, ông Abe nhấn mạnh quyết tâm chấm dứt bóng ma khủng khiếp của chiến tranh giữa hai quốc gia từng đối đầu trong Thế chiến II, nhưng giờ là đồng minh thân cận tại châu Á.
6. Đại sứ Nga bị ám sát tại Thổ Nhĩ Kỳ
Nga gọi vụ ám sát khiến Đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ Andrey Karlov thiệt mạng trong một sự kiện chính thức ở thủ đô Ankara là “hành động khủng bố”. Sau vụ ám sát, cả Nga và Thổ Nhĩ Kỳ quyết tâm hợp sức chống kẻ thù chung là khủng bố. Trước đó, đã có nhận định trên báo chí phương Tây rằng, vụ ám sát Đại sứ Andrei Karlov có thể khiến Nga và Thổ Nhĩ Kỳ quay lưng với nhau, từ đó dẫn đến lệnh ngừng bắn ở Aleppo bị đổ vỡ, hoặc dẫn đến những cuộc chiến mới có thể xảy ra tại Syria. Tuy nhiên, với sự đồng lòng của hai quốc gia cùng Iran, chính quyền của ông al Assad đã có thêm động lực trong cuộc chiến giành lại sự ổn định của đất nước.
7. Brexit gây chấn động
Việc người dân Anh bỏ phiếu quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) cho thấy nội bộ châu Âu đã tồn tại nhiều mâu thuẫn khó có thể giải quyết triệt để về bản chất. Những hệ quả về kinh tế và an ninh quốc phòng có thể sẽ làm đảo lộn trật tự thế giới đã tồn tại hơn 70 năm qua.
Những người trẻ ở Anh không mong đợi Brexit
Theo đánh giá, đây chỉ là một trong chuỗi diễn biến liên quan đến nhau, báo hiệu khả năng diễn ra một cuộc sắp xếp lại quyền lực, các mối quan hệ kinh tế, các đường biên giới và ý thức hệ trên toàn cầu, cũng như chắc chắn sẽ gây ra những tác động to lớn về kinh tế và tài chính cho EU. Nhưng hơn hết, nó sẽ làm thay đổi cục diện địa chính trị, làm lung lay nền tảng cán cân quyền lực tại châu Âu, buộc EU phải định hình lại vai trò của liên minh này với thế giới.
8. Nỗi ám ảnh Zika
Nhanh chóng lây lan ở 60 quốc gia thuộc 4 lục địa sau khi xuất hiện vào đầu năm nay, virus Zika là nỗi lo ngại của cư dân toàn cầu cũng như các tổ chức y tế trên thế giới. Được chứng minh có thể gây ra hội chứng teo não cho thai nhi và tử vong ở người lớn, virus Zika được đặt trong cùng hạng mục với dịch bệnh Ebola sau khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu. Ngân hàng Thế giới (WB) công bố, virus Zika có thể đã gây ra thiệt hại kinh tế lên tới 4 tỷ USD cho Mỹ Latinh và Caribe. Trong số này, khoảng 3,5 tỷ USD là từ các nguồn thu nhập bị mất đi do tác động của dịch bệnh và khoảng 420 triệu USD là thiệt hại vật chất do dịch bệnh trực tiếp gây ra.
9. Dân túy cánh hữu châu Âu trỗi dậy
Sau kết quả đầy bất ngờ từ cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, hiệu ứng từ chiến thắng của tỷ phú Donald Trump lan ra khắp lục địa già trong bối cảnh người dân châu Âu càng ngày càng chán nản với kinh tế trì trệ, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao và tác động tiêu cực của chính sách mở cửa đón người di cư. Tại Italia, nền kinh tế lớn thứ ba trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone), việc Thủ tướng trung tả Matteo Renzi từ chức đã trở thành cơ hội cho lãnh đạo cực hữu của phong trào Năm sao Beppe Grillo vươn lên giành chính quyền trong cuộc tổng tuyển cử vào năm 2018. Ở Pháp, 2 chính trị gia Francois Fillon và Marine Le Pen có cơ hội trở thành lãnh đạo Pháp đều là những người theo đường lối cánh hữu.
Biểu tình phản đối người di cư ở Đức
Ngay cả Đức, Thủ tướng nước này, bà Angela Merkel được nhiều mô tả là “người bảo vệ cuối cùng cho phe tự do của phương Tây”, cũng nhận phải vô số chỉ trích về chính sách di cư. Ngoài ra, còn phải kể đến Thủ tướng Hungary Viktor Orban cho xây hàng rào thép giữa lòng châu Âu ngăn chặn người di cư hay “Donald Trump” của Hà Lan, chính trị gia Geert Wilders, với đường lối mạnh mẽ chống sự lan rộng của Hồi giáo tại châu Âu…
10. Máy bay Nga chở 92 người rơi ở Biển Đen
Những ngày cuối cùng năm 2016 phủ bóng bởi hung tin từ vụ tai nạn máy bay của Nga. Chiếc máy bay quân sự Tu-154 chở 92 người, trong đó có 64 người là thành viên của một đoàn nghệ thuật quân đội, đã rơi ở Biển Đen. Máy bay biến mất khỏi màn hình radar chỉ sau ít phút cất cánh. Nga đã mở một cuộc điều tra hình sự liên quan tới những vi phạm về quy định an toàn bay. Nguyên nhân khủng bố bị loại trừ. Theo chương trình, các nghệ sĩ trên chiếc máy bay đang trên đường đến căn cứ không quân Hmeimim ở Syria tham dự buổi hòa nhạc chào năm mới 2017.
Chiều 18-12, Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền đã bế mạc Hội nghị lần thứ 40 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa V, sau hai ngày tiến hành đánh giá tình hình đất nước và hoạt động của CPP trong năm 2016, đề ra phương hướng, nhiệm vụ của Đảng cho năm 2017.
Theo Reuters, ngày 16/12, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết ông và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã thảo luận về khả năng ký kết hiệp ước hòa bình và vấn đề hợp tác kinh tế sẽ giúp thiết lập các mối quan hệ đầy đủ.
Vào sáng 8-12, Hải quân Trung Quốc đã rầm rộ tổ chức cái gọi là “lễ kỉ niệm 70 năm ngày Trung Quốc thu phục" quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Tư lệnh Hải quân Trung Quốc, Đô đốc Ngô Thắng Lợi đã tham dự hoạt động phi lý này và truyền đi thông điệp hiếu chiến “yêu cầu quân đội Trung Quốc tập trung sẵn sàng cho chiến trận”.
Cựu Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Guterres ngày 12-12 đã tuyên thệ nhậm chức Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ), cam kết sẽ hỗ trợ làm trung gian hòa giải trong nhiều cuộc xung đột và cải cách LHQ để tổ chức này hoạt động hiệu quả hơn.
Ít nhất 160 người thiệt mạng khi mái nhà của một nhà thờ tại miền nam Nigeria bị sập xuống đám đông tín đồ đang có mặt tại đó, một giám đốc bệnh viện địa phương ngày 11-12 cho biết.
Báo chí Thái-lan ngày 6-12 cho biết, mưa lớn kéo dài trong suốt gần một tuần qua đã khiến 12 trong số 14 tỉnh ở miền nam Thái-lan bị ngập nặng, làm ít nhất 12 người chết và ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống của gần 100.000 người dân.