Khí thải là một trong những nguyên nhân làm tăng nhiệt độ Trái đất.
Mặc dù Mỹ rút khỏi Thỏa thuận Pa-ri về chống biến đổi khí hậu toàn cầu, song 19 thành viên còn lại của G20 đã nhất trí rằng thỏa thuận này là "không thể đảo ngược". Trong tuyên bố chung, các nhà lãnh đạo G20 cam kết hợp tác chặt chẽ nhằm giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, đồng thời hỗ trợ các nước khác tiếp cận và sử dụng nhiên liệu hóa thạch hiệu quả, thân thiện với môi trường hơn, cũng như hỗ trợ triển khai các nguồn năng lượng sạch và tái tạo khác. Tuy nhiên, G20 nhất trí "lưu ý" tới quyết định của Mỹ rút khỏi Thỏa thuận Pa-ri năm 2015 về chống biến đổi khí hậu. Ðây được cho là nỗ lực "cứu" Thỏa thuận Pa-ri bên bờ vực đổ vỡ sau khi Mỹ tuyên bố rút khỏi. Bởi trước đó xuất hiện thông tin rằng, lãnh đạo các nước đã không thể đạt đồng thuận về vấn đề chống biến đổi khí hậu khi Tổng thống Mỹ Ð.Trăm cương quyết không thay đổi quan điểm trong việc rút khỏi thỏa thuận.
Ngay sau khi Tổng thống Ð.Trăm công bố quyết định rút Mỹ khỏi Thỏa thuận Pa-ri, Liên hợp quốc cho rằng, quyết định của Oa-sinh-tơn gây "nỗi thất vọng lớn đối với những nỗ lực toàn cầu nhằm giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính và thúc đẩy an ninh toàn cầu". Thỏa thuận này là cam kết toàn cầu đầu tiên về khí hậu, được 195 quốc gia ký kết và có hiệu lực từ tháng 11-2016, với những cam kết mạnh mẽ về cắt giảm lượng khí thải CO2 nhằm kiềm chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu. Thỏa thuận này đặt ra mục tiêu giữ mức tăng nhiệt độ trung bình của toàn cầu dưới mức 20C cao hơn thời kỳ tiền công nghiệp, lý tưởng nhất là dưới 1,50C so với mốc trên. Mỹ hiện là nước có lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính lớn thứ hai thế giới, sau Trung Quốc. Theo Thỏa thuận Pa-ri (Mỹ ký kết dưới thời cựu Tổng thống B.Ô-ba-ma), Mỹ đặt mục tiêu đến năm 2025 cắt giảm 26 đến 28% lượng khí thải gây ô nhiễm so với năm 2005.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận này sẽ cản trở nỗ lực toàn cầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, có thể khiến nhiệt độ Trái đất tăng thêm 0,30C vào cuối thế kỷ 21. Ðây là viễn cảnh tồi tệ nhất mà một quan chức thuộc Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) của Liên hợp quốc dự báo và đưa ra hồi đầu tháng 6 vừa qua, trong bối cảnh cộng đồng thế giới chỉ trích việc Mỹ "quay lưng" với thỏa thuận mang tính lịch sử về chống biến đổi khí hậu. Theo người đứng đầu Cơ quan nghiên cứu khí quyển và môi trường thuộc WMO Ð.Tơ-blăng, con số nêu trên chỉ là ước tính, bởi đến nay chưa có bất cứ dự báo đánh giá nào về những hậu quả đối với môi trường và khí hậu khi Tổng thống Ð.Trăm quyết định rút Mỹ khỏi thỏa thuận.
Nhiều nước tiếp tục nỗ lực thuyết phục Mỹ không "rời cuộc chơi". Thủ tướng Nhật Bản S.A-bê đã miêu tả quyết định của Oa-sinh-tơn là "đáng thất vọng" và cho biết sẽ tiếp tục tìm cách để hợp tác với Mỹ trong vấn đề này. Nhật Bản và Ca-na-đa đã nhất trí tiếp tục thúc đẩy hợp tác từ phía Mỹ trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu. Liên hiệp châu Âu (EU) cho biết đã tăng cường sự liên kết với các bên ký Thỏa thuận Pa-ri về chống biến đổi khí hậu nhằm bảo đảm thực thi thỏa thuận, đồng thời bác bỏ đề nghị đàm phán lại của Tổng thống Mỹ.
Nỗ lực và quyết tâm bảo vệ "hành tinh xanh" vẫn được các nước thúc đẩy dù còn nhiều gian nan phía trước.
Theo Báo Nhandan