Với liên tiếp các vụ thử tên lửa và hạt nhân gần đây của Triều Tiên, không ai rõ liệu Mỹ có thể kiên nhẫn đến bao giờ.


Cách tiếp cận của Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với mối đe dọa đang gia tăng nhanh chóng từ phía Triều Tiên đã có sự chuyển hướng, từ để ngỏ khả năng sẵn sàng đối thoại với nhà lãnh đạo Kim Jong-un sang yêu cầu Trung Quốc đóng vai trò tích cực hơn để giải quyết vấn đề, rồi cuối cùng là đe dọa quân sự.

moi con duong co dua my huong toi lua chon quan su voi trieu tien hinh 1
Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: thedailybanter.

Triều Tiên vững bước…

Nếu như chỉ tháng trước, ông Trump từng thề sẽ ngăn chặn chương trình tên lửa và dọa cho Triều Tiên nếm mùi "hỏa lực và sự cuồng nộ" thì hôm 6/9, khi được hỏi về khả năng "động binh” với Triều Tiên, ông chủ Nhà Trắng lại có tuyên bố đầy chất ngoại giao.

"Chúng ta sẽ thấy những gì xảy ra. Chắc chắn đó không phải là sự lựa chọn đầu tiên của chúng tôi nhưng chúng tôi sẽ xem điều gì xảy ra”, Tổng thống Trump nhấn mạnh.

Theo giới phân tích, trong khi ông Trump cáo buộc các người tiền nhiệm đã không đủ cứng rắn với Triều Tiên, cách tiếp cận theo kiểu zích zắc của Mỹ đối với vấn đề Triều Tiên và việc Tổng thống Mỹ luôn sẵn sàng nói về khả năng tấn công quân sự có thể dẫn đến hậu quả là các bên khó có thể có được một thỏa thuận hoặc sẽ phải trả giá quá đắt.

"Ông Kim Jong-un không ‘cầu xin’ chiến tranh”, ông Daniel Russel, nhà ngoại giao hàng đầu của Bộ Ngoại giao Mỹ nhận định. "Những gì ông ấy muốn không phải là mâu thuẫn mà là một sự nhượng bộ lớn từ phía Mỹ và các đồng minh của Mỹ là Hàn Quốc và Nhật Bản”.

Trong khoảng thời gian gần 8 tháng cầm quyền của ông Trump, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã hứa sẽ đẩy mạnh việc phát triển vũ khí hạt nhân mạnh hơn và tên lửa tầm xa gắn được đầu đạn hạt nhân có tầm bắn đến lục địa Mỹ. Mục tiêu của việc này là nhằm loại bỏ lựa chọn quân sự của Mỹ, buộc Washington và phần còn lại của thế giới phải kiêng dè, nhượng bộ họ.

Nhà ngoại giao kỳ cựu Daniel Russel nói: "Ông Kim Jong-un có kế hoạch hành động rất khôn khéo. Đẩy mạnh mối đe dọa hạt nhân và kiếm tiền từ việc đó”.

 

moi con duong co dua my huong toi lua chon quan su voi trieu tien hinh 2
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vẫn kiên trì theo đuổi đường lối phát triển vũ khí hạt nhân bất chấp chỉ trích từ dư luận quốc tế. Ảnh: Daily Express.

… Mỹ loạn nhịp?

Thực tế, chiến lược này đã diễn ra trong nhiều năm, trước khi ông Trump trở thành Tổng thống Mỹ. Mặc dù vậy, phản ứng của ông Trump khác xa với các Tổng thống tiền nhiệm và đôi lúc có vẻ như những gì ông Trump làm mang tính tức thì hơn là một kế hoạch có chủ đích.

Gần đây, thậm chí Tổng thống Trump còn nghĩ đến việc cắt đứt giao thương với tất cả các quốc gia có quan hệ làm ăn với Triều Tiên. Ý tưởng này đương nhiên là phi thực tế, nó đi ngược lại chiến lược của Mỹ là thu hút Trung Quốc cùng các quốc gia khác cùng hành động trong việc trừng phạt kinh tế chống Triều Tiên.

Thông điệp phát đi từ phía Mỹ đối với vấn đề Triều Tiên được cho là khá "lộn xộn”. Trong khi Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson luôn tỏ ra kiềm chế với những lời lẽ đậm chất ngoại giao thì Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc lại không ngừng đe dọa áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế bổ sung nhằm vào Bình Nhưỡng, còn Bộ trưởng Quốc phòng Mattis lại đề cập đến "phản ứng quân sự quy mô lớn”.

Các nghị sĩ đảng Dân chủ đã chỉ trích cách thức ông Trump xử lý căng thẳng ngày càng gia tăng trên Bán đảo Triều Tiên, lập luận rằng nhà lãnh đạo này chỉ đưa ra cách tiếp cận "mang tính đo lường” hơn là thực chất để giải quyết vấn đề.

Thượng nghị sĩ bang Maryland Chris Van Hollen nói trong một cuộc phỏng vấn với MSNBC: "Tổng thống Mỹ cần phải nhấc máy lên và có các cuộc điện đàm ngoại giao chứ không phải các dòng tweet trên trang cá nhân. Chúng tôi muốn làm việc với Trung Quốc và chúng tôi muốn họ gây áp lực lên Triều Tiên. Một mặt Tổng thống nói rằng Chủ tịch Trung Quốc là người bạn tốt của ông ấy nhưng vài hôm sau, ông Trump lại tweet một cái gì đó rất khác”.

Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Chris Murphy của bang Connecticut nói với CNN cho rằng: "Tôi cảm thấy như chúng tôi vẫn có hai chính sách khác nhau ở Triều Tiên. Một ở Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng và một là trong những thông tin đăng tải trên trang Twitter cá nhân của Tổng thống”.

Lựa chọn quân sự

Triều Tiên đã thử tên lửa đạn đạo liên lục địa hai lần trong tháng 7/2017 trước khi tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 6 vào ngày 3/9 vừa qua. Cho đến trước ngày 6/9, Tổng thống Trump luôn nhấn mạnh đến khả năng sử dụng biện pháp quân sự với Triều Tiên.

Có một điểm đáng chú ý đó là Tổng thống Trump chỉ nhắc đến các cố vấn quân sự và Chánh Văn phòng Nhà Trắng John Kelly – người cũng là một tướng quân sự về hưu khi tweet về phiên họp khẩn cấp ở Nhà Trắng hôm 3/9, ngay sau khi Triều Tiên thử hạt nhân.

"Bất cứ mối đe dọa nào nhằm vào Mỹ và lãnh thổ của chúng tôi, trong đó có đảo Guam hoặc các đồng minh của chúng tôi, sẽ bị đáp trả bằng một hành động quân sự quy mô lớn, hiệu quả và không thể chống đỡ", Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis nói với các phóng viên bên lề cuộc họp.

Người đứng đầu Lầu Năm Góc cũng khuyên nhà lãnh đạo Triều Tiên nên chú ý đến những lời cảnh báo của quốc tế nhưng không hề kêu gọi đàm phán.

"Chúng tôi không muốn hủy diệt toàn bộ một quốc gia – cụ thể ở đây là Triều Tiên. Tuy nhiên, như tôi đã nói, chúng tôi có nhiều lý do để làm như vậy”, Bộ trưởng Mattis cảnh báo./.


                                                                                 TheoVOV.VN

Các tin khác


Anh: Thủ tướng bác tin đồn rút khỏi chính trường

(HBĐT) - Theo Roi-tơ và TTXVN, ngày 31-8, Thủ tướng Anh T.Mây khẳng định bà sẽ lãnh đạo đảng Bảo thủ trong cuộc tổng tuyển cử tiếp theo ở "xứ sở sương mù". Tuyên bố được đưa ra sau khi có thông tin rằng, bà đang tính chuyện rút lui sau khi Anh rời Liên hiệp châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, vào năm 2019. Bà T.Mây tuyên bố sẽ tiếp tục lãnh đạo đảng Bảo thủ lâu dài, đồng thời cho biết bà và chính phủ đương nhiệm không chỉ nỗ lực có được một "cuộc chia tay" có lợi cho nước Anh, mà còn đem đến tương lai tươi sáng cho Vương quốc Anh.

Mỹ lệnh đóng cửa ba cơ sở ngoại giao của Nga

(HBĐT) - Mỹ vừa đề nghị Nga đóng cửa lãnh sự quán của nước này tại San Fransico và hai cơ sở của các phái bộ thương mại của Nga tại Mỹ ở Washington và New York, Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 31-8 cho biết, trong một động thái nhằm đáp trả lại việc Moscow yêu cầu giảm sự hiện diện ngoại giao của Mỹ tại Nga.

Liên hợp quốc thúc đẩy tiến trình hòa bình Trung Ðông

Theo Roi-tơ và TTXVN, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) A.Gu-tê-rết đã tới I-xra-en đêm 27-8, bắt đầu chuyến công du ba ngày tại I-xra-en và thăm chính quyền Dân tộc Pa-le-xtin.

Nhật Bản lên án mạnh mẽ vụ phóng tên lửa của Triều Tiên

Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga sáng 29-8 cho biết, vụ phóng tên lửa mới nhất của CHDCND Triều Tiên đã đặt ra mối đe dọa nghiêm trọng và chưa có tiền lệ đối với an ninh của Nhật Bản. Chính phủ Nhật Bản lên án mạnh mẽ vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên.

IS bị đánh bật khỏi những mảnh đất cuối cùng

Sau chưa đầy một tuần phát động chiến dịch quân sự, quân đội Iraq ngày 27-8 đã gần như giành lại toàn bộ TP Tal Afar sau khi đẩy các tay súng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng khỏi trung tâm thành phố của một trong những thành trì cuối cùng của nhóm khủng bố này ở Iraq.

Triều Tiên đề nghị họp khẩn Liên Hợp Quốc

(HBĐT) - Triều Tiên đã gửi đến Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc một thư đề nghị triệu tập một cuộc họp khẩn cấp để bàn về cuộc tập trận quân sự chung đang diễn ra giữa Mỹ và Hàn Quốc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục