Việt Nam và Singapore chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 1-8-1973. Trong chặng đường 45 năm qua, quan hệ giữa hai nước đã phát triển mạnh mẽ, sinh động, gặt hái những thành tựu tốt đẹp và có nhiều triển vọng để phát triển hơn nữa trong tương lai.



Toàn cảnh Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) ở tỉnh Bình Dương.

Tháng 9-2013, nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, hai bên đã ra Tuyên bố chung thiết lập quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Singapore. Kể từ đó, hai bên tích cực triển khai các nội hàm của quan hệ đối tác chiến lược và đã đạt được những kết quả hết sức thực chất, đi vào chiều sâu trên tất cả các lĩnh vực, như chính trị, an ninh, quốc phòng, kinh tế, giáo dục - đào tạo, văn hóa, giao lưu nhân dân…

Về chính trị, hai bên thường xuyên trao đổi đoàn và tiếp xúc ở cấp cao và các cấp. Riêng năm 2017, Thủ tướng Lý Hiển Long hai lần thăm Việt Nam. Tháng 4-2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm chính thức Singapore và dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 32. Hai bên phối hợp chặt chẽ trong Cộng đồng ASEAN nhằm không ngừng nâng cao vai trò và vị thế của hai nước trong ASEAN, ở khu vực và trên thế giới, góp phần củng cố vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực. Hai nước cũng hợp tác chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn khu vực và quốc tế khác như APEC, ASEM, Liên hợp quốc..., góp phần tích cực vào việc thúc đẩy liên kết, kết nối khu vực, thu hẹp khoảng cách phát triển trong khu vực. Hợp tác quốc phòng - an ninh giữa Việt Nam và Singapore ngày càng được tăng cường, nhất là trong các lĩnh vực giao lưu tàu hải quân, chống khủng bố, an ninh mạng.

Hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước trong những năm qua đã không ngừng phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Từ năm 1996 đến nay, Singapore luôn là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Ðầu tư trực tiếp từ Singapore vào Việt Nam liên tục tăng. Ðến nay, các doanh nghiệp Singapore đã đầu tư tại 48 trong số 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam. Nếu như trước đây, đầu tư của Singapore chỉ tập trung tại một số tỉnh, thành phố lớn, có điều kiện hạ tầng kinh tế - xã hội thuận lợi như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Bình Dương, Bắc Ninh... thì những năm gần đây, địa bàn đầu tư của các doanh nghiệp Singapore tại Việt Nam đang dần phát triển tại nhiều địa phương khác như Quảng Ngãi, Quảng Trị, Nghệ An, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Bình Ðịnh... Trong số đó, các Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) do Tập đoàn Sembcorp đầu tư tại Việt Nam trong hơn 20 năm qua đã trở thành biểu tượng của sự hợp tác kinh tế thành công và cùng có lợi. Các dự án này đã tạo hơn 220 nghìn việc làm, phát triển nhiều lĩnh vực như cơ sở hạ tầng, công nghiệp chế biến, chế tạo, xây dựng, sản xuất…, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế nhiều địa phương.

Trong thời gian tới, hợp tác kinh tế Việt Nam - Singapore có thể chứng kiến nhiều triển vọng mới. Việt Nam cần đẩy mạnh hợp tác với Singapore trong những lĩnh vực mà Singapore có thế mạnh như số hóa nền kinh tế, ứng dụng công nghệ cao, xây dựng chính phủ kiến tạo, quy hoạch đô thị thông minh, dịch vụ thương mại điện tử, tài chính, ngân hàng, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo...

Hợp tác trong các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, du lịch, lao động, văn hóa và giao lưu nhân dân giữa hai nước ngày càng được mở rộng và phát triển, góp phần tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau của nhân dân hai nước. Hiện có khoảng 9.000 sinh viên Việt Nam đang học tập tại Singapore, trở thành một cầu nối quan trọng, thúc đẩy tình hữu nghị giữa hai quốc gia. Tại Singapore, các món ăn Việt Nam rất được ưa chuộng. Số lượng nhà hàng Việt Nam mọc lên ngày càng nhiều. Một số thương hiệu ẩm thực từ Singapore cũng đã mở những nhà hàng đầu tiên tại Việt Nam.

Dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Singapore là thời khắc để nhìn lại quãng đường đã qua và xác định hướng đi sắp tới cho quan hệ hợp tác song phương. Thời gian tới, các cơ quan, bộ, ngành, địa phương hai nước cần tiếp tục đẩy mạnh hợp tác, nỗ lực phát huy hiệu quả cao nhất của quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Singapore, đưa quan hệ hai nước lên tầm cao mới, đóng góp vào sự phát triển, thịnh vượng của mỗi nước.


Theo Nhandan

Các tin khác


Tiếp tục tìm kiếm những người mất tích sau sự cố vỡ đập tại Lào

Ngày 26-7, các nhà chức trách của Chính phủ Lào cho biết, công tác tìm kiếm 131 người mất tích sau khi đập thủy điện Xepian-Xe Nam Noy, tại huyện Sanamxay, tỉnh Attapeu bị vỡ vẫn tiếp tục diễn ra. Các nhân viên y tế đã được điều tới khu tạm trú để giúp đỡ những người dân chịu ảnh hưởng của sự cố này.

Thủ tướng Ấn Độ gặp Tổng thống Nga và Chủ tịch Trung Quốc

Hãng ANI News ngày 27/7 đưa tin Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ngày 26/7 đã gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin bên lề hội nghị cấp cao BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) tại thành phố Johannesburg.

Hy Lạp ban bố quốc tang tưởng niệm nạn nhân cháy rừng

Ngày 24-7, Hy Lạp bắt đầu ba ngày quốc tang tưởng niệm các nạn nhân của vụ cháy rừng được cho là dữ dội nhất tại nước này trong hơn 10 năm qua. Theo thống kê chính thức mới nhất, 74 người đã thiệt mạng và 187 người đang được điều trị tại bệnh viện sau khi đám cháy rừng gần thủ đô Athens bùng phát.

Triều Tiên tháo dỡ cơ sở sản xuất tên lửa

Theo CNA, những hình ảnh ngày 20-7 tại trạm phóng vệ tinh Sohae cho thấy Bình Nhưỡng tháo dỡ một tòa nhà được sử dụng để lắp ráp các phương tiện phóng tên lửa và một trạm thử nghiệm động cơ tên lửa gần đó.

Lào khẩn trương khắc phục sự cố vỡ đập thủy điện

Chính phủ Lào đang tập trung mọi nguồn lực để khắc phục sự cố vỡ đập thủy điện số 3 Xepian-Xe Nam Noy xảy ra vào tối 23-7 tại huyện Sanamxay, tỉnh Attapeu, phía nam Lào, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và vật chất.

Tổng thống Hàn Quốc ra lệnh cử một nhóm viện trợ tới Lào

Hãng Yonhap đưa tin ngày 25/7, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã ra lệnh cử một nhóm viện trợ khẩn cấp tới Lào, nơi mưa lớn đã dẫn tới vỡ một con đập do các công ty của Hàn Quốc xây dựng, khiến nhiều người mất tích và hàng nghìn người phải sơ tán.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục