Theo Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ (USGS), ngày 11-10, trận động đất có cường độ 6,0 theo thang độ mô-men đã làm rung chuyển hai đảo Java và Bali của Indonesia, khiến ba người trên đảo Java thiệt mạng, làm hư hại một số tòa nhà và gây hoảng sợ cho người dân.



Indonesia vẫn đang khắc phục hậu quả do động đất, sóng thần gây ra trên đảo Sulawesi.

Trận động đất được xác định là xuất hiện tại Biển Bali, làm rung chuyển nhiều tòa nhà trên hòn đảo nghỉ dưỡng này và khiến một số người dân phải rời khỏi nhà của mình tại TP Denpasar, thủ phủ của Bali.

 

USGS đo được tâm chấn của trận động đất nằm cách khu vực Sumberanyar trên đảo Java 40 km về phía đông bắc.
Người phát ngôn Cơ quan Giảm nhẹ thảm họa quốc gia Indonesia Sutopo Purwo Nugroho cho biết trong một tuyên bố, nhiều tòa nhà đã sập đúng lúc mọi người đang ngủ, hậu quả là ba người tại Đông Java đã thiệt mạng.

Tuần này, hội nghị thường niên của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) đang diễn ra tại Bali với sự tham gia của hơn 19 nghìn đại biểu và khách mời khác, trong đó có các bộ trưởng, người đứng đầu các ngân hàng trung ương và một số nhà lãnh đạo.

Cũng theo USGS, cùng ngày, trận động đất có cường độ 7,0 theo thang độ mô-men đã xảy ra tại đảo New Britain của Papua New Guinea. Hiện chưa có báo cáo về thiệt hại do động đất gây ra. Trận động đất xuất hiện lúc gần bảy giờ sáng (giờ địa phương), cách thị trấn Rabaul khoảng 200 km về phía tây nam, ở độ sâu gần 40 km.

Ban đầu, USGS ghi nhận trận động đất có cường độ 7,3 nhưng sau đó đã giảm xuống mức 7,0. Ít nhất hai dư chấn có cường độ hơn 5,0 đã xuất hiện sau trận động đất.

Từ đồn cảnh sát Rabaul, cảnh sát Roy Michael cho biết với Reuters qua điện thoại: "Chúng tôi cảm thấy có động đất nhưng nó không quá mạnh”. Ông Michael nói thêm, trận động đất không gây thiệt hại cho thị trấn này nhưng cảnh sát vẫn chưa thể liên lạc được với các làng nằm gần tâm chấn.

Trung tâm Cảnh báo sóng thần Thái Bình Dương dự báo sóng cao chưa đầy 0,3 m có thể sẽ xuất hiện tại bờ biển của Papua New Guinea và Quần đảo Solomon. Trong khi đó, Trung tâm Cảnh báo sóng thần Australia cho biết, bờ biển nước này không gặp nguy hiểm sau trận động đất tại Papua New Guinea.

Papua New Guinea nằm trên vành đai lửa Thái Bình Dương và vẫn trong quá trình phục hồi sau khi xảy ra động đất có cường độ 7,5 vào tháng 2 vừa qua, khiến ít nhất 100 người thiệt mạng.


Theo Nhandan

Các tin khác


Vòng hai cuộc bầu cử Tổng thống Brazil diễn ra vào ngày 28-10

Theo kết quả chính thức của vòng một cuộc bầu cử Tổng thống Brazil, ứng cử viên cánh hữu thuộc Đảng Xã hội tự do Jair Bolsonaro và ứng cử viên của Đảng Lao động cánh tả Fernando Haddad sẽ bước vào vòng hai cuộc bỏ phiếu để chọn ra người dẫn dắt quốc gia Nam Mỹ này.

Động đất tại Haiti, ít nhất 11 người chết

Một trận động đất mạnh 5,9 độ richter xảy ra vào cuối ngày 6-10 tại khu vực bờ biển phía bắc của Haiti, làm ít nhất 11 người thiệt mạng, hơn 100 người bị thương và phá huỷ nhiều toà nhà.

Ngoại trưởng Mỹ tới Bình Nhưỡng

Ngày 7-10, truyền thông địa phương đưa tin, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã đến thủ đô Bình Nhưỡng và có kế hoạch gặp mặt nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un để thảo luận về tiến trình phi hạt nhân hoá bán đảo Triều Tiên.

Báo chí quốc tế nêu bật vai trò của đồng chí Đỗ Mười trong sự nghiệp đổi mới đất nước

Đưa tin đồng chí Đỗ Mười, nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam từ trần, các hãng thông tấn cũng như các tờ báo uy tín trên thế giới đã nêu bật những đóng góp và vai trò của đồng chí trong thời kỳ Việt Nam tiến hành công cuộc đổi mới.

Động đất, sóng thần ở Indonesia: 1.670 người thiệt mạng và mất tích

Ngày 5/10, Indonesia thông báo số người tử vong trong thảm họa động đất và sóng thần tại đảo Trung Sulawesi hồi tuần trước đã tăng lên 1.558 người.

Thúc đẩy tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên

Theo Yonhap và TTXVN, ngày 4-10, Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Kang Kyung-wha nhấn mạnh, Mỹ cần phải linh hoạt trong các cuộc đàm phán liên quan tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Trước đó, trả lời phỏng vấn truyền thông Mỹ, bà Kang Kyung-wha đề xuất, Mỹ nên nhất trí tuyên bố kết thúc chiến tranh Triều Tiên (1950 - 1953), đổi lại là việc CHDCND Triều Tiên dỡ bỏ cơ sở hạt nhân chính Yongbyon của mình; đồng thời cho rằng, đây sẽ là một bước tiến lớn hướng tới phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục