Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko. (Nguồn: AFP/TTXVN).
Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko (Pi-ốt Pô-rô-sen-cô) thông báo sắc lệnh tình trạng chiến tranh, ban bố hôm 25/11 vừa qua tại một số khu vực biên giới, đã hết hiệu lực từ ngày 26/12.
Sắc lệnh trên đã được ban bố tại 10 vùng giáp biên giới Nga, Biển Đen và Biển Azov, sau vụ Nga bắt giữ 3 tàu hải quân và thủy thủ Ukraine hôm 25/11. Trong thời gian áp dụng sắc lệnh trên, Ukraine đã cấm nhập cảnh đối với nam công dân Nga trong độ tuổi tham chiến (từ 16 - 60 tuổi) và tăng cường an ninh tại các địa điểm quan trọng như các nhà máy điện hạt nhân và các cảng biển ở Biển Đen.
Hồi đầu tháng này, ông Poroshenko từng nói không có ý định kéo dài sắc lệnh trên, trừ phi có dấu hiệu rõ rệt về một vụ tấn công lớn từ phía Nga. Ngày 17/12, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (Xéc-gây La-vrốp) cam kết Moskva sẽ không phát động cuộc chiến với Kiev, bất chấp các hành động khiêu khích gia tăng từ phía Ukraine.
Quan hệ Nga và Ukraine căng thẳng kể từ năm 2014 khi Moskva sáp nhập trở lại Bán đảo Crimea (Crưm) và tình hình đã bị đẩy lên nấc thang nghiêm trọng mới sau sự cố ở Biển Azov. Hai nước đã đưa ra những thông báo trái chiều về vụ việc. Hải quân Ukraine cho rằng Nga đã cho tàu chặn đường qua Eo biển Kerch, không để hai tàu chiến loại nhỏ cùng một tàu kéo Ukraine đang từ Biển Đen đi qua eo biển này để vào Biển Azov. Tuy nhiên, Nga cáo buộc Ukraine không thông báo trước về việc 3 con tàu qua Eo biển Kerch, đồng thời cho biết các tàu của Ukraine đã đi lại một cách nguy hiểm và phớt lờ những chỉ dẫn của phía Nga nhằm kích động căng thẳng, buộc Moskva phải dùng tới vũ lực để ngăn chặn các tàu Ukraine xâm phạm bất hợp pháp vùng biển Nga. Ukraine gọi đây là "hành động có chủ định" của phía Nga, trong khi Tổng thống Nga Vladimir Putin (Vla-đi-mia Pu-tin) cho rằng đây là một "sự cố biên giới" và việc Tổng thống Ukraine ban bố tình trạng chiến tranh trong 30 ngày là "một phản ứng thái quá"./.
Theo Báo Đảng cộng sản Việt Nam
Giới chức Indonesia và các chuyên gia cảnh báo rằng do núi lửa Anak Krakatau vẫn đang hoạt động nên một trận sóng thần thứ 2 có thể bắt đầu bất cứ lúc nào sau khi thảm họa tự nhiên ngày 22/12, vốn khiến con số thương vong lên tới hơn 1.000 người.