Ngày 25-3, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký tuyên bố công nhận chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan. Liên hợp quốc và một số nước đã lên tiếng phản đối động thái này của Mỹ.
Tổng thống Trump công bố bản tuyên bố công nhận chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan trước sự chứng kiến của Thủ tướng Netanyahu (người cầm bút) tại Phòng tiếp khách ngoại giao của Nhà Trắng, ngày 25-3. (Ảnh: AP)
Đứng bên cạnh Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Nhà Trắng, Tổng thống Trump đã chính thức hóa điều ông thông báo trên mạng xã hội tuần trước. Trong dòng trạng thái đăng trên Twitter ngày 21-3, ông Trump cho rằng đã đến lúc Mỹ công nhận một cách đầy đủ chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan sau 52 năm Israel kiểm soát cao nguyên chiến lược nằm trên biên giới giáp Syria.
Israel chiếm đóng Cao nguyên Golan của Syria trong thời gian xảy ra chiến tranh Trung Đông năm 1967 và sau đó sáp nhập vào lãnh thổ của mình năm 1981 mà không được cộng đồng quốc tế công nhận.
Ngay sau khi Tổng thống Trump công nhận chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan, Bộ Ngoại giao Syria đã gọi quyết định này là "sự xâm lược rõ ràng” vào chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Syria. Bộ này đánh giá động thái của Mỹ thể hiện "mức độ coi thường cao nhất đối với tính hợp pháp quốc tế”.
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) coi Israel là "thế lực chiếm đóng” và cho rằng việc Israel tìm cách "áp đặt luật pháp, quyền tài phán và sự quản lý của nước này tại Cao nguyên Golan bị chiếm đóng của Syria là không có giá trị pháp lý và không có hiệu lực pháp lý quốc tế”.
Tại trụ sở LHQ, Người phát ngôn LHQ Stephane Dujarric cho biết, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres tôn trọng triệt để các nghị quyết của HĐBA cho rằng việc Israel sáp nhập Cao nguyên Golan là "không có giá trị pháp lý và không có hiệu lực pháp lý quốc tế”.
Trong khi đó, Lebanon bày tỏ quan điểm Cao nguyên Golan thuộc lãnh thổ Syria và "không một quốc gia nào có thể làm sai lệch lịch sử bằng cách chuyển" đất đai từ nước này sang nước khác.
Canada và Thổ Nhĩ Kỳ cũng bày tỏ phản đối động thái của Mỹ. "Theo luật pháp quốc tế, Canada không công nhận quyền hành vĩnh viễn của Israel đối với Cao nguyên Golan. Quan điểm đã có từ lâu của Canada vẫn không thay đổi”, Bộ Ngoại giao Canada khẳng định. Ngoài ra, Bộ này nhấn mạnh: "Sự sáp nhập lãnh thổ bằng vũ lực đã bị cấm trong luật pháp quốc tế”.
Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu nhận định, Mỹ đã "phớt lờ” luật pháp quốc tế và quyết định của Washington sẽ làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.
Thủ tướng Netanyahu đã tới Washington ngày 24-3 và dự kiến ở thăm Mỹ ba ngày. Tuy nhiên, sáng 25-3, ông thông báo sẽ phải trở về nước sớm hơn kế hoạch để ứng phó vụ phóng tên lửa từ Dải Gaza vào miền trung Israel.
Theo báo Nhân Dân