Theo ông Lê Ngọc Nam thuộc Công ty Chứng khoán Tân Việt, đến thời điểm hiện tại, cuộc chiến thương mại chưa có ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường chứng khoán Việt Nam.

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang có những diễn biến phức tạp, khó lường. Tác động của những diễn biến này đến thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn nhiều tranh cãi.

Một số chuyên gia cho rằng cuộc chiến này sẽ đem lại một số lợi ích đối với thị trường trong ngắn hạn, nhưng trong dài hạn sẽ hại nhiều hơn lợi và cần thời gian để theo dõi tiếp. Tuy nhiên, cũng có ý kiến nhận định đây có thể là cơ hội cho sự bứt phá của thị trường chứng khoán Việt.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán Maybank KimEng Việt Nam cho rằng: "Khó có chuyện cuộc chiến thương mại giữa hai siêu cường kinh tế sẽ đem lại những lợi ích cho các nước nhỏ hơn. Có thể Việt Nam sẽ được hưởng lợi, nhưng cái lợi đó có bù được thiệt hại hay không. Cần lưu ý rằng Việt Nam giáp biên giới với Trung Quốc nên lượng hàng hóa dư thừa không xuất được qua Mỹ có thể sẽ xuất sang Việt Nam gây ra thâm hụt thương mại lớn."

Thực tế, theo Tổng cục Thống kê, 4 tháng đầu năm 2019, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 22,3 tỷ USD, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, điện tử, máy tính và linh kiện tăng 80,9%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng 28,5%; vải tăng 13,3%.

Thời gian qua, khi cuộc chiến thương mại diễn ra, cổ phiếu một số ngành trên thị trường chứng khoán tăng khá mạnh. Tuy nhiên, điều này chỉ là tạm thời, là phản ứng của cổ phiếu với thông tin ngắn hạn, còn về mặt dài hạn, việc doanh nghiệp có tiếp tục phát triển hay không là câu chuyện của tương lai.

Mỹ có thể chọn hàng hóa của Việt Nam để thay thế cho hàng Trung Quốc thì cũng có thể lựa chọn hàng hóa tương tự của các quốc gia khác, ông Khánh phân tích.

Vị chuyên gia này cho biết điều lớn nhất ông lo ngại không phải là chiến tranh thương mại mà là chiến tranh tiền tệ. Mỹ có dư địa hơn Trung Quốc về cuộc chiến thương mại vì giá trị hàng hóa Mỹ nhập từ Trung Quốc lớn hơn nhiều so với lượng hàng hóa Trung Quốc nhập từ Mỹ.

Ông Khánh cho rằng Trung Quốc sẽ phải phản ứng bằng nhiều cách khác nhau, trong đó có thể Ngân hàng Trung ương Trung Quốc sẽ giảm giá đồng Nhân dân tệ. Khi Trung Quốc điều chỉnh giảm giá đồng Nhân dân tệ thì giá tiền đồng cũng có thể phải điều chỉnh giảm theo.

Tỷ giá biến động mạnh sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến dòng vốn các nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán. Nhà đầu tư nước ngoài có thể rút ròng mạnh tại các quốc gia có đồng tiền giảm giá so với đồng đôla Mỹ, trong đó có thị trường chứng khoán Việt Nam.

Theo ông Lê Ngọc Nam - Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Tân Việt (TVSI), đến thời điểm hiện tại, cuộc chiến thương mại chưa có ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường chứng khoán Việt Nam, thậm chí Việt Nam còn thu được một số lợi ích từ cuộc chiến này. Ví dụ ngành dệt may có nhiều đơn đặt hàng hơn đã giúp cổ phiếu ngành này tăng mạnh.

Dòng cổ phiếu dệt may đã có biến động rất tích cực kể từ đầu quý 1/2019 tới hiện tại, một số mã cổ phiếu lớn của dòng này đã có mức tăng từ 20-40%.

Theo thống kê của TVSI với các doanh nghiệp được lựa chọn trong ngành dệt may, thì doanh thu ngành năm 2018 tăng trưởng mạnh, đạt 14% so với mức tăng trưởng gộp 9,2% từ năm 2013 tới năm 2017.

Lợi nhuận sau thuế năm 2018 của nhóm cổ phiếu này cũng tăng 25% so với mức gộp 11,4%/năm giai đoạn 2013-2017.

Tuy vậy, quý 1/2019 doanh thu của dòng cổ phiếu dệt may đang đi ngang, trong khi lợi nhuận giảm 3,2% so với cùng kỳ. Nguyên nhân chủ yếu khiến đà tăng trưởng chững lại là do các nhà máy gần như đã hoạt động hết công suất.

Ông Nam cho rằng trong ngắn và trung hạn, thị trường chưa bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến, VN- Index khó giảm về vùng 900 điểm trong vòng 1 vài tháng tới. Tuy nhiên, trong dài hạn, cuộc chiến này sẽ khiến tổng thương mại toàn cầu giảm, vì đây là 2 siêu cường của thế giới nên có vẻ như sẽ có tác động tiêu cực sang các thị trường nhỏ hơn.

Hơn nữa, giá đồng Nhân dân tệ thời gian gần đây liên tục sụt giảm sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam, vì Trung Quốc là đối tác thương mại quan trọng bậc nhất của Việt Nam.

Hơn nữa Trung Quốc là công xưởng của thế giới nên việc sản xuất tại đây bị ảnh hưởng, sản lượng sẽ giảm theo. Trong khi đó, Việt Nam nhập rất nhiều nguyên liệu từ Trung Quốc. Đây là những ảnh hưởng trong dài hạn, nhưng tác động như thế nào thì cần phải theo dõi, vì một số nguyên vật liệu nhập từ Trung Quốc Việt Nam có thể dần dần thay đổi.

"Theo tôi, cuộc chiến thương mại là vấn đề lớn và có tác động rất khó lường, cần theo dõi. Trong ngắn hạn, Việt Nam cũng có thể được lợi, nhưng phần lợi này có lẽ không đáng bao nhiêu so với phần thiệt hại do cuộc chiến gây ra," ông Nam nhận định.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh đến từ Học viện Ngân hàng cho rằng trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, Việt Nam chịu tác động nhiều chiều. Rất nhiều nhà sản xuất kinh doanh và đầu tư trên thế giới có một lượng vốn dư thừa vì sản xuất sẽ đình trệ, chậm lại sẽ tìm những thị trường tương đối ổn định để đầu tư và Việt Nam được đánh giá có môi trường đầu tư tương đối tốt.

Một số nhà đầu tư ở các quốc gia xung quanh Việt Nam, đặc biệt là Trung Quốc, sẽ tìm cách mua cổ phần của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh lớn ở Việt Nam nhằm chuyển hướng đầu tư, kinh doanh từ Trung Quốc sang Việt Nam, từ đó tạo ra các sản phẩm mang xuất xứ Việt Nam để xuất sang Mỹ nhằm tránh mức thuế cao mà Mỹ áp với hàng hóa xuất xứ Trung Quốc. Vì thế, thị trường chứng khoán Việt Nam có thể "nóng" lên trong thời gian tới.

"Theo quan điểm của tôi, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tốt lên trong thời gian tới nếu như cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung còn kéo dài. Không những đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng lên mà đầu tư gián tiếp trên thị trường chứng khoán cũng sẽ tăng theo," chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh nhìn nhận.

Theo chuyên gia kinh tế này, hiện dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã tăng lên khoảng 70 tỷ USD - một con số kỷ lục mới. Điều này giúp cải thiện một nguồn lực chủ động của quốc gia và tăng khả năng can thiệp của Ngân hàng Nhà nước vào thị trường hối đoái Việt Nam nhằm giữ vững giá trị tiền đồng.

Ngân hàng Nhà nước sẽ cố gắng giữ ổn định tỷ giá và điều hành mang tính chất linh hoạt với tiền đồng. Hơn nữa, tính độc lập của đồng tiền này so với các đồng tiền khác đã tương đối cao nên tỷ giá sẽ tương đối ổn định, góp phần ổn định tâm lý cho các nhà đầu tư trên thế giới đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam.

"Chính vì vậy, thị trường chứng khoán Việt Nam có thể lên xuống tùy thời điểm, nhưng nếu chiến tranh thương mại Mỹ-Trung còn kéo dài thì xu hướng chung của thị trường vẫn sẽ là đi lên," vị chuyên gia kinh tế nhận định./.

TheoVietnamplus

Các tin khác


Tổng thống Mỹ: Cuộc chiến thương mại với Trung Quốc sẽ sớm kết thúc

Mặc dù không có cuộc đàm phán cấp cao nào được lên lịch trình giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới kể từ sau vòng đàm phán cuối cùng kết thúc tại Washington hai tuần trước, ngày 23/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa ra dự báo rằng cuộc chiến thương mại đang diễn giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ nhanh chóng kết thúc.

Trung Quốc tìm kiếm hỗ trợ từ láng giềng trong chiến tranh thương mại với Mỹ

Trung Quốc đang tìm kiếm hỗ trợ từ các nước láng giềng ở Trung Á và Nga trong thời điểm cuộc chiến thương mại căng thẳng leo thang với Mỹ.

Indonesia kêu gọi người dân bảo đảm trật tự sau bầu cử

Theo Reuters và TTXVN, ngày 22-5, ít nhất sáu người chết và 200 người bị thương trong các cuộc biểu tình bùng phát thành bạo loạn xảy ra ở thủ đô Jakarta, sau khi Ủy ban Bầu cử Indonesia (KPU) công bố kết quả bầu cử tổng thống.

LHQ cảnh báo nguy cơ nội chiến dai dẳng tại Libya

Ngày 21-5, Đặc phái viên Liên hợp quốc (LHQ) về Libya cảnh báo, quốc gia Bắc Phi này đang bên bờ vực của cuộc nội chiến có thể gây chia cắt lâu dài.

Hàn Quốc và Mỹ tiếp tục phối hợp để nối lại đàm phán phi hạt nhân

Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Kim Yeon-chul ngày 21-5 cho biết, Hàn Quốc và Mỹ đang cân nhắc "nhiều cách thức khác nhau” để nối lại đàm phán về phi hạt nhân hóa với Triều Tiên vốn đang bị trì hoãn.

Indonesia: Biểu tình không phá vỡ tính hợp lệ của kết quả bầu cử

Phó Tổng thống Indonesia Jusuf Kalla cho rằng các cuộc biểu tình với xu hướng không tích cực sẽ không phá vỡ tính hợp lệ của kết quả cuộc bầu cử, kêu gọi người dân đảm bảo trật tự.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục