Người phát ngôn Bộ Ngoại giao
Iran Abbas Mousavi. (Nguồn: tehrantimes)
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Abbas Mousavi ngày 10/7 cho biết
Tehran hoan nghênh các nỗ lực của Pháp nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân mà Iran
ký với Nhóm P5+1 (gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc
và Đức) hồi năm 2015, với tên gọi Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA).
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Iran đưa ra trong bối cảnh cố vấn ngoại
giao hàng đầu của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, ông Emmanuel Bonne đang ở
thăm Tehran để thảo luận giải pháp giúp giảm căng thẳng giữa các bên liên quan
đến JCPOA.
Hãng thông tấn nhà nước IRNA của Iran đưa tin: "Ông Mousavi
hoan nghênh vai trò của Pháp trong việc giảm căng thẳng và thực thi thỏa thuận,
đồng thời khẳng định 'Pháp đóng vai trò trong các nỗ lực... nhằm duy trì thỏa thuận hạt
nhân này."
Ông Bonne đang ở thăm Iran để gặp các quan chức nước chủ nhà trong
bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Tehran và Mỹ.
Mỹ hy vọng trong hai tuần tới có thể lên một danh sách gồm các nước
đồng minh hoặc thành lập một liên quân quốc tế nhằm bảo vệ tuyến đường biển chiến
lược đi qua lãnh hải của Iran và Yemen - khu vực xảy ra các vụ tấn công mà
Washington cho là do Iran và các tay súng ủng hộ Tehran thực hiện.
Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Tướng Joseph
Dunford đã công bố kế hoạch trên ngày 9/7 sau cuộc gặp quyền Bộ trưởng Quốc
phòng Mỹ Mark Esper và Ngoại trưởng Mike Pompeo.
Theo kế hoạch được công bố chi tiết với báo giới, Mỹ sẽ chịu trách
nhiệm cung cấp các tàu chỉ huy và đi đầu trong hoạt động giám sát trong lực lượng
liên minh được thành lập.
Trong khi đó, các nước thành viên còn lại thực hiện nhiệm vụ tuần
tra tại vùng biển triển khai tàu chỉ huy của Mỹ và hộ tống các tàu thương mại
mang cờ của chính các nước đó.
Để thực hiện kế hoạch này, Tướng Dunford cho biết Mỹ đang thảo luận
với một loạt các nước về việc xem xét thành lập liên quân đảm bảo an toàn hàng
hải ở Eo biển Hormuz và Biển Bab An Mandab.
Giới chức Washington sẽ trực tiếp thảo luận với quân đội của các
nước nhằm xác định các hoạt động cụ thể đảm bảo an ninh, an toàn hàng hải tại
vùng biển chiến lược này.
Là tuyến vận tải biển then chốt kết nối các nhà xuất khẩu dầu mỏ
Trung Đông tới các thị trường ở châu Á, châu Âu, Bắc Mỹ và nhiều nơi khác, eo
biển Hormuz từ nhiều thập kỉ qua đã ở trung tâm của nhiều căng thẳng trong khu
vực.
Kể từ tháng 5 đến nay, đã có 6 tàu chở dầu bị tấn công tại eo biển
này, trong bối cảnh căng thẳng ngày càng leo thang giữa Tehran và Washington.
Nhiều chuyên gia quan ngại tình hình hiện nay có thể ảnh hưởng đến
hoạt động xuất khẩu dầu mỏ thế giới./.
Nga và Mỹ đang tổ chức các cuộc tham vấn khẩn cấp sau lần chạm trán giữa tàu ngầm hai nước gần Alaska mới đây.