Như Báo Nhân Dân đã đưa tin, ngày 24-8, Hội nghị cấp cao Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) khai mạc tại thành phố Bi-a-rít, tây-nam nước Pháp. Trong bữa ăn tối làm việc kéo dài gần ba giờ tại Bi-a-rít, các nhà lãnh đạo G7 trao đổi quan điểm về nhiều vấn đề, trong đó có hạt nhân I-ran, đưa Nga trở lại nhóm, cháy rừng A-ma-dôn...
Về vấn đề hạt nhân I-ran, các nhà
lãnh đạo G7 chia sẻ quan điểm chung rằng I-ran không nên sở hữu vũ khí hạt
nhân, tuy nhiên vẫn còn bất đồng trong cách tiếp cận để tìm ra một giải pháp
cho vấn đề này. Các lãnh đạo G7 lo ngại chiến lược của Tổng thống Mỹ Đ.Trăm
thay đổi các thỏa thuận quốc tế phục vụ cho các lợi ích Mỹ trước tiên, nhất là
việc ông đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân I-ran, làm gia tăng căng thẳng tại
Trung Đông.
Tổng thống Mỹ Đ.Trăm (bên trái) và Tổng thống Pháp E.Ma-crông tại cuộc
gặp bên lề Hội nghị cấp cao G7.
Cũng tại bữa tối làm việc, các
nhà lãnh đạo G7 thảo luận về khả năng Nga trở lại nhóm. Mặc dù Tổng thống Mỹ
Đ.Trăm kêu gọi G7 tái thu nạp Nga, tuy nhiên các thành viên khác hiện vẫn phản
đối. Ngoài ra, các nhà lãnh đạo cũng nhất trí cần tăng cường hỗ trợ nhằm dập
tắt đám cháy rừng hiện nay tại rừng nhiệt đới A-ma-dôn ở Bra-xin.
★ Liên quan vấn đề hạt nhân Triều Tiên, Tổng thống Đ.Trăm bày
tỏ hy vọng có thể gặp lại nhà lãnh đạo Kim Châng Ưn để thúc đẩy cuộc đàm phán
về phi hạt nhân hóa, bất chấp Bình Nhưỡng liên tiếp phóng thử tên lửa tầm ngắn
trong một tháng qua. Nhận định về bữa tối làm việc, Tổng thống Đ.Trăm bình luận
trên Twitter cho biết, cuộc gặp với các nhà lãnh đạo thế giới diễn ra "rất tốt
đẹp”, và "sẽ đạt được tiến bộ”.
★ Ngày 24-8, tại hội đàm bên lề Hội nghị cấp cao G7, Thủ tướng
Nhật Bản S.A-bê cho biết, các lãnh đạo Ca-na-đa, Pháp và Đức đã nhất trí hợp
tác với Nhật Bản trong các nỗ lực nhằm giải quyết một số vấn đề, trong đó có
phi hạt nhân hóa Triều Tiên. Sự nhất trí đạt được vài giờ sau khi Bình Nhưỡng
tiếp tục phóng thử vũ khí mà Triều Tiên gọi là hệ thống pháo phản lực phóng
loạt cỡ nòng "cực lớn”.
★ Cùng ngày, Giám đốc điều hành Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc
(UNICEF) H.Pho kêu gọi các nhà lãnh đạo dự Hội nghị cấp cao G7 thảo luận các biện
pháp nhằm bảo vệ và bảo đảm đời sống cho trẻ em tại Xy-ri, trong bối cảnh cuộc
chiến tại nước này đã bước sang năm thứ chín. Bà H.Pho cho biết, kể từ đầu năm
2019, tại Xy-ri, có hơn 400 trẻ em chết hoặc bị thương, khoảng 170 em bị biến
thành các tay súng thánh chiến. Bà Pho nhấn mạnh, UNICEF kêu gọi các bên xung
đột và những người có ảnh hưởng, bao gồm các lãnh đạo G7, hãy bảo vệ trẻ em ở
Xy-ri, để các em được an toàn, được thực hiện quyền cơ bản của mình.