Các nhà lãnh đạo Nga và Pháp hội đàm tại thành phố Lơ A-vrơ, Pháp.
Ảnh: GOVERNMENT.RU
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Thủ tướng Nga Đ.Mét-vê-đép đã có cuộc
hội đàm với người đồng cấp nước chủ nhà E.Phi-líp-pê. Tại cuộc hội đàm, hai nhà
lãnh đạo nhất trí nỗ lực cải thiện quan hệ kinh tế và chính trị song phương,
cũng như tiếp tục đối thoại cởi mở để tìm tiếng nói chung trong nhiều vấn đề quốc
tế, như các cuộc khủng hoảng tại U-crai-na và Xy-ri, vấn đề hạt nhân I-ran… Thủ
tướng Pháp E.Phi-líp-pê khẳng định, Pa-ri muốn "mở ra một không gian mới cho đối
thoại chính trị với Nga”. Trong khi đó, Thủ tướng Nga Đ.Mét-vê-đép nhất trí rằng,
việc đóng băng các kênh liên lạc là một giải pháp "tồi tệ”. Giới chuyên gia nhận
định, kết quả cuộc hội đàm cho thấy, Mát-xcơ-va và Pa-ri đã chủ động đối thoại
trên tinh thần thẳng thắn và cởi mở, nhằm tháo gỡ những vướng mắc vốn là rào cản
trong quan hệ hai nước nhiều năm qua.
Thủ tướng Đ.Mét-vê-đép là nhà lãnh đạo cấp cao đầu tiên của Nga
thăm Pháp kể từ sau chuyến công du Pháp của Tổng thống Nga V.Pu-tin vào cuối
tháng 5-2017, sau khi Tổng thống E.Ma-crông đắc cử. Các nhà phân tích cho rằng,
nếu chuyến công du của Tổng thống V.Pu-tin năm 2017 được coi là động thái phá
băng trong quan hệ giữa Mát-xcơ-va và Pa-ri, thì chuyến thăm của Thủ tướng
Đ.Mét-vê-đép bước đầu mở ra những không gian đối thoại mới giữa hai nước. Chuyến
thăm diễn ra trong bối cảnh gần đây, quan hệ giữa Nga và phương Tây tiếp tục
căng thẳng bởi các lệnh trừng phạt lẫn nhau. Mới đây, Tổng thống Nga V.Pu-tin
đã ký sắc lệnh gia hạn lệnh cấm nhập khẩu thực phẩm của các nước Liên hiệp châu
Âu (EU) đến cuối năm 2020, sau khi EU quyết định gia hạn các lệnh trừng phạt đối
với Nga đến tháng 6-2020. Tuy nhiên, phát biểu ý kiến sau cuộc hội đàm với người
đồng cấp Nga, Thủ tướng Pháp E.Phi-líp-pê khẳng định, các lệnh cấm vận Nga
không phải là vĩnh viễn và có thể sớm được gỡ bỏ.
Thời gian gần đây, Pa-ri nhiều lần thể hiện thiện chí muốn khởi động
lại các mối quan hệ, cũng như các cuộc đối thoại chiến lược với Nga. Trong một
cuộc trả lời phỏng vấn báo chí, Tổng thống Pháp E.Ma-crông khẳng định vai trò
quan trọng của Mát-xcơ-va trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế. Những động
thái của Pháp được cho là phù hợp xu hướng hiện nay của nhiều quốc gia châu Âu
trong việc hàn gắn quan hệ với Nga, nhằm tránh những tổn thất nặng nề từ cuộc
chiến trừng phạt lẫn nhau. Tổng thống V.Pu-tin cho biết, từ năm 2014 đến nay,
các biện pháp trừng phạt kinh tế của phương Tây đối với Nga khiến nền kinh tế
nước này thiệt hại 50 tỷ USD, nhưng EU cũng chịu ảnh hưởng nặng nề, với mức thiệt
hại lên đến 240 tỷ USD.
Việc tăng cường hợp tác với Nga không chỉ giúp Pháp nói riêng và
châu Âu nói chung đối phó hiệu quả các mối đe dọa và thách thức an ninh, trong
đó có chủ nghĩa khủng bố quốc tế, mà còn mang lại lợi ích cho cả hai nước, nhất
là trong lĩnh vực kinh tế. Thủ tướng Pháp E.Phi-líp-pê khẳng định, bất chấp các
lệnh trừng phạt, hai nước vẫn còn không gian để thúc đẩy hợp tác kinh tế. Pháp
hiện đứng thứ bảy trong số các quốc gia có vốn đầu tư vào Nga, với hơn 500
doanh nghiệp Pháp đang hoạt động tại Nga, trong đó có nhiều tập đoàn lớn như
Renault, Auchan. Bên cạnh đó, Pháp cũng là thị trường nhiều tiềm năng đối với một
số lĩnh vực mà Nga có thế mạnh, như dầu khí, hàng không, vũ trụ.
Giới chuyên gia nhận định, quan hệ Nga và Pháp chưa thể quay trở lại
quỹ đạo hợp tác và phát triển bình thường sau cuộc hội đàm giữa hai Thủ tướng.
Tuy nhiên, chuyến thăm của Thủ tướng Nga đến Pháp được đánh giá là bước đi tích
cực giúp hai nước xích lại gần nhau hơn để tăng cường đối thoại, giải quyết bất
đồng và thúc đẩy phát triển quan hệ song phương.
TheoNhandan
Các nước thành viên ASEAN cần đẩy mạnh hơn nữa các thỏa thuận song phương, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, nhằm tạo sức mạnh và vị thế cho ASEAN trên các diễn đàn quốc tế.