Dưới đây là 10 sự kiện thế giới nổi bật năm 2019
do Thông tấn xã Việt Nam bình chọn.
1. Cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung ngày càng gay gắt: Cuộc đối đầu cạnh tranh ngôi vị và tầm ảnh hưởng giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới Mỹ và Trung Quốc ngày càng gay gắt từ lĩnh vực thương mại tới công nghệ, quân sự...
Nguy cơ chiến tranh tiền tệ hiện hữu sau khi Mỹ cáo buộc Trung Quốc thao túng tỷ giá đồng Nhân dân tệ. Căng thẳng Mỹ - Trung tác động nghiêm trọng tới kinh tế toàn cầu, tạo nhiều rủi ro cho các thị trường mới nổi. Hai bên đã tiến hành nhiều vòng đàm phán, song vẫn chưa đạt được thỏa thuận cuối cùng nhằm hạ nhiệt căng thẳng.
Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin trước vòng đàm phán thương mại ở Bắc Kinh ngày 14/2/2019.
2.Tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp, gây lo ngại cho cộng đồng quốc tế: Ngày 4/7, Trung Quốc đưa tàu khảo sát Hải Dương 8 cùng các tàu hộ tống vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam ở Biển Đông, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam.
Các tàu khảo sát của Trung Quốc cũng nhiều lần xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa và cản trở các hoạt động dầu khí hợp pháp của một số quốc gia ven Biển Đông khác. Cộng đồng quốc tế đã phê phán các hành động đơn phương của Trung Quốc, làm xói mòn lòng tin, gây tổn hại đến hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực.
Tàu hải giám Haijian 8002 của Trung Quốc tuần tra gần quần đảo tranh chấp với Nhật Bản trên biển Hoa Đông.
3.Nước Anh với hành trình khó khăn để rời khỏi Liên minh châu Âu: Việc đảng Bảo thủ của Thủ tướng Boris Johnson thắng lớn trong cuộc bầu cử ngày 12/12 khiến lịch trình rời EU (Liên minh châu Âu) của nước Anh có khả năng diễn ra vào ngày 31/1/2020, sau nhiều lần bị trì hoãn. Ngay sau khi giành chiến thắng, ông Johnson khẳng định sẽ nỗ lực hoàn thành Brexit (Anh rời EU), trong khi các quan chức châu Âu tuyên bố sẵn sàng thực hiện các bước tiếp theo.
Trước đó, Hạ viện Anh đã 3 lần bác bỏ thỏa thuận Brexit, khiến Thủ tướng Theresa May phải từ chức. Tân Thủ tướng Johnson buộc phải đề nghị EU lùi thời hạn Brexit đến ngày 31/1/2020 và tổ chức cuộc bầu cử Hạ viện trước thời hạn vào ngày 12/12 nhằm tránh một kịch bản Brexit không thỏa thuận.
Quốc kỳ Anh (dưới) và cờ EU bên ngoài tòa nhà Quốc hội Anh ở London.
4. FED hạ lãi suất lần đầu tiên sau 11 năm: Lần đầu tiên kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) hôm 31/7/2019 đã quyết định hạ lãi suất 0,25 điểm phần trăm xuống 2-2,25% để đối phó với nguy cơ bất ổn kinh tế gia tăng.
Sau đó FED tiếp tục tiến hành hai đợt hạ lãi suất nữa vào ngày 18/9 và 30/10, đưa lãi suất chuẩn xuống 1,5-1,75% và giữ nguyên mức lãi suất này cho tới cuối năm 2019. Theo chân FED, nhiều ngân hàng trung ương chủ chốt trên thế giới, trong đó có Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), cũng liên tục hạ lãi suất xuống các mức thấp kỷ lục trong lịch sử, thậm chí xuống ngưỡng âm, để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hoặc tránh nguy cơ suy thoái.
Sắc xanh tràn ngập thị trường chứng khoán Mỹ sau khi Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tuyên bố giữ nguyên mức lãi suất cơ bản từ 2,25-2,5 và để ngỏ khả năng sẽ sớm cắt giảm lãi suất do gia tăng bất ổn trong triển vọng kinh tế.
5. Trung Đông căng thẳng do Mỹ đảo chiều chính sách: Việc Mỹ cáo buộc Iran thực hiện các vụ tấn công tàu chở dầu tại Vùng Vịnh và hai cơ sở lọc dầu lớn của Saudi Arabia để áp đặt thêm nhiều biện pháp trừng phạt Tehran, công nhận chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan, ủng hộ các khu định cư của người Do Thái ở khu Bờ Tây hay tuyên bố rút quân đội khỏi miền Bắc Syria, đã khiến cục diện Trung Đông trở nên khó lường.
Toàn cảnh khu định cư Revava của Israel ở Bờ Tây chiếm đóng ngày 19/11/2019.
6. Làn sóng biểu tình gây bất ổn chính trị và rối loạn xã hội: Các cuộc biểu tình kéo dài tại Hong Kong (Trung Quốc) ban đầu để phản đối Dự luật dẫn độ đã nhanh chóng biến thành các cuộc bạo loạn, đẩy Đặc khu hành chính này tới bờ vực khủng hoảng kinh tế-xã hội. Trong khi đó, những thách thức về chính trị, kinh tế và bất bình đẳng xã hội khiến làn sóng biểu tình lan rộng tại các khu vực châu Âu, Trung Đông và Mỹ Latinh. Một số quốc gia rơi vào bất ổn.
Biểu tình phản đối kết quả bầu cử Tổng thống ở La Paz, Bolivia, ngày 31/10/2019.
7. Biến đổi khí hậu và báo động ô nhiễm rác thải nhựa toàn cầu: Thế giới trải qua tháng 6 nóng nhất trong vòng 140 năm, châu Âu vật lộn với mùa hè nóng nhất trong lịch sử, Australia cũng ghi nhận ngày nóng kỷ lục; vụ cháy rừng Amazon nghiêm trọng tàn phá "lá phổi xanh” của Trái Đất...
Ô nhiễm rác thải nhựa trở nên báo động với 13 triệu tấn chất thải nhựa đổ ra đại dương mỗi năm, khiến 1,5 triệu động vật biển chết vì ngộ độc. Làn sóng biểu tình đòi các chính phủ có giải pháp kiên quyết chống biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường mạnh mẽ và lan rộng.
Tuy nhiên, các bên tham gia hội nghị COP 25 ở Tây Ban Nha vẫn không nhất trí được lộ trình thực hiện Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, trong khi Mỹ đã chính thức rút khỏi thỏa thuận này.
Một em nhỏ bơi trong bể tràn ngập chai nhựa, một biểu tượng của chiến dịch nâng cao ý thức cộng đồng về tác hại của chất thải nhựa đối với đại dương, tại Bangkok, Thái Lan.
8. Kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP): Ngày 4/11, trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) 35 tại Bangkok (Thái Lan), 10 nước thành viên ASEAN cùng 5 đối tác là Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand đã hoàn tất đàm phán về RCEP, đánh dấu mốc quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh xu hướng bảo hộ mậu dịch gia tăng, cản trở tiến trình toàn cầu hóa.
Các nước cũng nhất trí sớm tiến hành rà soát pháp lý nội dung chi tiết Hiệp định để triển khai các thủ tục ký kết vào năm 2020.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (thứ 8, từ phải sang) và lãnh đạo các nước thành viên Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP) chụp ảnh chung tại Hội nghị thượng đỉnh RCEP lần thứ 3 ở Bangkok, Thái Lan, ngày 4/11/2019.
9. Cuộc chiến chống tin giả trên phạm vi toàn cầu: Ngày 26/9, tổng cộng 20 quốc gia, trong đó có Pháp, Anh và Ấn Độ, đã ký kết thỏa thuận nhằm ngăn chặn hành vi lan truyền tin tức giả mạo trực tuyến.
Hàng loạt quốc gia, trong đó có Singapore và Nga, áp dụng luật chống tin giả. Với áp lực từ nhiều quốc gia, các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Google và Twitter đã đưa ra hàng loạt giải pháp kiểm soát và ngăn chặn tin giả.
Chuyên gia IT của Israel phân tích một nền tảng mạng xã hội để xác định người dùng giả, tại trung tâm ở Tel Aviv.
10. Công bố bức ảnh đầu tiên về hố đen trong vũ trụ: Các nhà khoa học thuộc nhóm Event Horizon Telescop Collaboration ngày 10/4 đã công bố hình ảnh đầu tiên về hố đen trong vũ trụ. Hố đen này nằm ở trung tâm dải thiên hà khổng lồ M87, cách Trái Đất khoảng 55 triệu năm ánh sáng và có khối lượng gấp khoảng 6,6 tỷ lần khối lượng Mặt trời.
Hình ảnh hố đen được chụp từ 8 kính viễn vọng trên toàn cầu - từ các núi lửa ở Hawaii (Mỹ) tới sa mạc Atacama ở Chile, đến tận Nam Cực và châu Âu. Đây là một phát hiện đột phá, được cho có thể kiểm chứng thuyết tương đối của nhà bác học Albert Einstein.
Theo TTXVN
Ngày 20-1, tại Moscow, Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và ASEAN thuộc Viện Viễn Đông, Viện Hàn lâm khoa học Liên bang (LB) Nga, đã tổ chức Hội thảo bàn tròn chuyên đề "70 năm hợp tác LB Nga - Việt Nam: Quan hệ bền vững, hướng tới tương lai”.
Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ thông báo vào hồi 16h 38' ngày 18/1 giờ GMT (tức 23h 38' cùng ngày giờ Hà Nội), một trận động đất có độ lớn 6,1 đã làm rung chuyển tỉnh Papua, cực Đông Indonesia.
Số người nhiễm virus lạ giống virus gây hội chứng hô hấp cấp (SARS), hay còn gọi là chủng virus corona mới, tại Trung Quốc trên thực tế có thể cao hơn hàng trăm người so với con số được báo cáo chính thức.
Giới chức Y tế thành phố Vũ Hán miền trung Trung Quốc, tối 16-1 thông báo, một bệnh nhân nam 69 tuổi đã tử vong ngày 15-1 vì chứng viêm phổi do virus corona mới, nâng số trường hợp tử vong liên quan đến loại virus mới này lên hai người.
Ngày 16-1, Duma Quốc gia (tức Hạ viện) Nga đã bỏ phiếu nhất trí phê chuẩn ông Mikhail Mishustin trở thành Thủ tướng Chính phủ tiếp theo của LB Nga. Ngay sau đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đã ký sắc lệnh bổ nhiệm ông Mishustin vào chức vụ này.
Ngày 15-1-2020 (giờ địa phương), Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đề xuất Giám đốc Cơ quan Thuế Liên bang Mikhail Mishustin làm ứng cử viên giữ chức Thủ tướng Nga.