Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng Liên bang Đức Peter Altmaier. (Ảnh: THX/TTXVN) |
Chính trị gia đảng Liên minh Dân chủ cơ đốc giáo (CDU) của Đức Altmaier nhấn mạnh Việt Nam là thị trường đạt mức tăng trưởng cao với tiềm năng thị trường rất lớn cho các sản phẩm và dịch vụ của châu Âu. Theo ông, hai hiệp định EVFTA và EVIPA đảm bảo cho các sản phẩm của châu Âu tiếp cận Việt Nam - thị trường ngày càng trở nên quan trọng hơn. Bộ trưởng Altmaier cũng gọi việc EP thông qua hai thỏa thuận với Việt Nam là "tín hiệu quan trọng cho thương mại tự do cũng như chống lại chủ nghĩa bảo hộ".
Trong khi đó, các hiệp hội công nghiệp, ngoại thương của Đức hoan nghênh việc EP thông qua các thỏa thuận thương mại với Việt Nam. Giám đốc Hiệp hội Công nghiệp liên bang Đức (BDI) Joachim Lang cho rằng ngành công nghiệp Đức đã thở phào với việc các thỏa thuận được thông qua bởi điều này sẽ giúp đẩy mạnh các trao đổi kinh tế với Việt Nam, đồng thời ông cũng kêu gọi nhanh chóng để hiệp định có hiệu lực.
Đồng quan điểm, Chủ tịch Hiệp hội Bán buôn, Ngoại thương và Dịch vụ liên bang Đức (BGA) Holger Bingmann coi đây là cơ hội to lớn cho các doanh nghiệp châu Âu. Theo ông Bingmann, đây là hiệp định thương mại tham vọng nhất mà EU đàm phán với một nước đang phát triển và thỏa thuận này sẽ góp phần vào tăng cường quan hệ kinh tế giữa các doanh nghiệp hai bên. Theo số liệu của Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức (DIHK), trong năm 2018, xuất khẩu của Đức vào Việt Nam đạt 4,1 tỷ euro, tăng 18% so với năm trước đó. Chiều ngược lại, Việt Nam đã xuất sang Đức số hàng hóa trị giá 9,8 tỷ euro, tăng 1,4%.
Trong khi đó, ngay sau khi EP thông qua hai hiệp định với Việt Nam, các hãng tin, tờ báo lớn, kênh truyền hình và đài phát thanh của Đức đều đưa tin về sự kiện này. Kênh truyền hình ZDF đưa tin, với việc được đa số nghị sĩ ở Strasbourg, Pháp ủng hộ, EP đã bật đèn xanh cho EVFTA và như vậy rào cản cuối cùng đối với thỏa thuận này đã được dỡ bỏ, theo đó sẽ giúp xóa bỏ hàng rào thuế quan giữa hai bên. Trong khi đó, nhân sự kiện trên, báo Tấm gương hàng ngày (Tagesspiegel) đã có bài viết mô tả sự phát triển bùng nổ về kinh tế-xã hội ở Việt Nam. Bài báo dẫn số liệu của Ngân hàng thế giới (WB) để chứng minh cho điều này. Theo đó, trong giai đoạn từ 2002-2018, đã có 45 triệu người Việt Nam thoát nghèo. Theo các nhà kiểm toán PwC, trong năm 2017, Việt Nam là nền kinh tế quốc dân đạt tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Bên cạnh đó, quốc gia Đông Nam Á cũng có tiềm năng to lớn khi có tới 70% trong tổng số khoảng 96 triệu dân dưới 35 tuổi. Đây là những tiềm năng mà EU muốn khai thác.
Theo truyền thông Đức, với việc EP thông qua EVFTA, rào cản thực sự cuối cùng đối với hiệp định thương mại này đã được xóa bỏ, mở ra những cơ hội thị trường to lớn cho các doanh nghiệp Đức và châu Âu. Trên lý thuyết, Hội đồng Liên minh châu Âu và Quốc hội Việt Nam cần phê chuẩn để hiệp định chính thức có hiệu lực, khác với EVIPA vẫn cần sự phê chuẩn của nghị viện tất cả các nước thành viên EU./.