Khoảng một nửa số tiền trong gói hỗ trợ sẽ được sử dụng cho chương trình Phản ứng khẩn cấp COVID-19, phần còn lại được dành cho các mục tiêu trung hạn.


Dịch COVID-19 ảnh hưởng mạnh tới tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ. (Ảnh: Getty)

Chính phủ Ấn Độ chiều 9/4 đã thông qua gói hỗ trợ tài chính trị giá 150 tỷ rupee (khoảng 2 tỷ USD), nhằm thúc đẩy cuộc chiến chống dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang diễn biến phức tạp tại nước này.

Theo một thông cáo báo chí, khoảng một nửa số tiền trên (777 tỷ rupee) sẽ được sử dụng cho chương trình Phản ứng khẩn cấp COVID-19, phần còn lại được dành để hỗ trợ về trung hạn (1-4 năm).

Những lĩnh vực trọng tâm sẽ là phát triển các cơ sở chẩn đoán và điều trị COVID-19 chuyên dụng, mua sắm tập trung các thiết bị y tế thiết yếu và thuốc men cần thiết cho việc điều trị bệnh nhân, củng cố và xây dựng các hệ thống y tế cấp bang và quốc gia để hỗ trợ phòng ngừa và ứng phó với dịch bệnh trong tương lai, thiết lập các phòng thí nghiệm và đẩy mạnh hoạt động giám sát.

Trước đó vào ngày 27/3, Chính phủ Ấn Độ đã công bố gói cứu trợ trị giá gần 23 tỷ USD để đảm bảo cuộc sống cho những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi COVID-19, đồng thời mua bảo hiểm cho các nhân viên y tế tuyến đầu.

Khoảng 800 triệu người sẽ nhận được ngũ cốc và bình gas nấu ăn miễn phí cùng với tiền mặt trực tiếp trong 3 tháng.

Đến nay, đã có tổng cộng 223 phòng thí nghiệm tại Ấn Độ tham gia vào cuộc chiến chống COVID-19 bao gồm 157 phòng thí nghiệm của chính phủ và 66 phòng thí nghiệm tư nhân.

Bộ Y tế Ấn Độ đã giải ngân 41 tỷ rupee cho tất cả các bang để ứng phó khẩn cấp với dịch bệnh.

Trong khi đó, hãng tin PTI dẫn báo cáo của công ty tài chính Goldman Sachs nhận định, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Ấn Độ sẽ giảm xuống còn 1,6% trong tài khóa 2020-2021 (kết thúc vào tháng 3/2021).

Đây là mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ qua, phần lớn đến từ những tác động xấu do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 gây ra.

Theo Goldman Sachs, tốc độ tăng trưởng kinh tế trong tài khóa 2020-2021 sẽ thấp hơn rất nhiều so với những lần suy giảm trầm trọng trước đó mà Ấn Độ trải qua vào những năm 1970, 1980 và 2009.

Ngoài ra, Goldman Sachs cũng dự báo Ngân hàng trung ương Ấn Độ sẽ có những biện pháp mạnh mẽ hơn nữa sau khi hạ lãi suất chủ chốt khoảng 75 điểm cơ bản, xuống còn 4,4% trong tháng trước.

Động thái này nhằm giảm bớt những rủi ro tài chính do dịch COVID-19 gây ra, đồng thời giúp khôi phục nền kinh tế.

Tuy nhiên, Goldman Sachs cho rằng dù Chính phủ Ấn Độ đã và sẽ đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ, nhưng việc phong tỏa toàn quốc và gia tăng lo ngại của cộng đồng về dịch COVID-19 vẫn gây thiệt hại lớn cho hoạt động kinh tế trong tháng 3/2020 và trong quý tới.

Trong khi đó, hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings mới đây dự báo tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ tài khóa 2020-2021 sẽ chỉ đạt 2%, thấp nhất trong 30 năm qua

Ngoài ra, nhiều tổ chức tài chính lớn khác như Ngân hàng Đầu tư Anh (BIB) và ngân hàng Standard Chartered, cũng hạ dự báo tăng trưởng tài khóa 2020-2021 của Ấn Độ xuống còn 2,7%, thấp hơn mức dự báo 4,4% trước đó./.

Theo TTXVN

Các tin khác


Trung Quốc chính thức dỡ bỏ phong tỏa ở tâm dịch COVID-19 Vũ Hán

Phó Thủ tướng Trung Quốc Tôn Xuân Lan ngày 7/4 đã yêu cầu không ngừng nỗ lực đối phó với dịch COVID-19 nhằm ngăn chặn sự bùng phát trở lại tại Vũ Hán.

Dịch COVID-19 gia tăng tại châu Phi

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh châu Phi (CDC châu Phi) cho biết số ca tử vong do COVID-19 tại lục địa này đã chạm mốc 360, đồng thời số trường hợp nhiễm chủng virus nguy hiểm này cũng tăng lên 8.536.

Dịch COVID-19 ngày 7/4: Hơn 74.500 người tử vong trên toàn cầu

Tính đến 7h ngày 7/4 (giờ Việt Nam), trên toàn thế giới có 1.344.859 người nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 74.635 ca tử vong, và 278.330 bệnh nhân đã bình phục.

Diễn biến COVID-19 tới 6h sáng 6/4: Mỹ trên 1.000 người chết một ngày, số ca mắc bệnh tại nhiều nước châu Âu bắt đầu giảm

Chỉ trong vòng 24h, trên 1.000 người tại Mỹ đã thiệt mạng vì virus SARS-CoV-2 và trên 20.100 ca nhiễm mới. Nước Mỹ sắp đi vào "tâm bão” COVID-19, trong khi nhiều nước châu Âu bắt đầu thấy tia hy vọng cuối đường hầm khi số ca tử vong và nhiễm bệnh đang giảm.

Thủ tướng Nhật Bản dự định ban bố tình trạng khẩn cấp do COVID-19

Việc ban bố tình trạng khẩn cấp sẽ trao quyền cho chính quyền địa phương chỉ thị cho người dân ở nhà và yêu cầu đóng cửa trường học cũng như những cơ sở khác.

Trung Quốc, Hàn Quốc ghi nhận thêm các ca mới

Diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 đang khiến cả thế giới phải gồng mình chống đỡ, trong ngày hôm nay, 5/4, Trung Quốc và Hàn Quốc tiếp tục ghi nhận các ca nhiễm mới.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục