Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h00 ngày 10/8, thế giới đã ghi nhận 204.351.366 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 4.320.777 ca tử vong.


Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại trung tâm y tế ở Apple Valley, California, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Mỹ vẫn là nước bị ảnh hưởng nhất thế giới với 36.780.842 ca nhiễm và 633.799 ca tử vong. Số ca mắc và nhập viện do COVID-19 tại Mỹ đang tăng ở mức cao trong 6 tháng qua do sự lây lan nhanh của  biến thể Delta tại những vùng có tỉ lệ tiêm chủng thấp.

Trên toàn nước Mỹ, số ca mắc ở mức trung bình 100.000 ca trong 3 ngày liên tiếp, tăng 35% trong tuần qua. Các bang Louisiana, Florida và Arkansas ghi nhận số ca  mắc mới nhiều nhất. Trong khi đó, tỉ lệ nhập viện tăng 40% và tỉ lệ tử vong tăng 18%, trong đó bang Ankarsas có số ca tử vong cao nhất. Trong khi đó, trên phạm vi toàn nước Mỹ, số trẻ nhập viện do COVID-19 đang gia tăng, một xu hướng mà các chuyến gia y tế cho là biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao ở trẻ hơn so với biến thể Alpha.

Ấn Độ có số ca nhiễm cao thứ hai thế giới, với 31.998.158 ca. Tuy nhiên, Bộ Y tế nước này cho biết số ca mắc mới trong ngày 10/8 ở mức thấp nhất trong gần 5 tháng qua (28.204 ca). Cũng trong ngày 10/8, Ấn Độ ghi nhận thêm 376 ca tử vong, nâng tổng số lên 428.715 ca.

Tại khu vực Đông Nam Á, Thái Lan lại có số ca tử vong theo ngày ở mốc cao mới. Số liệu của Bộ Y tế cho biết nước này có thêm 19.843 ca nhiễm và 235 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm từ đầu dịch lên 795.951, trong đó có 6.588 người không qua khỏi. Thủ đô Bangkok vẫn là tâm điểm của làn sóng lây nhiễm thứ ba, với 4.226 ca nhiễm mới cùng 111 ca tử vong mới.

Biến thể Delta chiếm hơn 90% số ca nhiễm ở Thái Lan. Cục trưởng Cục Khoa học Y tế Supphakit Siriluck cho biết trong số 1.632 mẫu được khảo sát vào tuần trước, có 1.499 mẫu (tương đương 91,9%) đã nhiễm biến thể Delta, được phát hiện đầu tiên ở Ấn Độ; 129 mẫu (7,9%) nhiễm biến thể Alpha, được phát hiện đầu tiên tại Anh, và có 4 mẫu (0,2%) nhiễm biến thể Beta, được phát hiện đầu tiên ở Nam Phi. Ngoài 3 biến thể trên, chưa có biến thể nào khác được phát hiện ở Thái Lan.

Trong khi đó, Timor Leste đã ghi nhận trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể Delta trong cộng đồng, khiến Bộ Y tế nước này lo ngại về sự gia tăng đột biến số ca nhiễm. Bản phân tích gene mà Viện Doherty của Australia thực hiện tuần đầu tháng 8 cho thấy có 12 trong số 28 mẫu nhiễm ở vùng Ermera là biến thể Delta.

Ermera là nơi có số ca đang điều trị cao nhất và tỷ lệ tiêm phòng thấp nhất ở Timor Leste. Các chuyên gia y tế cộng đồng nhận định số ca nhiễm ngày càng tăng ở nhiều nơi khác nhau chứng tỏ rằng biến thể Delta cũng có mặt ở đó. Báo cáo của Bộ trên cho biết sự lây lan của biến thể Delta "có khả năng làm gia tăng đáng kể số ca nhiễm bệnh, bao gồm cả các ca bệnh nặng và số người tử vong", và việc cần làm hiện nay là tập trung thúc đẩy tiêm vaccine tại các khu vực có tỷ lệ tiêm chủng thấp.

Ý thức rõ mức độ nghiêm trọng của bệnh do biến thể Delta gây ra, Campuchia thông báo bệnh nhân mắc COVID-19 do nhiễm biến thể Delta sẽ không được phép điều trị tại nhà. Trong thư gửi tới lãnh đạo các sở y tế trên toàn quốc, Bộ trưởng Y tế Campuchia Mam Bunheng nêu rõ: "Toàn bộ bệnh nhân COVID-19 do nhiễm biến thể Delta, dù là ca nhập cảnh hay lây nhiễm trong cộng đồng, đều phải điều trị tại các trung tâm được chỉ định hoặc tại các bệnh viện dựa trên tình hình sức khoẻ của họ”.

Theo quy định mới, bệnh nhân nhiễm biến thể Delta phải điều trị tại bệnh viện ít nhất 21 ngày và sau khi được xuất viện, phải tự cách ly tại nhà thêm 14 ngày nữa. Động thái trên diễn ra sau khi quốc gia Đông Nam Á này ghi nhận số ca mắc mới gia tăng do biến thể Delta gây ra trong những ngày gần đây. Ngày 8/8, Bộ Y tế Campuchia thông báo nước này ghi nhận thêm 58 ca mới nhiễm biến thể Delta, nâng tổng số ca nhiễm biến thể này lên 385 ca.


Mai táng các bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại Bekasi, Indonesia, ngày 6/8/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại Indonesia, Lực lượng Đặc nhiệm Xử lý COVID-19 của chính phủ đã ghi nhận thêm 2.048 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số người không qua khỏi lên 110.619 người. Đây là số ca tử vong do COVID-19 tính theo ngày cao thứ hai kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại quốc gia này vào đầu tháng 3 năm ngoái. Mốc kỷ lục cho đến nay là 2.069 ca tử vong được ghi nhận vào ngày 27/7 vừa qua. Indonesia cũng công bố thêm 32.081 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc tại quốc gia đông dân thứ tư thế giới lên 3.718.821 ca. Số ca tử vong liên tục gia tăng kể từ tháng 7 và thường xuyên ở mức trên 1.000 ca mỗi ngày trong vài tuần qua.

Tổng thống Joko Widodo đã chỉ thị cho Bộ Y tế chuẩn bị lộ trình sống chung với COVID-19 trong trường hợp dịch bệnh này còn kéo dài trong nhiều năm nữa. Theo Bộ trưởng Y tế Budi Gunadi Sadikin, trong lộ trình sống chung với COVID-19, các quy định phòng dịch cần đảm bảo việc vận hành các hoạt động kinh tế một cách bình thường.

Theo đó, Bộ Y tế nước này sẽ sớm thực hiện một dự án thí điểm áp dụng các quy định phòng dịch dựa vào công nghệ kỹ thuật số trong 6 lĩnh vực gồm thương mại, văn phòng và công nghiệp, giao thông, du lịch, tôn giáo và giáo dục. Theo ông Budi, Tổng thống Widodo đã quyết định rằng ứng dụng PeduliLindung hiện nay sẽ được phát triển thành nền tảng triển khai các quy định phòng dịch, bắt đầu trong tuần này, tại một số trung tâm thương mại với sự hợp tác của các hiệp hội ngành nghề.

Trung Quốc tiếp tục ghi nhận thêm nhiều ca mắc mới trong cộng đồng. Ngày 10/8, Ủy ban Y tế quốc gia (NHC) Trung Quốc thông báo ghi nhận 143 ca mắc mới, tăng gần 20 ca so với một ngày trước đó, lên mức cao nhất kể từ ngày 20/1. Theo NHC, trong số các ca mắc mới có 108 ca lây nhiễm trong cộng đồng, tăng từ mức 94 ca ghi nhận một ngày trước đó. Nhà chức trách cho biết các ổ dịch mới bùng phát ở nước này là do sự lây lan của biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao.

Tại Hàn Quốc, trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhà chức trách quyết định gia hạn thực hiện giãn cách xã hội mức độ cao nhất (cấp độ 4) ở vùng thủ đô Seoul đến ngày 22/8 tới, trong khi đa số các khu vực khác áp dụng lệnh giãn cách ở cấp độ 3.

Thành phố Busan, miền Nam Hàn Quốc, quyết định nâng mức giãn cách xã hội lên cấp độ 4, mức cao nhất, để phòng ngừa dịch COVID-19. Ngoài ra, chính quyền thành phố cũng giới hạn tụ tập riêng tư dưới 4 người cho tới 18h, và chỉ 2 người vào ban đêm. Thành phố cũng rút ngắn thời gian hoạt động của các phương tiện giao thông công cộng, giảm 30% số chuyến xe buýt nội thành và 12% số tuyến xe buýt chạy trong quận, phường sau 22h. Các tuyến đường sắt đô thị cũng bị giảm 30% số chuyến, áp dụng từ ngày 13/8, do cần thời gian điều chỉnh các tuyến. Với phương tiện taxi, thành phố khuyến cáo giới hạn số hành khách đi taxi tối đa là 2 người sau 18h.

Cùng ngày 10/8, nhà chức trách Australia thông báo tăng cường thực thi biện pháp giãn cách để phòng chống dịch tại thành phố Sydney thuộc bang New South Wales (NSW) sau khi thành phố này ghi nhận số ca mắc mới trong một ngày cao nhất từ đầu dịch. Cảnh sát đã được yêu cầu tăng cường kiểm tra số lượng người được phép ở trong các cửa hàng nhỏ và kiểm soát những người di chuyển trong trường hợp không cần thiết.

Tại châu Âu, Nga cùng Pháp và Anh hiện có số ca nhiễm cao nhất, đều đã trên 6 triệu ca. Trong đó, số ca phải điều trị tích cực tại Nga đang là 2.300 người, tại Pháp là 1.667 người trong khi con số này ở Anh là 870 người. Tây Ban Nha và Italy cũng đã ghi nhận hơn 4,4 triệu ca nhiễm. Một quan chức tại Liên minh châu Âu (EU) cho biết liên minh sẽ không điều chỉnh danh sách các điểm đến an toàn trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Danh sách hiện nay của EU bao gồm 20 quốc gia, trong đó có Mỹ, Nhật Bản và Australia. Đây đều là những quốc gia được khối 27 nước thành viên đánh giá là có thể đi lại an toàn trong đại dịch COVID-19.

Tuy nhiên, các nước thành viên EU vẫn có thể yêu cầu người nhập cảnh xuất trình giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính hoặc thực hiện cách ly. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ đã khuyến cáo công dân nước này không du lịch tới Pháp trong bối cảnh tình hình dịch ở nước này đang diễn biến phức tạp. Nước Pháp đang vật lộn trong làn sóng thứ tư của đại dịch COVID-19, mặc dù số ca bệnh phải nhập viện không cao như thời kỳ đỉnh dịch trước đây. Mặc dù vậy, trong khuyến cáo của mình, Bộ Ngoại giao Mỹ vẫn đưa Pháp vào "Cấp độ 4: Không đi du lịch". Trong khi đó, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ nhắc nhở nếu phải tới Pháp, công dân Mỹ phải chắc chắn đã được tiêm phòng đầy đủ trước khi đi. 

Tại Đức, Thủ tướng Angela Merkel và Thủ hiến các bang đã có cuộc họp trực tuyến ngày 10/8 theo đó quyết định dừng chương trình miễn phí xét nghiệm từ ngày 11/10, vốn chủ yếu dành cho những người chưa tiêm vaccine trong bối cảnh có khoảng 55% dân số Đức đã tiêm phòng COVID-19 đầy đủ. Theo đó, những người chưa tiêm chủng sẽ phải tự trả tiền khi làm xét nghiệm nếu họ muốn tham gia các hoạt động cộng đồng, ngoại trừ những người không được khuyến nghị tiêm chủng hoặc không thể tiêm chủng vì lý do sức khoẻ, đặc biệt là phụ nữ mang thai, trẻ em và thanh thiếu niên dưới 18 tuổi. Mục đích chính của biện pháp này là khuyến khích những người còn chần chừ tích cực tham gia vào chiến dịch tiêm chủng.

Những người chưa được tiêm hoặc đã khỏi bệnh cần có kết quả xét nghiệm âm tính khi tham dự một số sự kiện trong không gian kín, như trong nhà hàng hoặc rạp chiếu phim. Xét nghiệm được chấp nhận bao gồm các xét nghiệm kháng nguyên nhanh không quá 24 giờ hoặc xét nghiệm PCR không quá 48 giờ. Giá các xét nghiệm nhanh do các trung tâm xét nghiệm quy định, trước đây khoảng từ 20-30 euro/lần. Bên cạnh đó, hội nghị cũng thống nhất về việc tiếp tục áp dụng các quy định hiện hành như giữ khoảng cách, giữ vệ sinh dịch tễ và đeo khẩu trang ở một số khu vực nhất định như trong các cửa hàng, siêu thị, trên xe buýt hay tàu hoả.


Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Barcelona, Tây Ban Nha. Ảnh: AFP/TTXVN

Liên quan đến vaccine ngừa COVID-19, Giám đốc điều hành công ty công nghệ sinh học Đức BioNTech, ông Ugur Sahin cho biết vaccine thế hệ đầu tiên do BioNTech và Pfizer hợp tác bào chế có tác dụng chống lại các biến thể virus SARS-CoV-2 như chủng Delta, và hiện chưa cần phải điều chỉnh chế phẩm sinh học này. Theo ông, quyết định điều chỉnh vaccine chỉ nên được thực hiện nếu vaccine không còn tác dụng hoặc chỉ cung cấp khả năng bảo vệ hạn chế chống lại biến thể của virus.

Người đứng đầu BioNTech nhấn mạnh hiện công ty vẫn nhận thấy rõ rằng việc tiêm nhắc lại vaccine là đủ và chiến lược này tốt hơn so với việc điều chỉnh dược phẩm. BioNTech cho rằng việc tiêm liều thứ ba vaccine BioNTech/Pfizer sẽ có mức độ bảo vệ cao nhất chống lại tất cả các biến thể hiện có, bao gồm cả Delta. Tuy nhiên, BioNTech và Pfizer cũng đang nghiên cứu một phiên bản của vaccine được điều chỉnh cho phù hợp và hiệu quả hơn với biến thể Delta. Lô vaccine đầu tiên theo công nghệ mRNA mới đã được sản xuất tại nhà máy BioNTech ở thành phố Mainz của Đức và dự kiến một nghiên cứu với hàng trăm người tham gia sẽ được tiến hành trong tháng 8 này ngay sau khi vaccine mới được phê duyệt thử nghiệm theo quy định. Hiện tại, BioNTech vẫn tiếp tục dựa vào loại vaccine gốc và tiêm liều tăng cường.

Theo TTXVN

Các tin khác


Hậu quả gây sốc của di chứng COVID-19 kéo dài ở trẻ em

COVID-19 gây ra những di chứng thần kinh, thể chất đeo bám dai dẳng không chỉ ở người lớn mà còn ở trẻ em, cho dù chỉ mắc bệnh thể nhẹ.

Dịch COVID-19: Indonesia tiếp tục kéo dài lệnh hạn chế xã hội

Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã quyết định kéo dài lệnh hạn chế các hoạt động cộng đồng (PPKM) cấp độ bốn từ ngày 10-16/8 tại hai hòn đảo Java và Bali đông dân.

Biến thể Delta có thể khiến Australia và Trung Quốc xem xét lại chiến thuật

Làn sóng dịch mới tại những nước áp dụng biện pháp chống dịch "không ca mắc COVID-19" như Australia và Trung Quốc cho thấy dường như biến thể Delta đã phá vỡ được vòng phòng thủ và khiến hai nước này phải xem xét điều chỉnh chính sách.

Israel: Mũi tiêm vaccine thứ ba của Pfizer có phản ứng phụ tương tự mũi thứ hai

Một khảo sát ban đầu tại Israel cho thấy hầu hết những người được tiêm mũi thứ ba vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer đều có các phản ứng phụ tương tự hoặc ít hơn so với khi tiêm mũi thứ hai.

Các nước siết chặt phòng, chống dịch

Trong bối cảnh số ca mắc mới Covid-19 được ghi nhận ở mức cao chưa từng thấy và biến thể Delta chiếm hầu hết số ca nhiễm, nhiều nước tăng cường biện pháp chống dịch. Ngày 8/8, thêm 8 tỉnh tại Nhật Bản siết chặt hạn chế, theo đó, các nhà hàng phải giảm thời gian mở cửa và ngừng phục vụ đồ uống có cồn.

COVID-19 tới 6h sáng 8/8: Mỹ dẫn đầu ca nhiễm mới; Indonesia đứng đầu ca tử vong

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm trên 561.000 ca nhiễm và 8.548 ca tử vong, nâng tổng ca bệnh lên gần 203 triệu. Nước Mỹ trở lại dẫn đầu thế giới về ca nhiễm mới, trong khi Indonesia đứng đầu về ca tử vong trong ngày.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục