Những thông tin cho rằng Omicron sẽ là biến thể chính gây bệnh Covid-19 tại EU trong tháng tới đã đẩy vấn đề này lên thành ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của Hội nghị cấp cao EU và làm dấy lên mối lo ngại về một cuộc khủng hoảng y tế mới. Những ngôn từ mạnh mẽ và quyết liệt nhất đã được các nhà lãnh đạo châu Âu đưa ra nhằm cảnh báo và kêu gọi thúc đẩy các giải pháp ngăn chặn sự lây lan của biển thế mới Omicron.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen (U.Lây-en) cảnh báo, châu Âu sắp phải đối mặt một "mùa đông Omicron”, khi giới chuyên gia cho rằng đây sẽ là "biến thể mới thống trị châu Âu” vào giữa tháng 1/2022. Bà cho rằng thời điểm này đặc biệt nguy hiểm, do mặc dù nhiều quốc gia EU đang dẫn đầu về tỷ lệ tiêm chủng ngừa Covid-19 trên toàn cầu, nhưng việc triển khai tiêm phòng vẫn chưa đồng nhất trên bình diện toàn khối. Hiện có tới chín nước trong tổng số 27 quốc gia thành viên EU có tỷ lệ tiêm chủng dưới 60%.
Đợt bùng phát mới của dịch Covid-19 tác động nặng nề tới nền kinh tế ở nhiều nước thuộc "lục địa già”. Tăng trưởng kinh tế ở khu vực đồng tiền chung euro (Eurozone) trong tháng 12 đã giảm xuống mức thấp nhất trong chín tháng qua, trong bối cảnh các doanh nghiệp, nhất là ở Đức, đang lao đao và tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng. Châu Âu đang chứng kiến vật giá leo thang chóng mặt, với Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 tăng lên 4,9% so mức 4,1% trong tháng trước đó.
Tại Đức, nền kinh tế lớn nhất Eurozone, CPI tháng 11 tăng lên mức cao nhất trong 29 năm. Chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) cảnh báo, nếu Đức thắt chặt chính sách tiền tệ quá sớm sẽ ảnh hưởng đến sự phục hồi kinh tế của khu vực. Chỉ dấu về "sức khỏe” của nền kinh tế Eurozone-Chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) trong tháng 12 này đạt mức 53,4, giảm so với mức 55,4 điểm vào tháng 11 và mức 59 vào tháng 8.
Biến thể Omicron được coi là một thách thức đối với triển vọng tăng trưởng kinh tế của EU. Thủ tướng Ireland (Ai-len) nhận định, Omicron là mối quan tâm đáng kể do khả năng lây lan nhanh chóng của biến thể này đã tạo áp lực đối với xã hội và hệ thống y tế, do đó các nước thành viên EU cần có được sự phối hợp tốt hơn trên nhiều phương diện. Thủ tướng Hy Lạp cho rằng, EU sẽ phải có các biện pháp phòng dịch mới bên cạnh việc đẩy nhanh quá trình tiêm chủng ngừa Covid-19. Theo ông, đây là "trận chiến chống lại thời gian”.
Các nước EU phải tập trung tìm giải pháp cho hàng loạt vấn đề như đại dịch Covid-19, ngăn chặn làn sóng di cư bất hợp pháp, ứng phó biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 được đặt lên ưu tiên hàng đầu khi các nước EU cần tìm kiếm cách tiếp cận chung và sự phối hợp giữa các thành viên nhằm đối phó những thách thức do biến thể Omicron đặt ra, trong bối cảnh sự thống nhất nội khối đang suy yếu rõ rệt.
Các nước như Italia, Ireland, Bồ Đào Nha và Hy Lạp đều đã siết chặt các hạn chế nhập cảnh đối với những du khách từ các nước EU khác. Những biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt này được cho là đang làm xói mòn các nguyên tắc của chứng nhận kỹ thuật số về Covid-19 mà EU áp dụng trên toàn khối kể từ tháng 7 năm nay, nhằm bảo đảm việc đi lại xuyên biên giới được thuận tiện hơn đối với những người đã tiêm phòng đầy đủ.
Trước thực trạng tồn tại khoảng cách về tỷ lệ "phủ sóng” vaccine giữa các nước thành viên, Trung tâm Kiểm soát và Phòng dịch của EU (ECDC) cho rằng, không còn thời gian để giải quyết các lỗ hổng tiêm chủng. Hội nghị cấp cao EU nhấn mạnh sự cần thiết phải tiêm phòng Covid-19 cho tất cả mọi người dân và việc triển khai mũi tiêm tăng cường là vô cùng quan trọng, trong bối cảnh các nước châu Âu đối mặt với một mùa đông khắc nghiệt bởi sự hoành hành của biến thể Omicron.
TheoNhanDan