Trong nỗ lực ứng phó tác động của giá năng lượng tăng cao, nhiều nước thúc đẩy hợp tác mở rộng nguồn cung, đồng thời có biện pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong nước.


Ảnh minh họa: Các bồn chứa tại cơ sở Khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Dragon ở Waterston, Milford Haven, xứ Wales. (Ảnh: Reuters)
 Nhật Bản đã đề nghị Các tiểu vương quốc Arab thống nhất UAE góp phần ổn định thị trường dầu mỏ quốc tế bằng cách cung cấp lượng dầu lớn hơn, bảo đảm năng lực sản xuất với tư cách là thành viên hàng đầu của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (nhóm OPEC+). Đề xuất trên được Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản đưa ra trong cuộc hội đàm với người đồng cấp UAE, trong chuyến thăm Dubai ngày 20/3. UAE hiện cung cấp khoảng một phần ba lượng dầu nhập khẩu của Nhật Bản.

Thủ tướng Anh Boris Johnson (B.Giôn-xơn) cũng đã tới UAE và Saudi Arabia để hối thúc các nước sản xuất dầu lớn của thế giới "bơm” thêm dầu ra thị trường nhằm hạ nhiệt "cơn sốt giá dầu”. Phát biểu sau chuyến thăm Saudi Arabia, Thủ tướng Boris Johnson cảnh báo rằng, đề nghị tăng sản lượng dầu vẫn chưa được đáp ứng. Hiện cả UAE và Saudi Arabia chưa đưa ra tuyên bố tăng sản lượng dầu.

Nhằm đa dạng hóa nguồn cung và giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu từ Nga, Đức đã ký thỏa thuận năng lượng dài hạn với Qatar-một trong những nhà xuất khẩu khí tự nhiên hàng đầu thế giới. Thỏa thuận được ký trong khuôn khổ chuyến thăm Qatar của Bộ trưởng Kinh tế Đức ngày 20/3. Trước đó, Bộ trưởng Kinh tế Đức đã tới UAE. Cũng như nhiều nước châu Âu, Đức đang nỗ lực bảo đảm nguồn cung năng lượng trong mùa đông tới.

Iran đã đề xuất giúp Ấn Độ đáp ứng nhu cầu năng lượng trong nước, thông qua việc khởi động lại cơ chế giao dịch bằng đồng nội tệ trong xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt. Báo The Economic Times dẫn lời Đại sứ Iran tại Ấn Độ nói: Iran sẵn sàng cùng Ấn Độ khởi động thương mại dựa trên cơ chế rupee-rial, giúp các công ty của hai nước giao dịch trực tiếp và không phải chịu phí trung gian của bên thứ ba. Iran từng là nhà cung cấp dầu lớn thứ hai của Ấn Độ, trước khi Mỹ tái áp đặt trừng phạt đối với Iran.

Trong khi đó, Chính phủ Áo công bố gói chi tiêu 2 tỷ euro hỗ trợ cho các gia đình và doanh nghiệp gặp khó khăn do giá năng lượng tăng cao. Theo đó, giảm một nửa giá vé trên các phương tiện công cộng và giảm các loại thuế phí đối với khí tự nhiên và điện. Gói chi tiêu cũng hỗ trợ người sử dụng diesel trong nông nghiệp, các doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nhiều nhiên liệu và các công ty đang chuyển đổi sang năng lượng thay thế.

TheoNhanDan

 

Các tin khác


IEA hối thúc các nước nỗ lực cắt giảm tiêu thụ dầu

Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) kêu gọi tăng cường làm việc tại nhà, đẩy mạnh sử dụng phương tiện giao thông công cộng, lái xe chậm hơn… nhằm cắt giảm mức tiêu thụ dầu trên toàn cầu trong vài tháng tới, nhất là trong bối cảnh những lo ngại về nguồn cung năng lượng gia tăng.

G7 sẽ nhóm họp về tình hình Ukraine trong tuần tới

Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã mời lãnh đạo của Nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) tới dự cuộc họp về Ukraine, trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vào tuần tới.

Thế giới đã ghi nhận trên 464,9 triệu ca mắc COVID-19

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h ngày 17/3, thế giới đã ghi nhận tổng cộng 464.926.800 ca mắc COVID-19, trong đó có 6.083.323 ca tử vong. Số người đang phải điều trị tích cực hiện là 63.556 ca.

Ukraine tin tưởng đạt thỏa thuận ngừng bắn với Nga

Đại diện đoàn đàm phán Ukraine, Cố vấn Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine Mikhail Podolyak (M.Pô-đô-li-ắc) thông báo về công tác chuẩn bị các tài liệu để thảo luận trong cuộc hội đàm cấp cao với Nga.

WHO báo động về số ca mắc COVID-19 toàn cầu gia tăng

Ngày 17/3, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã báo động về sự gia tăng đột biến số ca mắc mới COVID-19 trên toàn cầu, mặc dù tỷ lệ xét nghiệm giảm và số ca mắc mới ghi nhận liên tục giảm trong nhiều tuần gần đây.

Thế giới đối phó giá hàng hóa leo thang

Tác động của cuộc xung đột tại Ukraine đối với giá năng lượng đã thúc đẩy các nhà lãnh đạo 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) chuẩn bị một "bộ giảm xóc” nhằm chống lại những cú sốc về nguồn cung. Các quốc gia thành viên EU cho rằng, cần ngay lập tức tích trữ khí đốt để chuẩn bị cho mùa đông tới. Dự kiến, các nhà lãnh đạo của các quốc gia thành viên EU sẽ thảo luận vấn đề này tại hội nghị cấp cao vào tuần tới.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục