Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến sáng 21/3 (giờ Việt Nam), thế giới đã ghi nhận tổng cộng 470.787.033 ca mắc Covid-19, trong đó có 6.100.497 ca tử vong. Hơn 407 triệu bệnh nhân Covid-19 đã hồi phục trong khi vẫn còn hơn 57,68 triệu người chưa khỏi bệnh.
Chỉ riêng trong tuần qua, có tổng cộng hơn 11,8 triệu ca bệnh mới ghi nhận trên toàn cầu, tăng 5% so với 1 tuần trước. Nhưng số ca tử vong vì Covid-19 lại giảm 18% so 7 ngày trước, với thêm 35.685 người không qua khỏi. Trong tuần cũng có trên 10 triệu ca hồi phục, giảm 17% so tuần trước.
Trong đó, Hàn Quốc và Đức là 2 nước ghi nhận nhiều ca mắc mới nhất thế giới trong tuần qua, lần lượt với 2.832.661 ca (tăng 42%) và 1.565.547 ca (tăng 20%). Tổng ca mắc tại 2 quốc gia này chiếm tới 37,2% số ca mắc toàn cầu trong tuần.
Hàn Quốc đang trong làn sóng bùng phát mạnh do biến thể Omicron, với số ca nhiễm liên tục tăng cao và duy trì ở ngưỡng trên 300 nghìn ca trong nhiều ngày qua. Đáng chú ý, thứ năm tuần trước, nước này báo cáo số ca mắc mới cao nhất từ trước đến nay với kỷ lục 621.328 ca.
Các chuyên gia vẫn chưa chắc chắn về thời điểm làn sóng Omicron ở Hàn Quốc sẽ đạt đỉnh, song giới chức nước này đang xúc tiến các nỗ lực để dần đưa cuộc sống trở lại bình thường.
Bắt đầu từ thứ hai đầu tuần này, Chính phủ Hàn Quốc sẽ tăng giới hạn số lượng người trong các cuộc nhóm họp riêng lên 8 người. Và bắt đầu từ ngày 1/4, hành khách từ nước ngoài đã được tiêm phòng Covid-19 đầy đủ và cập nhật lịch sử tiêm chủng lên trang web Q-Code của Hàn Quốc sẽ có thể nhập cảnh vào nước này mà không cần cách ly 7 ngày.
Đại dịch tiếp tục diễn biến phức tạp ở các khu vực khác của châu Á, châu Âu và Châu Đại Dương, khi châu lục này lần lượt báo cáo mức tăng 9%, 4% và 15% về số ca bệnh mới trong tuần. Các khu vực còn lại đều ghi nhận mức giảm, trong đó Châu Phi giảm tới 34% về số ca mắc mới, tiếp sau đó là Bắc Mỹ giảm 21% và Nam Mỹ giảm 16%.
Covid-19 phần lớn đã lắng dịu ở châu Âu nhưng đang bật tăng trở lại trong 2 tuần qua. Châu lục này ghi nhận 5,1 triệu ca bệnh trong tuần trước, chỉ kém châu Á với 5,4 triệu ca. Song xét về tổng ca bệnh, Châu Âu dẫn đầu thế giới với trên 170,2 triệu ca, trong khi số ca tử vong cũng đứng ở vị trí đầu tiên với 1.752.315 ca, dù đã giảm 8% trong tuần trước (11.627 ca).
Đức dẫn đầu châu Âu về số ca mắc mới trong tuần, ghi nhận thêm 1.565.547 trường hợp, tăng 20%. Đức đã lập kỷ lục số ca mắc hàng ngày cao nhất với 300.270 ca ghi nhận trong ngày 10/3. Quốc gia này lần đầu tiên trải qua mức tăng đột biến trong làn sóng Omicron vào giữa tháng 1/2022. Kỷ lục số ca tử vong trong ngày cao nhất là 1.249 người vào ngày 29/12 năm ngoái, song trung bình trong tuần qua, nước này ghi nhận 200 ca tử vong mỗi ngày.
Tại Anh, các ca mới tăng 6% trong tuần với tổng số 460.661 ca, đứng thứ sáu thế giới, theo sau Pháp đứng thứ 4 với 602.155 ca và Italia đứng thứ năm với trên 477 nghìn ca.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các chuyên gia đều cho rằng, sự gia tăng đột biến các ca nhiễm trên toàn cầu trong những tuần gần đây là do biến thể phụ BA.2 của Omicron lây lan nhanh, cùng với tác động từ việc dỡ bỏ hầu hết các hạn chế Covid-19 và suy giảm khả năng miễn dịch do các liều vaccine tiêm đã khá lâu.
Tiến sĩ Anthony Fauci, cố vấn y tế của Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết, cả 3 yếu tố trên đều được ghi nhận tại Mỹ. Do đó, ông cảnh báo trong vài tuần tới, không loại trừ khả năng Mỹ cũng chứng kiến làn sóng bùng phát dịch bệnh tăng mạnh trở lại.
Dù số ca mắc trong tuần qua tại Mỹ tiếp tục giảm mạnh ở mức 24% với thêm 185.761 ca, nước này vẫn dẫn đầu thế giới về tổng số ca mắc với trên 81,4 triệu ca cùng 997.993 trường hợp tử vong.
Ở châu Á trong tuần qua, có trên 5,4 triệu ca mắc mới, dẫn đầu thế giới, trong khi số ca tử vong giảm 8% với 11.627 ca.
Ấn Độ dẫn đầu châu lục về tổng ca mắc và tử vong, nhưng thống kê cả 2 chỉ số này hàng ngày tại Ấn Độ đang ở mức thấp nhất kể từ khi đại dịch bùng phát. Các ca bệnh mới của Ấn Độ trong tuần qua giảm tới 40% so 7 ngày trước đó, với 16.850 ca được ghi nhận. Trong đó, nước này chỉ báo cáo 1.761 ca bệnh mới trong ngày chủ nhật, mức thấp nhất kể từ con số 1.735 ca ghi nhận ngày 28/4/2020.
Trong làn sóng Omicron, nước này từng ghi nhận số ca mắc hàng ngày kỷ lục là 347.254 vào tháng 1 vừa qua. Trong khi kỷ lục trong làn sóng Delta trước đây là 412.618 ca vào ngày 5/5/2021.
Giữa bối cảnh dịch bệnh giảm bớt, người dân Ấn Độ tổ chức Lễ hội Sắc màu Holi, với mọi hạn chế được dỡ bỏ. Song hôm thứ năm, Bộ Y tế Ấn Độ đã chỉ đạo các bang duy trì "giám sát cao độ" khi các ca bệnh vẫn đang gia tăng ở nhiều khu vực trên thế giới.
Tổng cộng, hơn 11,1 tỷ liều vaccine phòng Covid-19 đã được tiêm trên toàn thế giới, trong đó có trên 200 triệu liều trong tuần qua.
Hầu hết các quốc gia ở châu Âu đều có tỷ lệ tiêm phòng đủ 2 mũi rất cao. Ở Liên minh châu Âu, con số này là 75,8%, bao gồm 87,3% ở Tây Ban Nha, 84% ở Pháp, 85% ở Italia, 83,2% ở Đan Mạch, 77,3% ở Hà Lan, 76,5% ở Đức và 76,5% ở Áo.
Tuy nhiên, vẫn có sự chênh lệch khá lớn giữa các khu vực, khi châu Phi mới chỉ tiêm phủ mũi 1 cho khoảng 19% dân số, trong khi tỷ lệ này ở Mỹ và Canada là khoảng 78%, tiếp theo là châu Mỹ Latinh với 77%, châu Á-Thái Bình Dương 77%, châu Âu 68% và Trung Đông 55%.
TheoNhanDan