Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 285.481 trường hợp mắc COVID-19 và 1.111 ca tử vong. Tới nay, tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu đã vượt 504 triệu ca, trong đó trên 6,22 triệu người không qua khỏi.


Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc ngày 13/4/2022. Ảnh: THX/TTXVN

Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 19/4 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên toàn cầu đã lên tới 504.984.628 ca, trong đó có tổng cộng 6.224.083 người tử vong.

Sau hơn 2 năm ứng phó, nhiều nước đang chủ động thích ứng tốt với làn sóng dịch mới này và đang đẩy nhanh quá trình trở lại cuộc sống trước đại dịch, coi COVID-19 như một loại bệnh đặc hữu. Nhìn chung, số ca mắc mới và tử vong vì đại dịch đang giảm sâu ở hầu hết các khu vực trên thế giới.

Đại dịch sau 2 năm đến nay xuất hiện và đã lây lan ở 225 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận trên 456 triệu bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là trên 42 triệu ca và trên 63.000 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch. Ngày 18/4, thế giới có 85 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới và 52 nước có người tử vong vì căn bệnh này.


Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 vào bệnh viện ở Tokyo, Nhật Bản ngày 1/2/2022. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Trong mấy ngày qua, số ca mắc bệnh tiếp tục xu thế giảm trên phạm vi toàn cầu, những vùng bệnh còn "nóng nhất” nằm ở châu Á-châu Mỹ. Tuy nhiên, ngày càng nhiều nước thông báo sẽ nới lỏng hay thậm chí gỡ bỏ hoàn toàn các biến pháp phòng dịch nghiêm ngặt.

Trong 24 giờ qua, Hàn Quốc là nước có số ca mắc mới cao nhất (với trên 47.000 ca), trong khi Nga là quốc gia có số ca tử vong mới cao nhất thế giới với trên 200 ca.

Trung Quốc cũng chứng kiến xu thế dịch đáng ngại khi số ca mắc mới tăng mạnh, khiến nhà chức trách nước này quyết định phong tỏa một số thành phố lớn, đồng thời chiến lược "Không COVID” áp dụng từ đầu dịch cũng chuyển thành "Không COVID linh hoạt”.

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 18/4, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 212 ca tử vong. Trong ngày 18/4, Thái Lan có số ca mắc mới (trên 16.000 ca) cao nhất khu vực, trong khi nước này cũng ghi nhận nhiều ca tử vong nhất (124 ca).

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại lễ diễu hành nhân dịp Tết Songkran ở Ayutthaya, Thái Lan, ngày 13/4/2022. Ảnh: THX/ TTXVN

Tình hình dịch bệnh tại Đông Nam Á mấy ngày qua tiếp tục thuyên giảm và có sự khác biệt lớn giữa các nước. Diễn biến dịch tại Indonesia, Thái Lan và Việt Nam vẫn căng thẳng hơn so với các nước khác. Xét về tổng số ca mắc và tử vong từ đầu dịch tới nay, ổ dịch nghiệm trọng nhất Đông Nam Á vẫn là Indonesia do dịch bệnh kéo dài nhiều tháng ở mức nghiêm trọng.

Một ngày qua, hiệp hội ASEAN có 6 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Indonesia, Philippines, Malaysia, Thái Lan, Lào và Việt Nam.

Mỹ vẫn là nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, đến nay ghi nhận hơn 82,3 triệu ca mắc, trong đó hơn 1 triệu ca tử vong. Ấn Độ đứng thứ hai về số ca nhiễm (hơn 43,04 triệu ca) trong khi Brazil đứng thứ hai về số ca tử vong (hơn 662.000 ca). Chính phủ Brazil thông báo trong bối cảnh số ca mắc và tử vong do COVID-19 giảm, nước này sẽ dỡ bỏ các biện pháp khẩn cấp về y tế công cộng trong những ngày tới sau suốt 2 năm áp dụng nhằm phòng, chống đại dịch.


Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Berlin, Đức, ngày 24/3/2022. Ảnh: THX/ TTXVN

Châu Âu là khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất với hơn 186,7 triệu ca mắc, trong đó có hơn 1,79 triệu ca tử vong. Châu Á đứng thứ hai với hơn  145,7 triệu ca mắc và hơn 1,41 triệu ca tử vong. Khu vực Bắc Mỹ đã ghi nhận hơn 97,3 triệu ca mắc và hơn 1,45 triệu ca tử vong, trong khi các con số này ở Nam Mỹ hiện là hơn 50,5 triệu ca mắc và hơn 1,29 triệu ca tử vong.

Tại Campuchia, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen cho biết, trong vòng 1-2 tuần sau kỳ nghỉ Tết Khmer cổ truyền (từ ngày 14-16/4) sẽ có dữ liệu chắc chắn về mức độ lây nhiễm COVID-19 hay miễn dịch cộng đồng ở nước này. Khi đó, tất cả các bộ và cơ quan liên quan có thể thực hiện các biện pháp cần thiết để ứng phó phù hợp với tình hình dịch bệnh. Với tỷ lệ bao phủ vaccine cao, Campuchia đã nối lại hoàn toàn hoạt động kinh tế xã hội. Từ tháng 11/2021, nước này cho phép người đã tiêm đủ liều vaccine được nhập cảnh mà không cần cách ly.

Tại Đông Bắc Á, Hàn Quốc thông báo số ca mắc mới COVID-19 ở mức thấp nhất trong 10 tuần, trong bối cảnh làn sóng dịch do biến thể Omicron gây ra bắt đầu giảm và nước này đã dỡ bỏ hầu hết các biện pháp hạn chế để dần trở lại nhịp sống bình thường.


Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 2/3/2022. Ảnh: AFP/ TTXVN

Cơ quan phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) cho biết nước này ghi nhận 47.743 ca mắc mới, trong đó có 14 ca từ nước ngoài, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này lên 16.353.495 ca. Tổng số ca tử vong vì dịch COVID-19 tại nước này tăng lên  21.224 ca, sau khi ghi nhận thêm 132 ca một ngày trước đó, tỷ lệ tử vong là 0,13%. Hàn Quốc đã dỡ bỏ hầu hết các biện pháp hạn chế từ ngày 18/4, chỉ duy trì quy định đeo khẩu trang bắt buộc. Đây là một bước tiến lớn trong nỗ lực trở lại nhịp sống bình thường sau thời gian gián đoạn vì đại dịch.

Trung Quốc đại lục ghi nhận 2.723 ca lây nhiễm mới trong cộng đồng trong ngày, trong đó 2.417 ca ở Thượng Hải. Ngoài ra, có 20.639 ca mắc mới không có triệu chứng lây nhiễm trong cộng đồng tại Trung Quốc đại lục, trong đó 19.831 ca tại Thượng Hải.

Trung Quốc đại lục cũng ghi nhận 3 ca tử vong do COVID-19 trong ngày 17/4 và đều ở tâm dịch Thượng Hải. Các ca tử vong vì COVID-19 được thông báo lần gần đây nhất tại Trung Quốc là 2 ca ghi nhận vào ngày 19/3 vừa qua và đó cũng là những ca tử vong đầu tiên vì COVID-19 được ghi nhận tại đây sau hơn một năm.


Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại một khu chợ ở New Delhi, Ấn Độ, ngày 13/4/2022. Ảnh: THX/ TTXVN

Tại Nam Á, Bộ Y tế Ấn Độ thông báo số ca mắc mới COVID-19 tăng gấp đôi trong 24 giờ qua, lần đầu tiên trong 1 tháng qua vượt ngưỡng 2.000 ca/ngày. Cụ thể ngày 18/4 Ấn Độ ghi nhận 2.183 ca mắc mới, đưa tổng số ca mắc tại nước này từ đầu dịch đến nay lên hơn 43 triệu.

Thủ đô New Delhi và các bang Maharashtra và Haryana đều thông báo số ca mắc mới ở mức 3 chữ  số trong 24 giờ qua. Tuy nhiên số ca nhập viện vẫn ở mức thấp. Trước việc số ca mắc mới đang tăng trở lại, chính quyền Thủ đô New Delhi tuần trước đã phải siết chặt các biện pháp phòng dịch đối với các trường học.

Tại châu Đại Dương, bắt đầu từ ngày 18/4, hơn hai năm sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát, Australia đã chính thức dỡ bỏ quy định yêu cầu khách du lịch quốc tế phải có chứng nhận xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 trước khi lên máy bay tới nước này. Điều này có nghĩa là du khách nước ngoài không phải thực hiện xét nghiệm kháng nguyên nhanh hay xét nghiệm PCR trong vòng 72 giờ trước khi lên máy bay, tuy nhiên họ vẫn phải xuất trình chứng nhận đã tiêm đủ hai mũi vaccine ngừa COVID-19 và đeo khẩu trang trên các chuyến bay quốc tế. Trong khi đó, những người chưa được tiêm chủng sẽ vẫn phải trải qua thời gian cách ly khi đến Australia và phải tự chi trả phí cách ly. Cũng từ ngày 18/4, chính phủ Australia đã cho phép các du thuyền quốc tế cập cảng nước này.


Hành khách tại sân bay quốc tế Sydney, Australia ngày 21/2/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại Áo, nhà chức trách nước này bắt đầu nới lỏng các hạn chế phòng dịch và mở cửa trở lại từ cuối tuần qua, tuy nhiên, việc đeo khẩu trang vẫn gần như là quy định bắt buộc trong trường học. Bộ Giáo dục Áo cho biết học sinh từ lớp 8 trở xuống sẽ phải đeo khẩu trang y tế (MNS) khi ở bên ngoài lớp học và các phòng học nhóm trong trường.

Toàn bộ học sinh từ lớp 9 trở lên được yêu cầu đeo khẩu trang bộ lọc bảo vệ đường hô hấp (FFP2). Các giáo viên đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 hoặc đã có kháng thể sau khi mắc COVID-19 đều phải đeo khẩu trang trong trường, nhưng không đeo trong các lớp học và phòng học nhóm. Đối với giáo viên chưa có kháng thể do chưa tiêm chủng hoặc từng mắc COVID-19 vẫn phải đeo khẩu trang trong lớp học.

Tuy nhiên, quy định phòng chống dịch tại các trường đại học dường như khó khăn hơn, khi mỗi trường lại có những quy định riêng. Hầu hết các trường đại học đều giữ nguyên quy định về việc đeo khẩu trang FFP2, ít nhất là ở các khu vực chung.


Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Mexico City, Mexico. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại Mexico, Chính phủ nước này mới đây tuyên bố sẽ tiêm vaccine ngừa COVID-19 diện rộng cho trẻ em dưới 12 tuổi. Giới chuyên gia nước này đã bày tỏ ủng hộ chủ trương nói trên và khẳng định không có lý do y tế hay kĩ thuật nào để trì hoãn chương trình này.

Các ý kiến đều nhất trí rằng cần tiêm chủng cho trẻ dưới 12 tuổi càng sớm càng tốt, vì nhóm dân số này cũng dễ tổn thương khi bị nhiễm bệnh như người lớn. Các chuyên gia cũng cho rằng trì hoãn tiêm chủng sẽ khiến Mexico bị tụt hậu so với thế giới. Hệ thống Bảo vệ toàn diện trẻ em và vị thành niên quốc gia (Sipina) ước tính, từ tháng 4/2020 đến ngày 10/4/2022 đã có 1.260 trẻ em tử vong vì COVID-19 ở Mexico, trong đó có 590 em gái. Cơ quan này cho biết có 649 ca tử vong là trẻ từ 0-5 tuổi, 182 ca từ 6-11 tuổi và 429 ca trong độ tuổi từ 12 đến 17. Hiện các hiệp hội nhi khoa lớn ở Mexico đã kí thư kêu gọi nhà chức trách cho phép tiêm vaccine Pfizer đã được Cofepris phê duyệt cho trẻ em.

Mexico đã ghi nhận hơn 5,7 triệu ca mắc COVID-19, trong đó gần 324.000 ca tử vong. Đến nay quốc gia này đã triển khai tiêm 194,5 triệu liều vaccine cho 85,7 triệu người trên tổng số 130 triệu dân. Gần 80 triệu người đã hoàn thành phác đồ tiêm chủng, chiếm 93% số người đã được chủng ngừa, trong khi gần 5,8 triệu người đã được tiêm mũi tăng cường, chiếm 7% tổng dân số.

Theo Báo Tin tức

Các tin khác


Thế giới ghi nhận 504,4 triệu ca mắc, 6,2 triệu ca tử vong do COVID-19

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 21h30 ngày 17/4 (giờ Việt Nam), toàn thế giới có 504.451.596 ca mắc COVID-19, trong đó có 6.222.430 người không qua khỏi. Số bệnh nhân bình phục đã lên tới 455.268.127 người.

ASEAN và Mỹ tăng cường quan hệ đối tác

Trên cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2022, Campuchia thông báo, ASEAN và Mỹ nhất trí tổ chức Hội nghị cấp cao đặc biệt giữa hai bên vào ngày 12 và 13/5/2022, tại thủ đô Washington của Mỹ.

Ukraine đề nghị G7 và IMF hỗ trợ tài chính 50 tỷ USD

Hãng thông tấn Sputinik dẫn lời ông Oleg Ustenko, Cố vấn kinh tế của Tổng thống Ukraine ngày 17/4 xác nhận Kiev đang đề nghị Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cung cấp khoản hỗ trợ tài chính lên đến 50 tỷ USD.

Iraq tìm kiếm cơ hội xuất khẩu thêm dầu vào thị trường châu Âu

Quan chức điều hành các dự án của Bộ Dầu mỏ Iraq - ông Shaker Mahmoud Khalaf ngày 17/4 cho biết Baghdad đang tìm kiếm thêm cơ hội xuất khẩu dầu sang châu Âu, trong bối cảnh nguồn cung từ Nga sụt giảm do cuộc khủng hoảng ở Ukraine.

5 lý do khiến Elon Musk dễ thất bại trong thương vụ mua đứt Twitter

Tỷ phú Elon Musk đang phải đối mặt với chỉ trích, phản đối từ nhiều phía trước kế hoạch muốn mua lại mạng xã hội Twitter với giá 43 tỉ USD, trả bằng tiền.

COVID-19 tới 6h sáng 16/4: Chưa thể thành bệnh đặc hữu, nguy cơ cao bùng phát những đợt dịch lớn

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 656.000 ca mắc COVID-19 và gần 2.000 ca tử vong. WHO cảnh báo sai lầm nếu cho rằng khi đại dịch COVID-19 dần hạ nhiệt và trở thành bệnh đặc hữu, mọi việc sẽ được giải quyết.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục