Đến sáng 22/4, thế giới có trên 507,54 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 6,23 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.


Hơn 507,54 triệu người trên thế giới đã mắc virus SARS-CoV-2. (Ảnh: AP)

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 82,52 triệu ca mắc và hơn 1,017 triệu trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 24.500 người nhiễm virus SARS-CoV-2.

Các thành viên của Ủy ban cố vấn thuộc Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ đã họp để thảo luận các bước tiếp theo liên quan việc đưa ra khuyến nghị về mũi tiêm tăng cường vaccine ngừa COVID-19 trên diện rộng. Hiện nay, mũi tăng cường chỉ được khuyến khích áp dụng với những người bị suy giảm hệ miễn dịch hoặc thuộc độ tuổi từ 50 trở lên.

Các cố vấn CDC về vaccine sẽ tiếp tục hướng đến mục tiêu "trở nên chủ động thay vỉ chỉ phản ứng" trong đưa ra các quyết định liên quan nhu cầu tương lai về việc tiêm mũi tăng cường vaccine ngừa COVID-19. Theo Tiến sĩ Daley, do bản chất khó lường của đại dịch COVID-19, nhân loại đến nay mới chỉ đưa ra những quyết định mang tính phản ứng, nhưng những quyết định liên quan mũi tiêm tăng cường hoàn toàn có thể trở nên chủ động hơn.

Số liệu của CDC Mỹ cho thấy, số người nhập viện do COVID-19 tại nước này gần đây giảm xuống mức thấp nhất từ trước đến nay, nhưng số người vừa nhập viện vì bệnh này trong tuần qua vẫn cao hơn gấp 3 lần số người nhập viện vì bệnh cúm trong tuần gần đây.

Đến nay, COVID-19 vẫn là căn bệnh khó đoán định. Giới chuyên gia nhận định, COVID-19 có một số đặc điểm tương tự như bệnh cúm nhưng không hoàn toàn giống nhau. Các nhà khoa học đã hiểu rõ về bệnh cúm nhưng vẫn đang tiến hành nghiên cứu về COVID-19.

Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 21/4, nước này ghi nhận tổng cộng trên 43,04 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn 522.000 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19 tại quốc gia Nam Á này.

Giới chức thành phố New Delhi đã khôi phục yêu cầu đeo khẩu trang bắt buộc trong bối cảnh số ca mắc mới tại thủ đô của Ấn Độ tăng trở lại trong những ngày gần đây. Theo đó, giới chức cũng quyết định đẩy mạnh công tác xét nghiệm, tập trung tiêm phòng cho các nhóm dân số dễ chịu tổn thương và đảm bảo triển khai thực hiện nghiêm các quy định phòng dịch.

Mặc dù số ca nhiễm mới tăng cao nhưng số ca nhập viện vẫn thấp và các bệnh viện vẫn đủ năng lực điều trị. Số ca nhiễm mới ở thủ đô New Delhi chiếm hơn 42% trong tổng số 2.380 ca trên toàn quốc. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cho rằng không cần phải hoảng loạn. Số lượng các ca nhiễm mới hàng ngày ở Ấn Độ dao động quanh mức hơn 2.000 ca trong một tháng gần đây, sau khi hầu hết các biện pháp phòng ngừa, bao gồm cả các hình phạt đối với việc không đeo khẩu trang, đã được dỡ bỏ vài tuần trước.

Brazil hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 662.400 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 30,31 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.


Omicron hiện vẫn là biến thể lây nhiễm chủ đạo tại phần lớn các khu vực trên thế giới. (Ảnh: AP)

Một nữ nhân viên y tế ở Tây Ban Nha đã mắc COVID-19 hai lần trong vòng 20 ngày. Đây được cho là khoảng thời gian ngắn nhất giữa hai lần mắc được ghi nhận kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Nghiên cứu cho thấy, nữ nhân viên y tế 31 tuổi nhiễm biến thể Delta trước, tiếp đó nhiễm biến thể Omicron.

Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh, trường hợp này cho thấy, kể cả những người đã tiêm phòng COVID-19 và mắc bệnh cũng không nên chủ quan rằng họ sẽ được bảo vệ trước nguy cơ tái nhiễm. Biến thể Omicron có khả năng né tránh được hàng rào miễn dịch được hình thành từ trước. Tuy nhiên, việc tiêm phòng COVID-19 và lần lây nhiễm đầu tiên đã phần nào giúp phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh nặng và nhập viện khi nhiễm Omicron ở lần nhiễm sau. Trường hợp này cũng cho thấy tầm quan trọng của việc giải mã trình tự gene của virus đối với những người mắc COVID-19 sau khi đã tiêm phòng đủ và những người tái nhiễm. Việc theo dõi những trường hợp này sẽ giúp phát hiện những biến thể có khả năng chống lại phản ứng miễn dịch.

Theo Cơ quan Thống kê quốc gia Tây Ban Nha, nguy cơ tái nhiễm với biến thể Omicron cao gấp 10 lần so với biến thể Delta. Omicron hiện vẫn là biến thể lây nhiễm chủ đạo tại phần lớn các khu vực trên thế giới.

Chính phủ Israel đã bãi bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang phòng COVID-19 trong không gian kín. Đây là lần thứ hai Chính phủ Israel đưa ra quyết định này. Hồi tháng 6/2021, Israel từng tạm bỏ quy định đeo khẩu trang trong 2 tuần, nhưng sau đó phải áp đặt lại vì số ca COVID-19 tăng lên.

Quyết định ngừng quy định bắt buộc đeo khẩu trang trong không gian kín ở những địa điểm công cộng tại Israel sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 23/4. Quyết định này còn cần được một Ủy ban giám sát của Quốc hội Israel phê chuẩn. Tuy nhiên, đeo khẩu trang vẫn là việc bắt buộc ở những địa điểm có nguy cơ lây nhiễm cao như trên máy bay, trong bệnh viện và các cơ sở dưỡng lão.

Kể từ tháng 4/2021, Israel đã bỏ quy định đeo khẩu trang ngoài trời. Hiện số ca mắc mới COVID-19 hàng ngày ở Israel được báo cáo là khoảng 4.500 trường hợp.

Trung tâm Xử lý tình hình COVID-19 của Chính phủ Thái Lan (CCSA) ngày 22/4 sẽ xem xét nới lỏng hơn nữa các biện pháp kiểm soát nhập cảnh, kể cả việc rút ngắn thời gian cách ly đối với những người chưa được tiêm chủng và điều chỉnh chương trình "Test & Go" dành cho những người đã được tiêm chủng đầy đủ.

Người phụ trách các hoạt động của CCSA, Tổng Thư ký Hội đồng An ninh quốc gia (NSC) Supoj Malaniyom ngày 21/4 cho biết, cuộc họp của CCSA sẽ thảo luận về những thay đổi đối với các hạn chế đi lại dựa trên định hướng của Thủ tướng Prayut Chan-o-cha.

Trước đó, Bộ Y tế Thái Lan đề xuất nới lỏng các biện pháp xét nghiệm COVID-19 đối với du khách nhập cảnh Thái Lan. Thời gian cách ly đối với những du khách chưa được tiêm phòng có thể giảm xuống nếu hệ thống cách ly đáng tin cậy được thiết lập. Chương trình "Test & Go" dành cho khách du lịch đã được tiêm phòng đầy đủ và những người Thái Lan về nước cũng có thể được điều chỉnh khi các quốc gia khác đã nới lỏng những hạn chế nhập cảnh. Các quan chức cũng có thể điều chỉnh yêu cầu về xét nghiệm kháng nguyên, hoặc thậm chí không còn đưa ra yêu cầu này nữa.

Số ca mắc mới COVID-19 ở Thái Lan đang gia tăng như dự báo sau kỳ nghỉ Tết cổ truyền Songkran. Quốc gia Đông Nam Á này vào ngày 21/4 xác nhận thêm 21.931 ca mắc mới COVID-19 cùng 129 trường hợp tử vong, ngang với mức tử vong kỷ lục trong đợt dịch do biến thể Omicron gây ra được ghi nhận hôm 18/4. Nếu tính cả 20.926 trường hợp cho kết quả dương tính bằng xét nghiệm kháng nguyên, số ca mắc mới trong 24 giờ qua ở Thái Lan sẽ là 42.857. Kể từ khi xác nhận trường hợp mắc COVID-19 đầu tiên vào đầu năm 2020, Thái Lan đã ghi nhận tổng cộng trên 4,1 triệu ca nhiễm, trong đó có 27.392 người không qua khỏi.

Các hạn chế nghiêm ngặt ở thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) sẽ vẫn được duy trì cho đến thời điểm hiện tại, ngay cả ở các quận không ghi nhận ca mắc COVID-19 mới. Nguyên nhân là do số ca COVID-19 mới ngoài các khu vực cách ly trên toàn thành phố Thượng Hải đã tăng trở lại.

Nhiều doanh nghiệp tại Thượng Hải đang bắt đầu mở cửa trở lại và phải hoạt động "quản lý khép kín", theo đó phải ở tại chỗ, thực hiện xét nghiệm hàng ngày và khử trùng nghiêm ngặt.

Ngày 21/4, thành phố Thượng Hải đã nới lỏng lệnh phong tỏa, cho phép 4 triệu người dân có thể ra ngoài, lần đầu tiên sau khi áp dụng lệnh phong tỏa từ cuối tháng 3. Những nơi được nới lỏng là những khu vực không có báo cáo ca bệnh mới. Người dân được phép ra khỏi nhà nhưng vẫn hạn chế đến các khu dân cư lân cận.

Các quan chức Thượng Hải cho biết hiện 12,3 triệu dân trên tổng số 25 triệu dân của thành phố đang ở trong các khu vực "kiểm soát" hoặc "phòng ngừa", mức hạn chế thấp nhất trong hệ thống ba cấp. ngày 21/4, thành phố Thượng Hải ghi nhận hơn 20.000 người khỏi bệnh.

Ngày 21/4, Hong Kong (Trung Quốc) đã mở cửa trở lại các phòng tập thể dục, thẩm mỹ viện, công viên giải trí và rạp chiếu phim lần đầu tiên sau hơn 4 tháng. Hiện giới chức Hong Kong đã nới lỏng một số hạn chế phòng chống COVID-19 được cho là nghiêm ngặt nhất trên thế giới, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp tại đây.

Bên cạnh việc mở cửa trở lại các cơ sở kinh doanh, giải trí, giờ mở cửa của các nhà hàng phục vụ ăn uống đã được kéo dài từ 18h sang 22h. Những cuộc tụ tập nhóm đã được mở rộng lên bốn người từ hai người trước đây. Nhiều trường cũng đã nối lại những lớp học trực tiếp sau nhiều tháng thực hiện dạy học trực tuyến.

Việc nới lỏng diễn ra khi số ca nhiễm COVID-19 hàng ngày tại trung tâm tài chính toàn cầu này giảm xuống dưới 1.000 trong 6 ngày qua, từ mức cao nhất hơn 70.000 trường hợp vào ngày 3/3.

Trong thời gian trước khi xuất hiện biến thể Omicron, việc mắc COVID-19 có triệu chứng ở những người chưa tiêm vaccine sẽ tạo miễn dịch ngăn ngừa nguy cơ tái nhiễm tương tự như tiêm vaccine công nghệ mRNA và khả năng bảo vệ thậm chí dài hơn. Đây là kết quả nghiên cứu ở Mỹ thực hiện đối với hơn 121.000 người tham gia và được công bố trên tạp chí JAMA Network Open mới đây.

Theo đó, những người từng mắc COVID-19 có khả năng bảo vệ lên đến 85% trước nguy cơ tái nhiễm, giảm 88% nguy cơ nhập viện. Mức độ bảo vệ này ổn định và không giảm trong thời gian lên đến 9 tháng kể từ lần nhiễm đầu tiên.

Hơn 43% số bệnh nhân COVID-19 trên thế giới mắc các triệu chứng hậu COVID-19, còn gọi là hội chứng COVID kéo dài (long COVID). Trường Đại học Y tế công cộng Michigan (Mỹ) đã đưa ra con số này sau khi phân tích dữ liệu của 50 nghiên cứu và 1,6 triệu người. Những triệu chứng hậu COVID-19 phổ biến nhất là mệt mỏi và các vấn đề liên quan trí nhớ.

Xét theo khu vực, châu Á có tỷ lệ bệnh nhân mắc hội chứng COVID-19 kéo dài cao nhất với 51%, tiếp đến là châu Âu, với 44% và Bắc Mỹ là 31%. Các triệu chứng thường gặp nhất là mệt mỏi (23%) và các vấn đề về trí nhớ (14%). Tỷ lệ mắc hội chứng COVID kéo dài ở những bệnh nhân không phải nhập viện là 34% và ở những người phải nhập viện điều trị là 54%.


Theo VTV.vn

Các tin khác


COVID-19 tới 6h sáng 21/4: Thượng Hải thận trọng nới phong tỏa; 12,9 triệu trẻ ở Mỹ đã mắc bệnh

Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 856.000 ca mắc COVID-19 và 2.889 ca tử vong. Tổng số ca mắc từ đầu dịch tới nay đã là 506,7 triệu ca, trong đó trên 6,23 triệu ca tử vong.

Lạm phát ở Nga lên mức cao nhất trong 20 năm qua

Bộ Kinh tế Nga ngày 20/4 cho biết lạm phát năm của nước này đã lên đến mức 17,62% tính đến ngày 15/4, cao nhất kể từ đầu năm 2002 và tăng so với mức 17,49% một tuần trước đó, do đồng ruble biến động khiến giá cả tăng vọt trong bối cảnh phương Tây áp đặt trừng phạt Nga.

Nền kinh tế Mỹ có nguy cơ rơi vào suy thoái trở lại

Sau thời kỳ đen tối vì đại dịch Covid-19, nền kinh tế Mỹ đã bật tăng trở lại với mức tăng trưởng 5,7% trong năm 2021, mức tăng cao nhất trong vòng 40 năm.

Châu Á dự kiến tăng trưởng kinh tế 5,2% năm 2022

Châu Á vẫn duy trì được tốc độ hội nhập kinh tế bất chấp dịch Covid-19 gây tác động nặng nề. Đánh giá này nằm trong báo cáo "Triển vọng kinh tế và Quá trình hội nhập của châu Á” được Diễn đàn châu Á Bác Ngao (BFA) công bố ngày 20/4.

Thổ Nhĩ Kỳ nêu lý do mở chiến dịch quân sự ở Iraq

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết Ankara không có ý định xâm phạm toàn vẹn lãnh thổ của Iraq và khẳng định chiến dịch quân sự được phát động gần đây chỉ nhằm đảm bảo an ninh biên giới của nước này.

COVID-19 tới 6h sáng 20/4: Trung Quốc quyết theo "Zero Covid", Dịch bùng trở lại ở Mỹ

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 550.000 ca mắc COVID-19 và gần 1.900 ca tử vong. Trung Quốc quyết theo đuổi chính sách "Zero Covid", trong khi số ca nhiễm mới tăng trở lại tại 50% số tiểu bang Mỹ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục