Các cuộc gặp thượng đỉnh của Kazakhstan trong tháng này với Trung Quốc, Nga và EU nhấn mạnh tính cấp thiết về một chiến lược mới của Mỹ trong khu vực.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev bắt tay sau cuộc họp báo tại Moskva ngày 10/2/2022. Ảnh: AP
Theo nhận định mới đây của Giáo sư luật William Burke-White tại Trường Luật Carey của Đại học Pennsylvania, thành viên cấp cao không cư trú thuộc Viện Brookings và là thành viên ban hoạch định chính sách của Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ từ năm 2009-2011, trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine, địa chính trị toàn cầu đang thay đổi nhanh chóng.
Trong khi Mỹ đã thành công trong việc định hình một phản ứng thống nhất đối với chiến dịch quân sự của Nga, họ đang theo dõi một phần quan trọng của tình hình địa chính trị mới: Kazakhstan và Trung Á. Các cuộc gặp thượng đỉnh của Kazakhstan trong tháng này với Trung Quốc, Nga và Liên minh châu Âu nhấn mạnh tính cấp thiết về một chiến lược mới của Mỹ trong khu vực.
Các quốc gia Trung Á nằm giữa Nga ở phía Bắc và Trung Quốc ở phía Đông là những nước cân bằng quan trọng giữa Mỹ, châu Âu, Nga và Trung Quốc. Tất cả trong số này, trừ Mỹ, đã có các cuộc tiếp xúc với phía Kazakhstan trong tháng qua. Đầu tháng 6, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc đã có chuyến thăm 4 ngày tới Kazakhstan để lên kế hoạch cho chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào mùa Thu năm nay. Giữa tháng 6, Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev đã đến St.Petersburg để gặp người đồng cấp Nga Vladimir Putin. Nửa cuối tháng 6, cuộc họp của Hội đồng Hợp tác EU-Kazakhstan đã được tổ chức tại Luxembourg nhằm tìm cách làm sâu sắc hơn các kết nối của Kazakhstan với châu Âu.
Như vậy, cuộc tiếp cận Kazakhstan đã được thực hiện một cách nghiêm túc. Thông qua Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể, Nga đảm bảo an ninh quốc tế và sự ổn định trong nước cho Kazakhstan. Vào tháng 1/2022, theo đề nghị của Kazakhstan, Nga đã triển khai binh sĩ để giúp nước này kiểm soát tình trạng bất ổn trong nước. Trung Quốc cũng đang giúp Kazakhstan phát triển kinh tế. Thương mại Kazakhstan-Trung Quốc tăng với tốc độ hàng năm là 14,9% trong 25 năm qua. Sáng kiến Vành đai và Con đường của Bắc Kinh sẽ bổ sung hơn 25 tỷ USD cho nền kinh tế Kazakhstan, đồng thời giảm thời gian và chi phí vận chuyển.
Ngược lại, sự can dự của Mỹ vẫn chưa có dấu hiệu được khởi động. Sau sự sụp đổ của Liên Xô, ngoại giao của Mỹ trong khu vực tập trung vào an ninh hạt nhân và cải cách kinh tế. Sau vụ 1/9, Mỹ hiện diện trong khu vực với mục đích tìm kiếm thông tin tình báo và hỗ trợ hậu cần cho cuộc chiến chống khủng bố.
Ông Burke-White cho rằng Kazakhstan rất quan trọng đối với lợi ích quốc gia của Mỹ trong một thế giới có nhiều cường quốc cạnh tranh. Mục tiêu tối quan trọng của Mỹ trong khu vực là ngăn "liên minh không giới hạn” giữa Nga và Trung Quốc được công bố hồi đầu năm nay. Trải dài gần 2.000 dặm khắp trung tâm của lục địa châu Á, Kazakhstan có thể giúp liên minh đó tăng cường hoặc ngăn chặn nó. Nước này cũng đóng vai trò quan trọng đối với cả phạm vi ảnh hưởng của Nga và Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc.
Mặt khác, Kazakhstan có thể đóng vai trò là cầu nối ngoại giao giữa Nga và phương Tây. Trong sự kiện Nga sáp nhập Crimea năm 2014, Kazakhstan đã làm trung gian hiệu quả giữa Pháp, Đức, Ukraine và Nga. Năm 2015, sau khi Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi một máy bay phản lực của Nga ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria, Kazakhstan đã giúp đưa hai bên vào bàn đàm phán. Các giải pháp tiềm năng ở Ukraine hiện nay đòi hỏi một người hòa giải có uy tín với tất cả các bên và Kazakhstan dường như đang có điều đó.
Ngoài ra, Kazakhstan còn có thể giúp châu Âu chuyển đổi khỏi sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga. Nước này có nguồn dự trữ và kết nối đường ống để lấp đầy một phần thiếu hụt nguồn cung. Với trữ lượng dầu đã được chứng minh là lớn thứ hai ở Âu-Á và trữ lượng khí đốt lớn thứ 14 trên thế giới, Kazakhstan luôn có sẵn nguồn cung dự trữ. Được kết nối với đường ống Baku-Tbilisi-Ceyhan (BTC) chưa được sử dụng, nước này có các liên kết trực tiếp đến người tiêu dùng năng lượng của châu Âu.
Do đó, Mỹ cần một cách tiếp cận hấp dẫn hơn khu vực nói chung và Kazakhstan nói riêng. Đầu tiên, để đảm bảo Kazakhstan và các nước láng giềng vẫn là những quốc gia cân bằng độc lập, Mỹ không được đòi hỏi quá nhiều, đặc biệt là liên quan đến các vấn đề dân chủ và nhân quyền. Các nước này phải duy trì quan hệ với cả Moskva và Bắc Kinh, Washington và Brussels. Sẽ là viển vông nếu mong đợi Kazakhstan cắt đứt quan hệ với Moskva hoặc Bắc Kinh. Trên thực tế, chính những mối quan hệ đó làm cho họ trở thành đối tác tiềm năng hữu ích đối với Mỹ.
Thứ hai, Mỹ phải giúp củng cố các kết nối kinh tế của khu vực với phương Tây, tạo cho khu vực này một sự thay thế Nga và Trung Quốc. Mỹ nên tham gia với châu Âu theo Thỏa thuận Đối tác và Hợp tác Nâng cao EU-Kazakhstan để đầu tư ngoài BRI của Trung Quốc, có lẽ với sự hỗ trợ từ cả Ngân hàng Phát triển châu Á và Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu. Việc đảm bảo các đường xuất khẩu vẫn mở sang châu Âu, bất chấp xung đột ở Ukraine, cũng là điều cần thiết vì châu Âu chiếm 40% thương mại ra bên ngoài của Kazakhstan. Bên cạnh đó, đầu tư trực tiếp nước ngoài là rất quan trọng. Trong lịch sử, Mỹ đã cung cấp 18% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào nước này và nên xây dựng dựa trên cơ sở này thông qua các khoản tín dụng xuất khẩu và ưu đãi đầu tư.
Thứ ba, theo ông Burke-White, Mỹ nên khác Trung Quốc và Nga ở cách hỗ trợ, nhưng không áp đặt - dân chủ và cải cách thể chế cần thiết sau tình hình bất ổn hồi tháng 1/2022. Cuối cùng, Mỹ không được phép để Kazakhstan và khu vực bị cuốn vào cuộc xung đột ở Ukraine. Làm như vậy sẽ đẩy Kazakhstan về phía Bắc Kinh hoặc Moskva. Việc Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken bày tỏ cam kết với Ngoại trưởng Kazakhstan để giảm thiểu tác động của các lệnh trừng phạt có thể sẽ là một sự khởi đầu tốt. Cùng với đó, Mỹ nên làm rõ phạm vi của các biện pháp trừng phạt trong bối cảnh Kazakhstan dựa vào đường ống dẫn dầu của Nga để xuất khẩu và nguy cơ bị ảnh hưởng trực tiếp từ các biện pháp trừng phạt năng lượng của phương Tây.
Theo báo Tin tức
Hai sự kiện quốc tế nổi bật nhất tuần qua chính là việc NATO đưa ra Khái niệm Chiến lược mới coi Nga là mối đe dọa trực tiếp, cùng với làn sóng tái bùng phát COVID-19 ở nhiều quốc gia do biến thể phụ của Omicron gây ra.
Giám đốc khu vực châu Âu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 1/7 nhấn mạnh hành động khẩn cấp là cần thiết nếu muốn đảo ngược sự lây lan của bệnh đậu mùa khỉ.
Phóng viên TTXVN tại Rome dẫn số liệu được Cơ quan thống kê quốc gia Italy (ISTAT) công bố ngày 1/7 cho biết, tỷ lệ lạm phát trong tháng 6/2022 tại Italy đã tăng 8% so với cùng kỳ năm trước, đánh dấu mức tăng lạm phát hàng tháng cao nhất trong 36 năm qua.
Công ty Nord Stream AG ngày 1/7 đã xác nhận việc tạm thời ngừng hoạt động cả hai đường ống của tuyến đường ống Dòng chảy phương Bắc từ ngày 11 - 21/7 do sửa chữa theo lịch trình hàng năm.
Số liệu cập nhật mới nhất cho thấy số ca mắc bệnh cúm tại Australia có thể tăng lên mức cao nhất trong những năm gần đây.
Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) ngày 30/6 thông báo sẽ duy trì chính sách tăng sản lượng dầu đã lên kế hoạch vào tháng 8 tới, nhưng không thảo luận chính sách này từ tháng 9 bởi giá dầu đang tăng do nguồn cung toàn cầu bị thắt chặt và những lo ngại rằng nhóm này ít có khả năng tăng sản lượng.