Theo IMF, tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2023 sẽ giảm xuống 2,7% do lãi suất tăng, làm chậm đà tăng trưởng nền kinh tế Mỹ, trong khi châu Âu chật vật với giá khí đốt tăng.

Quang cảnh 1 cảng hàng hóa tại tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Quang cảnh 1 cảng hàng hóa tại tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 11/10, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 trong bối cảnh các nước đang chịu tác động từ cuộc xung đột ở Ukraine, giá năng lượng và thực phẩm tăng, lạm phát leo thang và lãi suất tăng mạnh. IMF đồng thời cảnh báo rằng tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn vào năm tới.

Trong báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới mới nhất, IMF cho biết 1/3 nền kinh tế trên thế giới có thể sẽ suy giảm vào năm nay và năm tới.

Nhà kinh tế trưởng của IMF Pierre-Olivier Gourinchas cho biết: "Ba nền kinh tế lớn nhất là Mỹ, Trung Quốc và khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sẽ tiếp tục đình trệ. Nói một cách ngắn gọn, điều xấu nhất vẫn chưa tới và đối với nhiều người, năm 2023 sẽ giống như năm suy thoái".

Theo IMF, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu năm 2023 sẽ giảm xuống 2,7% so với dự báo 2,9% IMF đưa ra hồi tháng 7.

Nguyên nhân là lãi suất tăng làm chậm đà tăng trưởng nền kinh tế Mỹ, trong khi châu Âu chật vật với giá khí đốt tăng, còn Trung Quốc tiếp tục áp đặt các biện pháp phong tỏa nhằm ngăn chặn dịch Covid-19 và ngành bất động sản của nước này suy yếu.

Tuy nhiên, IMF giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022 ở mức 3,2%, sau mức tăng trưởng toàn cầu 6% năm 2021. Điều này phản ánh sản lượng cao hơn dự báo ở châu Âu song hoạt động kinh tế yếu kém ở Mỹ.

Cụ thể, IMF dự báo tăng trưởng kinh tế của Mỹ năm nay sẽ là 1,6%, giảm 0,7 điểm % so với dự báo trước, phản ánh tăng trưởng GDP trong quý 2 của Mỹ giảm ngoài dự báo. IMF vẫn duy trì dự báo tăng trưởng GDP của Mỹ năm 2023 là 1%, không thay đổi so với dự báo trước.

Theo IMF, suy giảm kinh tế của các nước thuộc Eurozone dự báo sẽ mạnh thêm vào năm tới, trong đó Đức và Italia được dự báo sẽ rơi vào suy thoái trong năm 2023.

Trong khi đó, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc trong năm 2022 và 2023 do các biện pháp phòng, chống Covid-19 của nước này và cuộc khủng hoảng trong ngành bất động sản ảnh hưởng tới tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Theo đó, kinh tế Trung Quốc sẽ tăng 3,2% vào năm 2022, giảm 0,1 điểm % so với dự báo hồi tháng 7 và tăng 4,4% vào năm 2023, thấp hơn 0,2 điểm % so với dự báo trước. Kinh tế Trung Quốc đã tăng 8,1% năm 2021.

IMF cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế khu vực châu Á trong bối cảnh lãi suất tăng buộc nhiều ngân hàng trung ương phải siết chặt chính sách tiền tệ, và xuất khẩu giảm do tình hình kinh tế tại các đối tác thương mại chính của khu vực này, trong đó có Mỹ.

IMF dự báo các nền kinh tế mới nổi ở châu Á sẽ ghi nhận mức tăng trưởng 4,4% trong năm nay và 4,9% năm 2023, giảm tương ứng 0,2 điểm % và 0,1 điểm % so với dự báo hồi tháng 7, sau mức tăng 7,2% năm 2021.

Theo báo cáo của IMF, nhóm các nước Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan thuộc ASEAN, dự báo ghi nhận tăng trưởng 5,3% trong năm nay so với mức tăng 3,4% năm 2021. Mức tăng này dự báo sẽ giảm xuống 4,9% vào năm 2023 do nhu cầu giảm từ các đối tác thương mại chủ chốt như Trung Quốc, khu vực Eurozone và Mỹ.

Theo IMF, các nền kinh tế ASEAN sẽ ghi nhận tăng trưởng chịu tác động của giá lương thực và năng lượng cao hơn - nguyên nhân làm giảm sức mua của các hộ gia đình.

Theo IMF, tỷ lệ lạm phát trên toàn cầu sẽ lên tới 9,5% trong năm nay trước khi giảm xuống 4,1% vào năm 2024.

                                                                Theo báo Nhân Dân



Các tin khác


Liên hợp quốc lên án vụ sát hại dã man 15 người di cư ở Libya

Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Phi, Phái bộ Liên hợp quốc (LHQ) tại Libya (UNSMIL) ngày 9/10 đã lên án "vụ sát hại dã man ít nhất 15 người di cư và người xin tị nạn" ở thành phố Sabratha (miền Tây nước này), đồng thời kêu gọi đưa những kẻ gây án ra trước công lý.

Đức: Kinh tế đón nhận tin xấu khi đang đứng bên bờ vực suy thoái

Với tác động từ cuộc xung đột Nga-Ukraine, giá năng lượng tăng vọt, đại dịch COVID-19 chưa kết thúc và nguồn cung khí đốt gián đoạn, kinh tế Đức đang đứng bên bờ vực suy thoái với lạm phát lên tới 8,5%. Nhưng những tin xấu vẫn tiếp tục xuất hiện.

Liên hợp quốc nỗ lực mở rộng và gia hạn thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen

Người phát ngôn Liên hợp quốc (LHQ) Stephane Dujarric ngày 7/10 cho biết Tổng Thư ký (TTK) LHQ Antonio Guterres và nhóm của ông đang nỗ lực mở rộng và gia hạn thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen, dự kiến sẽ hết hạn vào ngày 19/11 tới.

Hàng loạt trạm xăng thiếu nhiên liệu, Pháp xả kho dự trữ dầu chiến lược

Pháp vừa giải phóng một lượng dầu dự trữ chiến lược sau khi 15% các trạm xăng ở nước này thiếu ít nhất một loại nhiên liệu ô tô.

Các nước EU gia tăng lệnh trục xuất

Số lượng lệnh trục xuất được ban hành tại Liên minh châu Âu đang ngày càng gia tăng trong khối 27 thành viên.

Xả súng đẫm máu tại Thái Lan, ít nhất 32 người thiệt mạng

Hãng Reuters dẫn lời một người phát ngôn của cảnh sát Thái Lan cho biết vụ xả súng đẫm máu xảy ra ở khu vực Đông Bắc nước này ngày 6/10 đã khiến ít nhất 32 người thiệt mạng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục