Các nhà lãnh đạo trên khắp Trung Đông trong năm qua đã thực hiện nhiều chuyến thăm và bắt tay trong những lần xích lại gần nhau tại khu vực. Nhưng liệu các mối quan hệ này sẽ kéo dài?
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (phải) gặp Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman ở Ankara ngày 22/6/2022. Ảnh: AFP
Năm 2022, nhiều nhà lãnh đạo Trung Đông đã thực hiện hàng loạt chuyến thăm cấp nhà nước và sẵn sàng bắt tay nhau với những đối thủ mà cách đây vài năm không thể tưởng tượng được. Sự thân thiện đã được thể hiện từ Ankara và Cairo đến Dubai và Doha, từ Tổng thống Bashar al-Assad từng bị cô lập của Syria cho đến các nhà lãnh đạo vùng Vịnh.
Abdullah Baabood, một học giả tại Trung tâm Trung Đông Malcolm H. Kerr Carnegie, nhận định: "Năm nay, sự mệt mỏi vì những tranh chấp khiến khu vực bị hủy hoại trong một thập kỷ đã gia tăng. Đó là một diễn biến đáng ngạc nhiên và tất nhiên cũng là điều tích cực đối với khu vực vốn đã thiếu đối thoại”.
Làn sóng ngoại giao nổi lên vào tháng 2 năm nay với việc Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan có chuyến thăm chính thức đầu tiên tới Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) sau 9 năm. Tiếp đó, ông Erdogan có chuyến thăm Saudi Arabia vào tháng 4 và sau đó tiếp đón đối thủ một thời ở vùng Vịnh, Thái tử Mohammed Bin Salman ở Ankara.
Thổ Nhĩ Kỳ đã bất đồng với các quốc gia vùng Vịnh kể từ Mùa xuân Arập 2011, khi ông Erdogan ủng hộ Tổ chức Anh em Hồi giáo, những người theo chủ nghĩa Hồi giáo và các phong trào dân chủ mà các chế độ quân chủ coi là mối đe dọa đối với sự cai trị của họ. Sự đối đầu giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia đã lên đến đỉnh điểm khi nhà báo Jamal Khashoggi bị sát hại tại Lãnh sự quán Saudi Arabia ở Istanbul năm 2018.
Nhưng năm nay, các nhà phân tích cho biết, vấn đề kinh tế đã lấn át ý thức hệ đối với Tổng thống Erdogan, người đang tìm cách tái đắc cử vào tháng 6/2023 trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế khiến lạm phát tăng vọt trên 80%. Cả Riyadh và Abu Dhabi đã cam kết chi hàng tỷ USD để hỗ trợ dự trữ ngoại tệ của Thổ Nhĩ Kỳ và đầu tư vào nước này.
"Nền kinh tế là một vấn đề lớn đối với Tổng thống Erdogan. Ông ấy đang tìm cách lấy lại thiện cảm với các nước vùng Vịnh nhằm tìm kiếm sự hỗ trợ tài chính”, Ken Katzman, cố vấn cấp cao của Soufan Group, một tổ chức tư vấn về an ninh và tình báo toàn cầu, nói.
Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman (phải) và Quốc vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad Al Thani tại Hội nghị thượng đỉnh các nước vùng Vịnh (GCC), ở Riyadh ngày 9/12/2022. Ảnh: AP
Trong khi đó, Ai Cập, quốc gia cũng đang gặp khó khăn về tài chính, đã thiết lập lại quan hệ với những đối thủ cũ. Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar từng ủng hộ chính quyền của cựu Tổng thống Mohamed Morsi, nhưng bị quân đội Ai Cập lật đổ năm 2013 để đưa Tổng thống Abdel Fattah el-Sisi lên nắm quyền. Quan hệ giữa các quốc gia tan vỡ ngay sau đó. Ông Erdogan công khai đặt câu hỏi về tính hợp pháp của Tổng thống Sisi, trong khi Cairo cáo buộc Qatar can thiệp vào công việc nội bộ của họ.
Năm 2017, Ai Cập tham gia nhóm tẩy chay Qatar do Saudi Arabia dẫn đầu vì nước này ủng hộ Tổ chức Anh em Hồi giáo và các phong trào Hồi giáo mà Riyadh và các đồng minh gọi là "khủng bố". Qatar đã phủ nhận các cáo buộc.
Nhưng đến năm 2022, Tổng thống Erdogan đã bắt tay người đồng cấp Ai Cập Sisi tại World Cup ở Qatar, trong khi nhà lãnh đạo của Ai Cập đồng ý chụp ảnh cùng Quốc vương Qatar Tamim bin Hamad Al Thani. Qatar cũng đã cùng với Saudi Arabia và UAE cam kết hàng tỷ USD để hỗ trợ nền kinh tế đang suy sụp của Ai Cập thông qua các khoản đầu tư và tiền gửi của Ngân hàng Trung ương.
Rõ ràng, các quốc gia vùng Vịnh đang gạt bỏ những mối hiềm khích cũ sang một bên trong bối cảnh xung đột ở Ukraine làm tăng giá năng lượng, nhưng giúp lấp đầy kho bạc của họ bằng đồng USD từ dầu mỏ và tăng cường ảnh hưởng của họ đối với các nước yếu hơn về kinh tế như Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ.
Chuyên gia Baabood nêu rõ: "Sự kiện lớn nhất trong năm nay, cuộc xung đột Nga - Ukraine, đã tạo lợi thế cho vùng Vịnh về nhiều mặt. Những người ủng hộ Tổng thống Sisi ở vùng Vịnh có thể không hài lòng với cách ông ấy điều hành nền kinh tế và sự hỗ trợ tài chính của Qatar không có nghĩa là Doha đồng ý với Cairo về mọi thứ. Nhưng có lo ngại rằng nền kinh tế Ai Cập sụp đổ dẫn đến những hậu quả có thể gây bất ổn trên toàn bộ Trung Đông".
Giải vô địch bóng đá thế giới (World Cup) do Qatar đăng cai tổ chức đã tạo điều kiện cho các nhà lãnh đạo Trung Đông thể hiện sự thay đổi trong cách tiếp cận của họ đối với khu vực cho cả thế giới thấy. Trong suốt giải đấu, Thái tử Saudi Arabia Mohammed Bin Salman đã đeo một chiếc khăn có màu cờ Qatar. Quốc vương Qatar đã đáp lại bằng cách quấn một lá cờ Saudi Arabia trên vai.
"Lá cờ mang tính biểu tượng. Nó đã gửi một thông điệp tới công chúng trong khu vực và phương Tây. Nhưng thực tế còn sâu sắc hơn. Các cam kết bình thường hóa quan hệ là có thật”, một nhà ngoại giao vùng Vịnh lưu ý.
Cinzia Bianco, một thành viên tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu, cho rằng việc nối lại quan hệ hợp tác giữa Saudi Arabia và Qatar là "khá chân thực”, đồng thời nói thêm rằng điều này "được thúc đẩy bởi nhận thức chung rằng sự phối hợp địa chính trị là lợi ích cốt lõi của cả hai bên”.
Tổng thống Syria Bashar al-Assad (trái) và nhà lãnh đạo UAE Mohammed bin Zayed in Abu Dhabi ngày 18/3/2022. Ảnh: AFP
Tuy nhiên, các nhà phân tích cảnh báo rằng sự khác biệt sẽ vẫn tồn tại. "Saudi Arabia và UAE hoài nghi về Tổ chức Anh em Hồi giáo, nhưng Qatar vẫn ủng hộ họ", chuyên gia Katzman nêu quan điểm, cho rằng quá trình nối lại quan hệ của Qatar với UAE được cho là sẽ gặp nhiều khó khăn hơn so với quá trình hòa giải với Saudi Arabia, bất chấp chuyến thăm của Tổng thống UAE Mohammed bin Zayed tới Qatar vào đầu tháng 12 này.
Năm 2022, Qatar chủ yếu tập trung vào việc tổ chức World Cup, "nhưng họ sẽ dần trở nên tích cực hơn về mặt địa chính trị, sau khi hạ nhiệt trong suốt giải đấu để ngăn chặn bất kỳ sự bất ổn nào", chuyên gia Bianco cũng lưu ý.
Bên cạnh đó, Syria vẫn là một vấn đề gây tranh cãi giữa các cường quốc khu vực. Ông Erdogan đã không thành công trong việc hợp tác với Tổng thống Bashar al-Assad. Vào tháng 3, UAE đã chào đón nhà lãnh đạo Syria al-Assad trong chuyến thăm đầu tiên tới một quốc gia Arập kể từ khi cuộc nội chiến Syria nổ ra. Tuy nhiên, Qatar và Saudi Arabia vẫn do dự trong việc đưa Damascus trở lại với các nước Arập.
"Syria chỉ là một trong những sự chia rẽ mà khu vực phải đối mặt”, ông Katzman nói, cho rằng làn sóng xích lại gần nhau có thể được thử thách vào năm 2023 nếu có sự bùng phát ở các điểm nóng như dải Gaza hay lực lượng Hamas tiếp tục khiến các nước ở vùng Vịnh như UAE tức giận.
Ngoài ra, các quốc gia Vùng Vịnh cũng bị chia rẽ về cách quản lý mối quan hệ giữa Israel và Iran. Qatar, quốc gia có chung mỏ khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới với Iran, là nước đề xuất cam kết chặt chẽ hơn và đã tổ chức các cuộc đàm phán nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015 vào đầu năm nay, trong khi đó, UAE và Saudi Arabia phản đối thỏa thuận này.
Theo báo Tin tức
"Các nước Liên minh châu Âu (EU) đã thành công trong việc tìm kiếm một thỏa thuận quan trọng để bảo vệ người dân trước giá năng lượng tăng quá cao. Các bên sẽ thiết lập một cơ chế hiệu quả và thực tế, bao gồm các biện pháp bảo vệ cần thiết để giúp tránh khỏi những rủi ro với an ninh nguồn cung và sự ổn định của thị trường tài chính”.
Ngày 19/12, một phát ngôn viên của Cộng hòa Séc cho biết trên mạng xã hội Twitter rằng Bộ trưởng Năng lượng các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã thống nhất mức trần giá khí đốt là 180 euro/MWh (megawatt giờ), áp dụng từ giữa tháng 2 năm tới.
Ngày 19/12, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đã tái đắc cử vị trí Chủ tịch đảng Đại hội Dân tộc Phi (ANC) cầm quyền tại nước này trong cuộc đua tranh quyết liệt.
Ngày 18/12, tại tỉnh Kanagawa (Nhật Bản) đã diễn ra lễ kỷ niệm 50 năm ngày người dân tỉnh này chặn xe tăng mà quân đội Mỹ dự định đưa vào chiến trường miền Nam Việt Nam.
Các nhà đàm phán Liên minh châu Âu (EU) ngày 18/12 đã đạt được thỏa thuận về việc cải cách thị trường carbon của khối, vốn là công cụ chính sách chủ chốt của EU trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Ngày 16/12, Chính quyền thủ đô Santiago của Chile đã ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe tại khu vực Đại đô thị Santiago, nơi có hơn 7 triệu người sinh sống, do khói từ các đám cháy rừng tại khu vực trung tâm đất nước đã bao phủ gần như toàn bộ thành phố này.