IMF cho biết ngay cả khi tình trạng phân mảnh diễn ra ở mức độ hạn chế cũng có thể làm giảm 0,2% GDP toàn cầu, và tình trạng phân mảnh hiện nay có thể làm gia tăng áp lực đối với các quốc gia.


Biểu tượng IMF tại Washington, D.C. (Mỹ). (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tình trạng phân mảnh nghiêm trọng của nền kinh tế toàn cầu sau nhiều thập niên thúc đẩy hội nhập có thể làm giảm sản lượng kinh tế toàn cầu tới 7%, thậm chí 8-12% ở một số nền kinh tế. Đây là cảnh báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đưa ra trong báo cáo công bố ngày 15/1.

IMF cho biết ngay cả khi tình trạng phân mảnh diễn ra ở mức độ hạn chế cũng có thể làm giảm 0,2% GDP toàn cầu. Tuy nhiên, IMF lưu ý rằng cần thêm thời gian để đánh giá thiệt hại ước tính đối với hệ thống tiền tệ quốc tế và mạng lưới an toàn tài chính toàn cầu (GFSN).

Theo báo cáo trên, kinh tế thế giới đã chứng kiến dòng chảy hàng hóa và dòng vốn toàn cầu chậm lại sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009 và các biện pháp hạn chế thương mại gia tăng trong những năm tiếp theo.

Đại dịch Covid-19 và cuộc xung đột tại Ukraine là những "phép thử" tiếp theo đối với các mối quan hệ quốc tế, làm gia tăng sự hoài nghi về những lợi ích của toàn cầu hóa.

Các chuyên gia IMF cho rằng nỗ lực tăng cường hợp tác thương mại trong nhiều năm qua đã giúp giảm đáng kể tỷ lệ nghèo đói trên toàn cầu, đồng thời mang lại lợi ích cho người tiêu dùng có thu nhập thấp ở các nền kinh tế phát triển.

Do đó, nếu các liên kết thương mại bị suy yếu, các quốc gia có thu nhập thấp và người tiêu dùng ít khá giả hơn ở các quốc gia phát triển sẽ chịu tác động nặng nề nhất.

Cũng theo IMF, các biện pháp hạn chế đi lại xuyên biên giới sẽ khiến nhiều quốc gia mất đi một lực lượng lao động nước ngoài có tay nghề cao và làm giảm kiều hối.

Dòng vốn chậm lại sẽ làm giảm đầu tư trực tiếp nước ngoài, trong khi sự suy giảm hợp tác quốc tế sẽ gây ra rủi ro đối với việc cung cấp hàng hóa công cộng quan trọng trên toàn cầu.

Hàng hóa công cộng là loại hàng hóa mà tất cả mọi thành viên trong xã hội có thể cùng sử dụng, như các chương trình chăm sóc sức khỏe, giáo dục do chính phủ cung cấp...

IMF nhấn mạnh các nghiên cứu hiện nay cho thấy tình trạng phân mảnh kinh tế càng nghiêm trọng, mức thiệt hại càng lớn. Đáng chú ý, tình trạng tách rời trong lĩnh vực công nghệ có thể làm gia tăng đáng kể mức độ thiệt hại do ảnh hưởng của các biện pháp hạn chế thương mại.

IMF lưu ý rằng các nền kinh tế thị trường mới nổi và các quốc gia có thu nhập thấp có thể hứng chịu rủi ro cao nhất khi nền kinh tế toàn cầu ngày càng chuyển sang "khu vực hóa” và hệ thống thanh toán toàn cầu bị phân mảnh.

Tổ chức này nhấn mạnh tình trạng phân mảnh kinh tế toàn cầu - trong đó các nền kinh tế ít chia sẻ các rủi ro quốc tế hơn - có thể làm gia tăng nguy cơ xảy ra biến động kinh tế, mức độ nghiêm trọng của các cuộc khủng hoảng cũng như áp lực đối với các quốc gia.

Tình trạng này cũng có thể làm suy yếu khả năng của cộng đồng quốc tế trong việc hỗ trợ các quốc gia đang gặp khủng hoảng và làm phức tạp thêm việc giải quyết các cuộc khủng hoảng nợ công trong tương lai.


Theo Báo Nhân Dân

Các tin khác


Nga cáo buộc Thụy Điển "che giấu"cuộc điều tra vụ nổ Nord Stream

Nga đã chỉ trích Thụy Điển có 'điều gì đó che giấu' trong cuộc điều tra về vụ nổ Nord Stream.

Thượng nghị sĩ Mỹ phản đối đề xuất huấn luyện binh sĩ Ukraine tại Oklahoma

Ông Nathan Dahm, Thượng nghị sĩ bang bảo thủ Oklahoma của Mỹ, đang tìm cách ngăn cản kế hoạch huấn luyện khoảng 100 binh sĩ Ukraine tại Fort Sill của Lầu Năm Góc.

Nga không có kế hoạch áp dụng hạn chế sau khi phát hiện ca nhiễm XBB.1.5

Cục bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và sức khỏe con người LB Nga (Rospotrebnadzor) ngày 12/1 cho biết nước này không có kế hoạch áp đặt những hạn chế sau khi phát hiện ca đầu tiên nhiễm dòng phụ XBB.1.5 của biến thể Omicron, còn được gọi là Kraken, tại tỉnh Penza của Nga.

Kiểm soát thành phố Soledar sẽ là một chiến thắng chiến lược với Nga

Một số trận giao tranh ác liệt nhất trong cuộc xung đột Nga - Ukraine đã xảy ra ở Soledar. Thành phố này có tầm quan trọng chiến lược vì có mạng lưới đường hầm và mỏ muối khổng lồ.

Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine nêu bật tầm quan trọng của việc ngừng bắn

Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, ngày 11/1, Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết Bộ trưởng Quốc phòng nước này, ông Hulusi Akar đã điện đàm với người đồng cấp Ukraine Alexei Reznikov, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ngừng bắn ngay lập tức tại Ukraine.

Tổng thống Putin nêu các phương hướng và nhiệm vụ của Chính phủ Nga năm 2023

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nêu ra các phương hướng và nhiệm vụ chính của nước này trong năm 2023 khi chủ trì cuộc họp nội các ngày 11/1.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục