Các Bộ trưởng Nội vụ EU không đạt được sự đồng thuận về vấn đề di cư.
Theo trang tin Euronews.com ngày 28/9, sự bất đồng giữa Đức và Italy đã làm trì hoãn một thỏa thuận rất được mong đợi liên quan đến phần cuối cùng của cải cách di cư do EU đề xuất.
Một số nhà ngoại giao am hiểu về các cuộc đàm phán trong EU về vấn đề trên cho biết, bất đồng tập trung vào viện trợ nhân đạo và các dịch vụ tìm kiếm cứu nạn do các tàu của tổ chức phi chính phủ cung cấp ở Biển Địa Trung Hải.
Chính phủ Italy coi những con tàu này là "nhân tố lôi kéo” thu hút lượng lớn người xin tị nạn đến bờ biển châu Âu. Đức phản đối quan điểm này và nói rằng những chiếc thuyền như vậy là không thể thiếu trong việc cứu sống người di cư trên biển.
Cuộc tranh cãi khiến không thể củng cố đa số đủ điều kiện cần thiết để đạt được thỏa thuận tạm thời về cái gọi là "Quy định Khủng hoảng" vào cuối cuộc họp của các bộ trưởng nội vụ EU ở Brussels, mặc dù có nhiều tuyên bố cho thấy một kết quả tích cực. Quy định này đưa ra các quy tắc đặc biệt để quản lý chung dòng người di cư ồ ạt.
Tây Ban Nha, quốc gia hiện đang giữ chức Chủ tịch luân phiên Hội đồng EU, đã đưa ra một văn bản thỏa hiệp mới sau khi Đức báo hiệu rằng họ sẽ không còn ủng hộ quy định này như trước đây.
Nhưng cuộc tranh cãi bất ngờ với Italy về cách diễn đạt liên quan đến các tổ chức phi chính phủ đã làm tiêu tan hy vọng, khiến các bộ trưởng nội vụ EU không đưa ra thông báo nào.Cuộc họp của các Bộ trưởng Nội vụ EU tại Brussels diễn ra sau cuộc khủng hoảng di cư mới ở Lampedusa, Italy.
Fernando Grande-Marlaska, quyền Bộ trưởng Nội vụ Tây Ban Nha, cho biết sau cuộc họp: "Chúng tôi gần như đã về đích. Chỉ có chút khác biệt nhỏ. Tôi không muốn chỉ ra từng quốc gia riêng lẻ. Chúng tôi chỉ cần thêm một chút thời gian".
Bộ trưởng Grande-Marlaska cho biết các quốc gia thành viên EU đã đạt được những tiến bộ "quan trọng” và "đáng kể” trong vài ngày qua và một thỏa thuận sẽ thành hiện thực "trong những ngày tới”.
Về phần mình, Ủy viên Nội vụ châu Âu Ylva Johansson nói: "Không có trở ngại chính trị lớn nào. Chúng tôi sẽ đạt được thỏa thuận".
Cho đến ngày 28/9, 4 quốc gia đã phản đối Quy định khủng hoảng – Áo, CH Séc, Hungary và Ba Lan – trong khi 3 quốc gia khác được coi là bỏ phiếu trắng – Đức, Hà Lan và Slovakia.
Theo Quy định về khủng hoảng được đề xuất, các quốc gia thành viên sẽ được phép áp dụng các biện pháp cứng rắn hơn khi làn sóng người di cư đột ngột có nguy cơ áp đảo hệ thống tị nạn của EU.
Các chính phủ EU sẽ có thể giữ những người xin tị nạn ở biên giới trong thời gian dài hơn trong khi các yêu cầu bảo vệ quốc tế của họ đang được xem xét. Việc giam giữ những người nộp đơn bị từ chối cũng có thể được kéo dài hơn mức tối đa theo luật định là 12 tuần cho đến khi quá trình hồi hương hoàn tất.
Tuy nhiên, điều này đã bị chỉ trích bởi các tổ chức phi chính phủ vì họ cho rằng chúng có thể dẫn đến việc giam giữ trên quy mô lớn, làm suy giảm chất lượng của thủ tục tị nạn và làm tăng nguy cơ bị trục xuất.