Bỏ qua sự phản đối từ Trung Quốc, Chính phủ Mỹ vừa cho biết sẽ tiếp nhà sư Tây Tạng lưu vong Dalai Lama ngay trong tháng 2.

"Ông ấy sẽ tới đây trong tháng này". Phát ngôn viên Nhà Trắng Robert Gibbs đã nói như vậy vào hôm 4.2, sau khi các phóng viên hỏi đi hỏi lại khi nào thì Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ tiếp nhà sư được coi là lãnh tụ tinh thần của người Tây Tạng, theo AP.

Vậy là một vấn đề gây căng thẳng quan hệ Trung - Mỹ đã được quyết định. Chủ nhân Nhà Trắng sẽ tiếp nhà sư Dalai Lama, người mà theo cáo buộc của Bắc Kinh là đang hoạt động nhằm tách Tây Tạng ra khỏi Trung Quốc.

Dù rằng hầu hết các người tiền nhiệm của ông Obama đều từng tiếp Dalai Lama, nhưng lần này vấn đề trở nên nhạy cảm hơn, khi mà chỉ khoảng hai tháng nữa thôi thì Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào sẽ đến thăm chính thức Mỹ. Cuộc tiếp xúc Dalai Lama tại Nhà Trắng cũng thêm dầu vào lò lửa căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ mới bùng lên gần đây, liên quan tới một loạt vấn đề, từ cáo buộc phá hoại trên internet, Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan, đến các xung đột kinh tế, thương mại.

"Chúng tôi kêu gọi phía Mỹ hãy nhận rõ tính nhạy cảm cao của vấn đề Tây Tạng và xử lý các vấn đề liên quan một cách cẩn trọng và thích hợp để tránh làm tổn hại thêm cho mối quan hệ Trung - Mỹ", phát ngôn viên Mã Triều Húc của Bộ Ngoại giao Trung Quốc lên tiếng khi Washington vừa mới khẳng định sẽ tiếp Dalai Lama. Nhưng sự phản đối ấy không khiến Mỹ rút lại ý định của mình.

Theo kế hoạch, Dalai Lama sẽ đến thăm Washington trong các ngày 17 và 18.2, nên có thể cuộc gặp với Tổng thống Obama sẽ diễn ra trong dịp này.

Tất nhiên là ông Obama không phải "bỗng dưng" muốn chọc giận Trung Quốc bằng việc tiếp Dalai Lama. Cuộc tiếp xúc này cho thấy một chính sách quen thuộc lâu nay của Mỹ, một mặt thừa nhận Tây Tạng thuộc Trung Quốc, mặt khác tiếp xúc với nhà sư Tây Tạng, cũng tương tự như thừa nhận "một Trung Quốc" trong khi vẫn bán vũ khí cho Đài Loan. Bước đi này, về mặt ngoại giao, cho thấy Mỹ không hề nhượng bộ trước áp lực từ Trung Quốc. Đây cũng là hành động trả đũa một số quyết định của Trung Quốc, chẳng hạn như việc Bắc Kinh không ủng hộ gia tăng trừng phạt Iran.

Mặt khác, tiếp Dalai Lama cũng là quyết định mà ông Obama không thể tránh được vì những áp lực trong nước. Sự tín nhiệm dành cho đảng Dân chủ và chính bản thân Tổng thống Obama đang xuống tại Mỹ. Một sự lánh mặt đối với Dalai Lama sẽ khiến những người chỉ trích có thêm lý do để khẳng định rằng ông Obama đã quá coi trọng việc cải thiện quan hệ với Trung Quốc mà quên đi vấn đề vốn luôn được các Chính phủ Mỹ nhấn mạnh, đó là nhân quyền. Dù Washington coi Tây Tạng thuộc Trung Quốc, nhưng họ cũng không ngừng chỉ trích Bắc Kinh vi phạm nhân quyền ở Tây Tạng, điều mà phía bên kia luôn bác bỏ. Tiếp Dalai Lama và nêu lên vấn đề nhân quyền có thể giúp ông Obama làm dịu bớt các ý kiến chỉ trích.

Thế nên, tiếp Dalai Lama không chỉ là một động thái đối ngoại. Nó còn là bước đi đối nội trong một thời điểm rất nhạy cảm đối với ông Obama.

                                                                    Theo Báo Thanhnien

Các tin khác


Tổng thống Iran Raisi thiệt mạng trong vụ tai nạn trực thăng

Một quan chức Iran xác nhận Tổng thống Iran Ebrahim Raisi đã thiệt mạng sau khi chiếc trực thăng chở ông gặp nạn ở vùng núi gần biên giới Azerbaijan.

Cộng đồng quốc tế phản ứng về vụ trực thăng chở Tổng thống Iran gặp nạn

Ngày 20/5, thông tin từ nhà chức trách Iran cho biết một chiếc trực thăng chở Tổng thống Ebrahim Raisi và Ngoại trưởng Hossein Amirabdollahian bị rơi vào ngày 19/5 khi đang bay qua địa hình núi trong sương mù dày đặc khi vừa kết thúc chuyến thăm Azerbaijan.

Ít nhất 47 người thiệt mạng vì mưa lũ ở miền bắc Afghanistan

Ngày 19/5, thông tin từ giới chức Afghanistan cho biết, đã có ít nhất 47 người thiệt mạng vì mưa lớn và lũ lụt ở miền bắc Afghanistan trong những ngày qua.

IEA cảnh báo nguy cơ thiếu hụt khoáng sản

IEA đã đưa ra cảnh báo về nguy cơ thiếu hụt nguồn cung khoáng sản thiết yếu cho chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng xanh do đầu tư không đủ mạnh.

Các quốc gia Arab kêu gọi công nhận Nhà nước Palestine

Tại Hội nghị thượng đỉnh Liên đoàn Arab (AL) ở thủ đô Manama của Bahrain với sự tham dự của Tổng Thư ký AL Ahmed Aboul-Gheit và Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, lãnh đạo các quốc gia Arab kêu gọi cộng đồng quốc tế hành động để thiết lập nền độc lập của người Palestine.

Liên hợp quốc nâng dự báo triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2024

Ngày 16/5 (giờ New York), Liên hợp quốc (LHQ) đã công bố Báo cáo Tình hình và Triển vọng Kinh tế Thế giới, trong đó đưa ra đánh giá lạc quan thận trọng về triển vọng kinh tế toàn cầu trong năm 2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục