Đông Á sau hội nghị thượng đỉnh có một chút hứa hẹn và đôi chút tác động tập thể. Những nỗi niềm riêng vẫn cứ va chạm nhau là các tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư và biển Đông. Một cú va chạm thế lực như tại Hội nghị ARF tháng 7 đã không tái diễn.

Thủ tướng Ôn Gia Bảo (trái) bắt tay Thủ tướng Naoto Kan tại Hội nghị thượng đỉnh Đông Á Hà Nội ngày 29-10 - Ảnh: AFP

Một trong những cặp lãnh đạo được trông đợi gặp gỡ nhất chính là Ôn Gia Bảo và Naoto Kan, hai người đứng đầu chính phủ Trung - Nhật. Một trong những nhà lãnh đạo khác được một số người chờ đợi xem sẽ làm gì, phát biểu gì là Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton.

Chuyện thấy từ một bức ảnh

Cảnh hai ông Ôn và Kan chồm người qua phía trước mặt Quốc vương Brunei Bolkiah đang ngồi ở bàn tiệc để bắt tay nhau mà AFP chụp được trưa thứ sáu 29-10 là cảnh hiếm thấy trong thế giới ngoại giao: phàm thì chẳng ai chồm người trước các đấng quân vương như thế!

“Các đồng minh của Mỹ hiện đang rất bối rối không biết làm gì khi phải nhận ra thực tế là đối phó với các vấn đề liên quan đến quan hệ Mỹ - Trung giống như bưng chậu nước nóng, một trò chơi đầy bất trắc”

(Diễn đàn Nhân Dân nhật báo 31-10-2010)

Thế nhưng, cú bắt tay miễn cưỡng này không hơn gì cú bắt tay bốn tuần trước đó ở Brussels nhân hội nghị thượng đỉnh ASEM. Lần đó, sau cú bắt tay Ôn - Kan, tưởng như vụ tàu cá Trung Quốc húc tàu tuần tra Nhật sẽ êm xuôi, song thực tế sau đó lại không như thế, hai bên tiếp tục ăn miếng trả miếng.

Lần này cũng vậy, cú bắt tay ấy đã không dẫn đến một cuộc gặp thượng đỉnh Ôn - Kan như mong đợi. Hai ông đã nhất định không gặp riêng nhau. Thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc Hồ Chánh Dược tố giác Ngoại trưởng Nhật Maehara đã “làm hỏng không khí đàm phán bằng cách đưa ra những phát biểu bóp méo vấn đề chủ quyền trên đảo Senkaku” (AP ngày 30-10).

Cuối cùng thì hai ông Ôn và Kan cũng đã “bất chợt” gặp nhau đúng 10 phút trong sảnh đợi Hội nghị thượng đỉnh Đông Á! Thế nhưng, 10 phút đó chẳng cứu vãn được gì tình hình quan hệ Trung - Nhật khi hai bên đang khư khư bám chặt những lợi ích của mình ở quần đảo này, mỗi bên đều khăng khăng cho rằng mình có lý và duy nhất có lý, tức bên kia phải nhượng bộ cho bên này các “lợi ích cốt lõi” ấy. Và đây chính là điều bất khả!

“Nghiêm chỉnh thực thi tuyên bố ứng xử"

Muốn hay không muốn, ASEAN trong năm nay đã phát đi nhiều tín hiệu trông mong một biển Đông yên ổn hơn. Tại hội nghị các ngoại trưởng ASEAN Hà Nội tháng 7 năm nay, ASEAN từng đưa ra một tuyên bố chung mong mỏi sớm cùng Trung Quốc biến Tuyên bố về ứng xử trên biển Đông, vốn chỉ là một “lời hứa” do không mang tính bắt buộc, thành một điều gì đó chính thức mang tính thực thi.

Hai ngày trước cuộc gặp ASEAN - Trung Quốc, Philippines và Việt Nam đã thỏa thuận thực thi “làm mẫu” tuyên bố đó, theo The Manila Bulletin, như một thúc giục Trung Quốc sớm đáp ứng ngay tại Hội nghị thượng đỉnh Đông Á này.

Thế là hôm thứ sáu 29-10, sau cuộc gặp thượng đỉnh ASEAN - Trung Quốc tại Hà Nội, Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã phát biểu: “Như trước kia, chúng tôi sẽ cùng làm việc với các nước khác nghiêm chỉnh thực thi Tuyên bố về ứng xử ở Nam Hải, tăng cường tin cậy lẫn nhau và hợp tác hữu nghị. Chúng tôi sẽ phối hợp làm việc nhằm hướng đến việc duy trì hòa bình và ổn định ở Nam Hải, và nhằm giải quyết song phương tranh chấp một cách thích hợp” (AFP 30-10-2010).

Phát biểu này của Thủ tướng Ôn Gia Bảo rất ý nghĩa vì:

1. Tám năm trước, Trung Quốc chỉ cử một thứ trưởng ngoại giao đến Hội nghị thượng đỉnh ASEAN Phnom Penh tháng 12-2002 để ký tên với 10 bộ trưởng ASEAN vào Tuyên bố về ứng xử trên biển Đông. Nay đích thân nhà lãnh đạo cao cấp nhất khẳng định “sẽ nghiêm chỉnh thực thi tuyên bố” quả là một tuyên bố nặng nghìn cân!

2. Cụm từ “như trước kia” dùng để bổ nghĩa cho hứa hẹn “sẽ cùng các nước khác nghiêm chỉnh thực thi tuyên bố...” hàm ngụ rằng đã có lúc tuyên bố này không được thực thi nghiêm chỉnh lắm, nay sẽ thực thi lại nghiêm chỉnh.

3. Nếu hiểu đúng tuyên bố của Thủ tướng Ôn Gia Bảo và Tuyên bố về ứng xử trên biển Đông, tái cam kết này có nghĩa là: sẽ không có nữa những động thái vũ lực hay đe dọa trên biển Đông; sẽ không còn nữa điều mà ASEAN đang lo ngại là tàu tuần tra, quân sự của Trung Quốc ngày càng lúc nhúc ở đấy; sẽ không có máu đổ hay bắt bớ ngư dân như từng thấy...

Tuyên bố trên được đưa ra chỉ ba ngày sau khi chiếc tàu tuần tra thế hệ mới đầu tiên trong một loạt gồm 36 chiếc vừa hạ thủy tham gia hải đội ngư chính trên biển Đông (ANI 28-10-2010)! Chưa rõ sau này 35 chiếc còn lại có được ngưng tung vào biển Đông hay không để thực thi nghiêm chỉnh tuyên bố trên?

“Song phương là song phương"!

Tuy nhiên, trong phát biểu này Thủ tướng Ôn Gia Bảo vẫn khăng khăng “chỉ giải quyết các tranh chấp một cách song phương” như là điều kiện tiên quyết. Biển Đông sẽ như thế nào sau tuyên bố này?

Thật ra, vấn đề biển Đông gồm hai vấn đề hoàn toàn tách biệt: đó là quyền tự do hàng hải trên vùng biển này và chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cùng các lợi ích kèm theo mà một số nước đang tranh chấp, trong đó có Brunei, Malaysia, Philippines, Trung Quốc (cộng Đài Loan) và Việt Nam. Từ đó có thể thấy rõ rằng:

1. Vạch ra một hành lang hàng hải quốc tế trên biển Đông (cho tàu bè các nước đi qua) là một việc hoàn toàn riêng rẽ với việc giải quyết tranh chấp với các nước Đông Nam Á về chủ quyền đối với các quần đảo trên biển Đông.

2. Khi ra điều kiện “song phương mà thôi”, có nghĩa là mỗi nước bị/được “bắt cặp với Trung Quốc” sẽ phải đối diện với điều mà từ một năm nay được chính thức gọi là “lợi ích cốt lõi”, “chủ quyền bất khả tranh cãi của Trung Quốc”, cụ thể hóa bằng cái gọi là “đường lưỡi bò” chiếm 80% diện tích biển Đông mà Trung Quốc tự nhận là của mình! Giải quyết như thế là chấm dứt mọi tranh luận về lịch sử, về pháp lý, là đứng ngoài mọi khuôn khổ luật pháp quốc tế.

3. Một khi đã “giải quyết” xong từng “cặp đôi”, Trung Quốc sẽ đương nhiên làm chủ cả “đường lưỡi bò” đó. Việc cấp phát cho thế giới, kể cả hạm đội 7 của Mỹ, một hành lang hàng hải nhất định nào đó là một việc không khó.

Bà Clinton đi đâu sau hội nghị?

Tất cả những điều trên (thế nào là “đường lưỡi bò”, là “lợi ích cốt lõi”...), Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton hoàn toàn có thể cảm nhận được từ đảo Hải Nam tối thứ bảy tuần rồi, ngay sau khi rời Hội nghị thượng đỉnh Đông Á Hà Nội để sang đàm phán với cố vấn nhà nước Trung Quốc Đới Bỉnh Quốc! Từ trên máy bay, bà Clinton có thể chiêm ngưỡng sự vĩ đại của căn cứ tàu ngầm hạt nhân “bí mật” Sanya, thuộc hạm đội Nam Hải!

Tân Hoa xã tường thuật chuyến đi này của bà Clinton như sau: “Ông Đới và bà Clinton đã có đánh giá tích cực về quan hệ Trung - Mỹ gần đây và nhấn mạnh hai bên sẽ tiếp tục thực thi nghiêm chỉnh thỏa thuận của lãnh đạo hai nước. Hai vị cũng cam kết tăng cường đối thoại, tin cậy lẫn nhau và hợp tác, giải quyết hợp lý các khác biệt cùng các vấn đề nhạy cảm, cùng chung nỗ lực góp phần vào mối quan hệ tích cực, hợp tác và toàn diện”.

Tân Hoa xã ngày 31-10 cũng cho biết hai bên sẽ tiếp xúc chặt chẽ, tạo không khí thuận lợi và đảm bảo thành công cho chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào vào đầu năm tới.

Sau những trục trặc vào tháng 7, chưa bao giờ quan hệ Mỹ - Trung lại nồng ấm như lúc này. Bộ trưởng ngân khố Timothy Geithner mới trước đó ít hôm cũng đã ghé Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, đàm phán với Phó thủ tướng Vương Kỳ Sơn về chuyện tiền bạc, tỉ giá, nợ nần đôi bên.

                                                                       Theo Báo Tuoitre

Các tin khác

Không có hình ảnh
Không có hình ảnh
Không có hình ảnh

"Mỹ sẽ tăng cường sự hiện diện quân sự khắp châu Á"

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates hôm qua tuyên bố quân đội Mỹ dự định tăng cường sự hiện diện trên khắp châu Á, nhưng không hề dự định đặt thêm căn cứ Mỹ trong khu vực.

Nhật Bản: Sự cố an ninh trước thềm APEC

Truyền thông Nhật Bản ngày 4-11 đưa tin, đến nay đã có 114 tài liệu bí mật liên quan đến hoạt động phòng chống khủng bố quốc tế do Nhật Bản quản lý bị phát tán lên mạng Internet trong gần 1 tháng qua thông qua máy chủ đặt tại Luxembourg.

Nga rút lại đề nghị phê chuẩn START 3 với Mỹ

Chủ tịch Uỷ ban Đối ngoại Hạ viện Nga Konstantin Kosachev ngày 3.11 cho biết, uỷ ban này quyết định rút lại đề nghị phê chuẩn Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (START 3) với Mỹ sau những kết quả cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ ở Mỹ.

MỸ - MEXICO Thêm đường hầm ma túy bị phát hiện

Đường hầm xuyên biên giới này dài 500 m; phía Mỹ tịch thu hơn 20 tấn cần sa, bắt giữ 2 người tình nghi

Nhóm quan hệ với PKK nhận đã đánh bom Istanbul

Ngày 4/11, một nhóm có quan hệ với tổ chức Đảng Công nhân người Kurd (PKK) ở Thổ Nhĩ Kỳ đã nhận trách nhiệm gây ra vụ đánh bom liều chết hồi cuối tuần trước ở thành phố Istanbul của nước này khiến 32 người bị thương.

Biểu tình, bãi công ở Ai-len và Anh phản đối chính sách tài chính khắc khổ

Theo AP, ngày 3-11, khoảng 25 nghìn sinh viên Ai-len biểu tình tại Thủ đô Ðu-blin phản đối kế hoạch của chính phủ cắt giảm kinh phí giáo dục. Ðụng độ đã xảy ra khi cảnh sát tìm cách ngăn các sinh viên ném gạch đá và trứng vào tòa nhà trụ sở Bộ Tài chính, làm một số người bị thương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục