Quân nổi dậy tại Libya chạy trốn cuộc không kích của quân chính phủ gần cảng dầu Ras Lanuf.
Anh và Pháp đang soạn thảo một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về đặt Libya vào vùng cấm bay và đề xuất này sẽ được các bộ trưởng quốc phòng NATO tranh luận vào ngày mai.
Ngoài các nước phương Tây đẩy nhanh nỗ lực áp dụng lệnh cấm bay trên toàn Libya, Tổ chức Hội nghị Hồi giáo (OIC) đại diện cho các nước đạo Hồi cũng gia nhập nhóm lên tiếng kêu gọi thực hiện quy định này. Các nước Hồi giáo vùng Vịnh hậu thuẫn cho vùng cấm bay và lên án chính phủ Libya dùng vũ lực chống thường dân.
Trong khi đó, Liên đoàn Ảrập cho biết các ngoại trưởng của khối sẽ gặp nhau vào thứ bảy này tại Cairo để bàn thảo về cuộc khủng hoảng Libya.
Vùng cấm bay sẽ cấm toàn bộ các máy bay quân sự của chính phủ Libya hoạt động trên không phận nước này. Bất cứ chiếc máy bay nào vi phạm vùng cấm bay sẽ có nguy cơ bị lực lượng không quân quốc tế bắn hạ. Phương Tây giải thích cho ý tưởng can thiệp quân sự vào Libya này là nhằm ngăn chính quyền Gadhafi sử dụng không quân chống người nổi dậy.
Anh là nước sốt sắng nhất trong việc thiết lập vùng cấm bay tại Libya, nhưng Ngoại trưởng William Hague hôm qua cho rằng, để thực hiện việc này cần sự ủng hộ rộng rãi về mặt quốc tế và pháp lý. Trước đây vùng cấm bay từng được áp dụng tại miền bắc và miền nam Iraq sau cuộc chiến vùng Vịnh lần thứ nhất năm 1991 và tại Bosnia trong cuộc chiến trên bán đảo Balkans giai đoạn 1994-1995.
Libya hiện bị chia làm hai nửa với phần phía đông thuộc phe nổi dậy, tập trung lực lượng tại thành phố Benghazi, còn phần phía tây với thủ đô Tripoli do quân chính phủ Gadhafi kiểm soát.
Để củng cố các vùng đất nắm giữ và tấn công những vị trí của quân nổi dậy, phe thân Gadhafi hôm qua mở cuộc tấn công dữ dội vào thành phố Zawiya, cách Tripoli 50 km. Các nguồn tin cho biết có khoảng 50 chiếc xe tăng và 120 xe bán tải gắn súng được huy động thực hiện 3 đợt tấn công vào Zawiya.
BBC dẫn lời các nhân chứng tại Zawiya khẳng định có thương vong trong cuộc giao tranh tại đây và họ mô tả quân chính phủ đã biến thành phố thành đống tro tàn. Tại một số khu vực khác, quân của chính quyền Gadhafi còn huy động máy bay không kích bằng tên lửa các khu vực của phe nổi dậy tại cảng dầu Ras Lanuf.
Cuộc nổi dậy tại Libya đòi đại tá Muammar Gadhafi từ chức diễn ra sau các hoạt động tương tự tại Tunisia và Ai Cập. Liên Hợp Quốc ước tính trong 3 tuần qua có hơn 1.000 người thiệt mạng và 200.000 người di tản khỏi Libya vì bạo loạn.
Trong khi đó, hôm qua xuất hiện thông tin đại tá Gadhafi đang tìm cách ra đi trong danh dự và được đảm bảo các lợi ích. Nhưng phe nổi dậy tuyên bố họ đã khước từ sự tiếp cận của giới chức đến đề nghị đàm phán về điều kiện để ông Gadhafi rời quyền lực sau hơn 40 năm nắm giữ.
Theo VnExpress
Chính quyền thành phố Trùng Khánh, Trung Quốc sẽ chi 17 tỉ nhân dân tệ (2,6 tỉ USD) để xây dựng một hệ thống an ninh kỹ thuật số với gần 500.000 camera.
Thủ tướng Ai Cập, ông Essam Sharaf hôm 6.3 đã công bố nội các mới, có nhiệm vụ lãnh đạo Ai Cập tiến tới một cuộc bầu cử tự do sau khi Tổng thống Hosni Mubarak bị phế truất.
Trong buổi họp báo bên lề kỳ họp lần thứ tư Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc ngày 7.3, Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì có nhiều đánh giá lạc quan về quan hệ Trung - Mỹ.
Trong khi các cuộc không kích và đánh trả giữa quân chính phủ và quân nổi dậy vẫn còn tiếp diễn ở nhiều thành phố tại Libya, Liên Hiệp Quốc và Mỹ đang gia tăng sức ép với ông Gaddafi về vấn đề nhân đạo và quân sự.
Mới đây, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định cử gần 300 binh sỹ cùng các tàu vận tải và máy bay trực thăng của Lực lượng Phòng vệ (SDF) nước này để tham gia cuộc diễn tập tìm kiếm, cứu nạn quốc tế, dự kiến sẽ diễn ra ở Indonesia từ ngày 15/3, với sự tham gia của hơn 20 quốc gia.
Triều Tiên tuần trước đã dùng một thiết bị phá sóng để gây nhiễu liên lạc của quân đội Hàn Quốc, báo chí Hàn Quốc cáo buộc giữa bối cảnh hai miền liên Triều đang căng thẳng sau cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn.