Quan hệ Mỹ - Trung - Đông Nam Á và tình hình tại Biển Đông sẽ là những vấn đề nổi bật tại Diễn đàn Shangri-la lần thứ 10 vừa khai mạc tại Singapore. Hôm qua, mọi chú ý đều dồn vào cuộc gặp giữa Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam-Trung Quốc và Trung Quốc-Mỹ.
Biển Đông “là vấn đề phức tạp”
Trong bài diễn văn khai mạc diễn đàn tối qua, Thủ tướng Malaysia Dato’ Sri Mohd Najib Tun Abdul Razak đã đề cập tới tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, gọi đây là vấn đề “vô cùng phức tạp”. Ông nói: “Các bên liên quan nhìn chung đã rất kiềm chế. Các bên cần tìm giải pháp hòa bình và không để bất đồng leo thang”.
Thủ tướng Malaysia cũng bày tỏ hy vọng như mọi lần rằng Trung Quốc và ASEAN sẽ tiến tới một cơ chế pháp lý chặt chẽ hơn cho tranh chấp Biển Đông.
Được bắt đầu từ năm 2002 và tổ chức hàng năm, Đối thoại Shangri-La do Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (International Institute for Strategic Studies -IISS), trụ sở chính tại London, chủ trì.
Đối thoại Shangri-La tuy là sự kiện không chính thống nhưng có tầm quan trọng lớn vì là cơ hội hiếm có cho các bộ trưởng quốc phòng các quốc gia trong khu vực gặp gỡ và trao đổi ý kiến; và các phát biểu tại diễn đàn luôn được trích dẫn rộng rãi như quan điểm của các nước.
Bộ trưởng Quốc phòng, Đại tướng Phùng Quang Thanh dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham gia cuộc họp kéo dài ba ngày từ 3 - 5/6 lần này. Chuyến đi diễn ra trong bối cảnh dư luận trong nước vô cùng bức xúc trước các vụ gây hấn mới của Trung Quốc trong các vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Theo dư luận quốc tế, việc Việt Nam lên tiếng mạnh mẽ phản đối vụ tàu hải giám Trung Quốc gây hấn tàu khảo sát địa chấn của Tập đoàn Dầu khí PetroVietnam cũng như uy hiếp tàu cá của Việt Nam cho thấy Việt Nam đã không thể im lặng trước các hành động ngày càng hung hăng của Trung Quốc.
“Việt Nam đã tận dụng được cơ hội để cất tiếng nói của mình”
Diễn đàn an ninh khu vực mang tên Đối thoại Shangri-La lần thứ 10 vừa khai mạc tại Singapore, với sự tham dự của đại diện quốc phòng 35 nước châu Á-Thái Bình Dương.
Bộ trưởng Phùng Quang Thanh chúc mừng ông Lương Quang Liệt lần đầu tiên dự Đối thoại Shangri-La. Ông đánh giá quan hệ Việt - Trung đang phát triển tốt đẹp. Tuy nhiên, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh nhấn mạnh trong quan hệ giữa hai nước còn tồn tại vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.
Đại tướng Phùng Quang Thanh nêu rõ sự việc tàu thăm dò địa chấn Bình Minh 02 ngày 26/5 đã bị tàu Hải giám của Trung Quốc cắt cáp khi tàu Bình Minh 02 đang hoạt động sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam “đang gây bức xúc trong dư luận nhân dân và khiến lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam lo ngại”.
Bộ trưởng Phùng Quang Thanh đề nghị các cơ quan cấp dưới của hai bên chấp hành nghiêm chỉnh những cam kết của lãnh đạo hai nước; hai bên cần tích cực hợp tác, hết sức kiềm chế để không xảy ra những vụ việc tương tự, điều sẽ ảnh hưởng đến quan hệ song phương và hình ảnh của Trung Quốc trong khu vực.
Bộ trưởng Phùng Quang Thanh sẽ có bài phát biểu tại phiên họp toàn thể về chủ đề “Đối phó với những thách thức an ninh biển mới”. Ông cho biết bài phát biểu sẽ đề cập đến sự việc tàu Bình Minh 02 một cách khách quan để khu vực và thế giới hiểu đúng.
Về phần mình, ông Lương Quang Liệt nhất trí với đánh giá của Bộ trưởng Phùng Quang Thanh về quan hệ Việt - Trung đang phát triển tốt đẹp và cũng cho rằng vấn đề còn tồn tại giữa hai nước là tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Ông cho biết quan điểm của Trung Quốc về vấn đề tranh chấp ở Biển Đông là giải quyết thông qua đàm phán ngoại giao; Trung Quốc “cam kết duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông và thực thi đầy đủ DOC”.
Thượng tướng Lương Quang Liệt nhất trí với ý kiến của Đại tướng Phùng Quang Thanh về việc hai bên phải tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982 và các văn kiện khác. “Quân đội hai nước cần hợp tác chặt chẽ hơn nữa. Chúng tôi không mong muốn sự việc tương tự xảy ra trong tương lai”, ông Lương Quang Liệt khẳng định.
Vẫn theo BBC, lần đầu tiên, Việt Nam cũng sẽ tổ chức họp báo vào sáng 5/6 “để Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh giải thích thêm với giới quan tâm về các điểm trong bài phát biểu của Bộ trưởng Phùng Quang Thanh với chủ đề 'Phản hồi trước các Đe dọa An ninh Hàng hải mới'”. Dư luận nhận xét đây là bằng chứng cho thấy Việt Nam đã tận dụng được cơ hội để cất tiếng nói của mình.
Mỹ-Trung và quan hệ với Đông Nam Á
Đoàn Trung Quốc cũng đã có tiếp xúc với đoàn Mỹ ngay chiều hôm qua. Trái với không khí căng thẳng vào cuộc họp năm ngoái, năm nay, bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates nhấn mạnh đến chiều hướng cải thiện trong quan hệ Mỹ-Trung, đặc biệt trong lĩnh vực quốc phòng.
Một phần trong chiến lược Đông Nam Á mới của Mỹ sẽ được ông Gates công bố trong bài tham luận đọc tại cuộc Đối thoại Shangri-La, nhưng trước mắt, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã phác họa những nét chính như tăng cường quan hệ quân sự cũng như quan hệ toàn diện với các nước như Singapore, Indonesia, Việt Nam, Philippines, Malaysia, Australia, cũng như với các đồng minh truyền thống là Thái Lan, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Chính quyền Obama đang chuyển hướng chiến lược châu Á, chú ý nhiều hơn đến khu vực Đông Nam Á, sau khi thấy rằng vùng này càng lớn càng trở nên quan trọng về mặt quân sự, ngoại giao và thương mại. Trung Quốc đã tìm cách tăng cường ảnh hưởng trong khu vực trong những năm gần đây, nhưng thái độ của Bắc Kinh đã khiến cho nhiều nước trong vùng quan ngại.
Trước cuộc gặp với người đồng cấp Trung Quốc, ông Gates đã gặp Bộ trưởng quốc phòng Nhật Bản và Thủ tướng Malaysia. Ông Gates cũng đã hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng, người đã cùng ông Gates lên tiếng ủng hộ sự cam kết của Washington ở châu Á và sự hợp tác của Mỹ trong việc giải quyết các mối đe dọa an ninh xuyên quốc gia cũng như tăng cường an ninh trong khu vực.
Theo Dantri
Tường chắn sóng bảo vệ nhà máy Fukushima chỉ cao có 6 mét. Trong khi đó, chiều cao của trận sóng thần ập tới hồi tháng 3 cao tới 14 mét. IAEA cho rằng, chủ quan và xem nhẹ mức nguy hiểm của sóng thần là sai lầm chính của Nhật Bản khiến sự cố rò rỉ hạt nhân xảy ra.
Các quan chức quốc phòng và ngoại giao hàng đầu của Mỹ khẳng định nước này muốn thiết lập sự hiện diện vững chắc và lâu dài tại châu Á.
Ca tử vong đầu tiên do nhiễm khuẩn E.Coli đã xuất hiện bên ngoài nước Đức, trong khi Berlin thừa nhận dưa chuột Tây Ban Nha không phải là nguồn châm ngòi cho dịch bệnh đang lây lan khắp châu Âu này.
Thực tế cho thấy sức mạnh toàn khối của ASEAN là điều khiến Trung Quốc phải dè chừng khi giải quyết các tranh chấp trên biển Đông.
Kênh truyền hình Al-Jazeera ngày 31/5 dẫn lời người phát ngôn viên Chính phủ Libya, ông Moussa Ibrahim, cho biết các cuộc không kích của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nhằm vào nước này đã làm 718 dân thường thiệt mạng và 4.067 người bị thương.
Bão Songda đã suy yếu tại vùng tây nam Nhật Bản nhưng gió mạnh và mưa lớn vẫn tiếp tục đổ bộ vào vùng đông bắc Nhật Bản từ chiều 30-5. Truyền hình ABC và báo Japan Times tường thuật mưa như trút từ 120-160mm đổ xuống nhiều thành phố biến đường sá thành sông, gây ách tắc giao thông.