Người dân London biểu tình hôm 13-8 để ủng hộ đối tượng thanh niên gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống - Ảnh: Reuters
Thủ tướng Anh David Cameron cam kết sẽ “hàn gắn xã hội đã rạn vỡ” để ngăn chặn tình trạng bạo động tái diễn. Tuy nhiên, các chuyên gia xã hội cho rằng chính phủ vẫn còn né tránh vấn đề bản chất của nước mình.
Phát biểu ngày 15-8, Thủ tướng Cameron khẳng định các cuộc bạo động vừa qua tại Anh là “hồi chuông cảnh tỉnh” đối với đất nước. “Câu hỏi đặt ra là chúng ta có đủ quyết tâm để đối mặt với sự sụp đổ về đạo đức đã xảy ra ở nhiều nơi trên đất nước trong vài thế hệ qua?” - ông Cameron đặt câu hỏi. Người đứng đầu chính phủ Anh tiếp tục nhấn mạnh nguyên nhân của bạo động là “sự thiếu trách nhiệm, tính ích kỷ, những đứa trẻ không cha, trường lớp không có kỷ luật, quyền lợi mà không có trách nhiệm, phần thưởng mà không có nỗ lực”.
Thế nhưng, như báo The Guardian cho biết, nhiều chính trị gia và chuyên gia xã hội lại cho rằng Thủ tướng Cameron đang đưa ra một cái nhìn giản đơn khi cho rằng đây chỉ là vấn đề thuộc phạm vi văn hóa. Báo Time dẫn lời một chuyên gia nhấn mạnh trên thực tế bạo động không bùng phát đột ngột tại Anh mà đã có những dấu hiệu báo bão.
Tháng 11-2010, hàng trăm ngàn sinh viên đã đổ ra đường phố phản đối việc chính quyền cắt giảm chi tiêu cho giáo dục và cuộc biểu tình đã biến thành một cuộc đụng độ dữ dội với cảnh sát. Tháng 3-2011, 500.000 người Anh cũng đã biểu tình ở London để phản đối việc chính phủ cắt giảm chi tiêu giáo dục, y tế, dịch vụ công cộng, một số nhóm đã quậy phá và đụng độ với cảnh sát.
Các chuyên gia nhận định những cuộc biểu tình hòa bình và những vụ cướp phá không có nhiều điểm chung, nhưng có lẽ đều là triệu chứng của một sự rối loạn xã hội. Tại các nước phương Tây, các chính sách kinh tế tự do đã chuyển phần lớn tài sản của xã hội vào tay một nhóm nhỏ đặc quyền đặc lợi, trong khi tầng lớp trung lưu ngày càng gặp nhiều khó khăn.
Ở Anh, cứ năm thanh niên thì có một người thất nghiệp và hầu như không có cơ hội kiếm việc làm trong tương lai gần. Những người biểu tình đổ ra đường phố vì cho rằng kể cả hệ thống chính trị dân chủ cũng không đáp ứng được nguyện vọng của họ mà chỉ tạo ra các chính quyền phục vụ lợi ích của những nhóm đặc quyền đặc lợi.
Người biểu tình cũng cho rằng chính các ngân hàng phương Tây mới là những kẻ cướp phá khi đòi cứu trợ để cứu họ khỏi những hậu quả do chính sai lầm mà họ gây ra để rồi ung dung hưởng lợi, trong khi người dân lại phải è cổ dưới gánh nặng thắt lưng buộc bụng. Và sự thật là hàng triệu người châu Âu, dù phản kháng bằng các cuộc biểu tình hòa bình hay gây bạo loạn, cũng đều nhận ra rằng tuân thủ luật chơi của thể chế chính trị - kinh tế - xã hội hiện tại không đem lại cho họ một tương lai tốt đẹp.
Không chỉ ở Anh, các cuộc biểu tình, bạo loạn ở nhiều quy mô khác nhau đã xảy ra trên đường phố Madrid và Barcelona (Tây Ban Nha), Rome (Ý), Lisbon (Bồ Đào Nha), Athens (Hi Lạp) và Tel Aviv (Israel).
Dẫn nhận định của các chuyên gia, báo Der Spiegel của Đức cho rằng đúng là các vụ bạo động, cướp phá hiện tại là chuyện riêng của nước Anh, song khoảng cách giàu nghèo đang ngày càng gia tăng và là chuyện chung ở khắp châu Âu. Các chương trình thắt lưng buộc bụng càng khiến cuộc sống của tầng lớp trung lưu và lao động gặp nhiều khó khăn. Và gần như mọi thành phố ở châu Âu đều có ít nhất một khu dân cư nghèo, nơi có rất ít cơ hội dành cho tầng lớp thanh niên. Do vậy, bạo động có thể lan sang các nước châu Âu khác.
“Cuộc nổi dậy của những kẻ thất bại” như nhận định của báo Đức Frankfurter Allgemeine Zeitung hoàn toàn có thể vượt qua biên giới nước Anh. Rất nhiều nước Liên minh châu Âu (EU) đang lo ngại sự hình thành và phát triển của “yếu tố Anh” tại nước mình. “Châu lục có thể sẽ phải đối mặt với một mùa thu bùng nổ, một cuộc khủng hoảng của nền dân chủ châu Âu” - báo Der Spiegel cảnh báo.
Theo TuoiTre
Thông tin từ Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao cho biết, ngày 30/05/2011, 7 tàu cá của tỉnh Bình Thuận và 122 ngư dân đã bị Hải quân Philippines bắt giữ tại vị trí cách bờ biển Tamburok, Balabac, tỉnh Palawan của Philippines khoảng 2 hải lý (3,6 km).
Trước giờ khai mạc giải bóng đá Ngoại hạng Anh mùa giải 2011-2012, hình kỹ thuật số VTC đã công bố lịch phát sóng trực tiếp. Bên cạnh hệ thống VTC HD, lịch truyền hình còn được triển khai trên kênh VTC3 để phục vụ nhu cầu của đông đảo người hâm mộ.
Pháp, Italia, Tây Ban Nha và Bỉ vừa ra lệnh cấm các nhà đầu tư bán khống cổ phiếu của một số ngân hàng và công ty tài chính sau khi thị trường chứng khoán Châu Âu giảm điểm quá sâu vài ngày gần đây.
Theo Kênh truyền hình MBC của Hàn Quốc ngày 12/8, phân tích của các ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy Triều Tiên đã xây dựng bốn cơ sở lắp ráp mới tại khu liên hợp sản xuất tên lửa ở tỉnh Pyeongannam.
Mỹ sẽ gửi một trong những sĩ quan quân đội cao cấp nhất cùng một đội tàu sân bay hạt nhân đến Philippines vào tháng này để kỷ niệm 60 năm hiệp ước quốc phòng Mỹ-Phi, động thái cũng nhằm khẳng định thêm mối quan tâm của Mỹ đối với nền quốc phòng Philippines.
Quốc phòng Nhật Bản đã lên tiếng yêu cầu Trung Quốc giải thích lý do quân đội Trung Quốc cần đến tàu sân bay. Cùng ngày, báo chí nước này dẫn lại báo chí Hồng Kông cho rằng tàu sân bay Trung Quốc có khả năng được đặt tại đảo Hải Nam.