Ngay tại châu Âu văn minh của thế kỷ XXI, tình trạng đối xử với người lao động như nô lệ vẫn ngang nhiên tồn tại. Mới đây, cảnh sát Anh vừa tiến hành một chiến dịch giải cứu 24 công dân bị một nhóm người giam giữ bất hợp pháp và buộc phải lao động như nô lệ tại Hạt Bedfordshire (miền Đông nước Anh).

 

Chiến dịch "giải cứu nô lệ" được tiến hành lúc 5 giờ 30 phút sáng 12-9 với sự tham gia của 200 cảnh sát Anh cùng chó nghiệp vụ. 24 người đã được giải cứu, phần lớn là người Anh và người Đông Âu. Cảnh sát đã bắt giữ 5 nghi phạm, trong đó có một phụ nữ, liên quan tới vụ việc này.

Cảnh sát Anh cho biết, ngay khi ập vào khu nhà tồi tàn tại Leighton Buzzard, họ rất bất ngờ khi chứng kiến cảnh nhiều nô lệ sống chui rúc trong những căn nhà bẩn thỉu và tù túng. Một số người không đứng dậy được vì kiệt sức. Cảnh sát trưởng khu vực Bedfordshire, ông Sean O'Neil, cho biết: "Sống trong tình trạng không điện, không nước, những nô lệ đầu tóc bù xù, quần áo bẩn thỉu phải làm việc cực khổ nhưng lại không được ăn uống đầy đủ". Theo ông Sean O'Neil, trong số những nô lệ được giải cứu, có một trẻ em vị thành niên, nhiều nô lệ đã bị giam giữ ở đây tới 15 năm. Hiện tất cả những người này đã được chuyển đến bệnh viện để chăm sóc.

Theo các tổ chức nhân quyền Anh, những tên tội phạm thường đến các nhà ăn từ thiện để dụ dỗ những người nghèo, vô gia cư với lời hứa mang tới cho họ việc làm và nơi ăn ở tử tế. Sau khi lừa họ tới Leighton Buzzard, bọn chúng đã dùng vũ lực hăm dọa các nạn nhân và cưỡng ép họ phải lao động vất vả. Các nạn nhân bị tịch thu hành lý, bị cạo đầu và ép làm việc đồng áng, đắp đường... ít nhất 12 giờ/ngày. Phải lao động nặng nhọc nhưng hằng ngày họ ăn uống rất thiếu thốn và hoàn toàn không nhận được thù lao. Ngoài ra, những "nô lệ thời hiện đại" này phải ở trong các khoang xe cũ, thậm chí là cả chuồng ngựa. Nhờ có một số người trốn thoát cung cấp tin tức cho nhà chức trách nên đường dây sử dụng lao động trái phép trên đã bị triệt phá.

Ngày 13-9, những nghi phạm trong vụ cưỡng bức nô lệ đã phải ra trước tòa án Luton ở Bedfordshire. Đó là ba anh em trai nhà Connors, gồm Tommy (26 tuổi), James (23 tuổi) và Patrick Connors (19 tuổi) cùng người anh rể là James Conner, 33 tuổi. Nghi can thứ 5 là một phụ nữ đang mang thai, được tại ngoại để chờ sinh nở. Những người này bị cáo buộc phạm tội giam giữ nô lệ và buộc người khác lao động ngoài ý muốn. Nếu bị kết tội, ngoài phải chịu nộp một khoản tiền lớn, những người này sẽ phải chịu mức án lên tới 14 năm tù. Hiện cuộc điều tra về đường dây mua - bán và sử dụng nô lệ này đang được tiếp tục mở rộng. Cảnh sát nghi ngờ còn có hơn 100 nô lệ đang bị đường dây này giam giữ trái phép trên nước Anh, phần lớn trong số đó là người vô gia cư và người nghèo.

Đây không phải là lần đầu tiên cảnh sát Anh triệt phá đường dây mua bán và sử dụng nô lệ. Trước đó, tháng 6-2011, cảnh sát đã bắt giữ hai người đàn ông và một phụ nữ trong cuộc đột kích vào trại lao động bất hợp pháp ở Hamble, Hampshire. Ước tính, trong vòng 2 năm qua, cảnh sát Anh đã phá vỡ nhiều đường dây buôn người và giải thoát cho gần 1.500 "nô lệ thời hiện đại" ở xứ Sương mù.

Vụ giải cứu nô lệ ở Anh hôm 12-9 một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng sử dụng lao động trái phép ở hầu hết các quốc gia châu Âu. Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cảnh báo, tình trạng buôn bán nô lệ đang có dấu hiệu trở lại với khoảng 12,3 triệu người là nạn nhân của lao động cưỡng bức trên thế giới. Riêng ở Liên minh châu Âu (EU), việc nới lỏng kiểm soát ở biên giới các nước đã vô tình tạo cơ hội cho các đường dây buôn người tăng cường hoạt động. Những nô lệ, do thân cô thế cô, không rành tiếng bản xứ, lại sợ bị trả thù nên ít dám bỏ trốn và tố cáo. Trong khi đó, dù đã bị lật tẩy và bị bắt, nhưng rất nhiều "chủ nô" chỉ bị xử với mức án rất nhẹ.


 
Theo HNM
 

Các tin khác


Nỗi lo thời tiết nắng nóng làm gián đoạn việc học tập của trẻ em châu Á

Tháng 4 vừa qua, nhiều quốc gia ở châu Á đã trải qua đợt nắng nóng kỷ lục khiến chính phủ quyết định đóng cửa trường học. Điều này đã cho thấy rõ tác động sâu sắc của biến đổi khí hậu đe dọa việc học tập của hàng triệu trẻ em tại châu lục này.

Số người sơ tán trong nước trên toàn cầu ở mức kỷ lục 75,9 triệu vào năm 2023

Năm 2023, 7,7 triệu người phải di dời do thiên tai, 68,3 triệu người sơ tán do xung đột và bạo lực, trong đó cuộc chiến ở Sudan, Gaza đã đẩy con số này lên kỷ lục mới.

Liên đoàn Arab thống nhất lập trường chung về Gaza

Trong cuộc họp ở thủ đô Manama của Bahrain, Bộ trưởng Ngoại giao các quốc gia Arab đã nỗ lực để đạt được lập trường chung về vấn đề Gaza trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Liên đoàn Arab (AL) vào ngày 16/5.

Người học vấn cao xin làm nhân viên tang lễ khi Trung Quốc khan hiếm việc làm

Công việc nhân viên hỏa táng thuộc nhóm nghề có mức lương tốt và ổn định nên đang thu hút sự quan tâm của người trẻ Trung Quốc, dù tốt nghiệp trái ngành ở nhiều trường đại học danh tiếng.

Xung đột Hamas - Israel: Dân thường Israel thiệt mạng do đạn bắn từ Liban

Theo phóng viên TTXVN tại Tel Aviv, Quân đội Israel (IDF) ngày 14/5 thông báo 1 người dân đã thiệt mạng và 5 quân nhân bị thương do đạn chống tăng bắn từ phía Liban trúng vào khu dân cư Adamit của Israel nằm sát biên giới.

Bầu cử Mỹ 2024: Ứng cử viên Donald Trump gia tăng ưu thế tại các bang chiến địa

Ngày 14/5, kết quả các cuộc thăm dò dư luận cho thấy ông Donald Trump, ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa tiếp tục gia tăng ưu thế tại hầu hết các bang "chiến địa" quan trọng trước đương kim Tổng thống Joe Biden của đảng Dân chủ trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục