Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn phát biểu tại phiên họp toàn thể.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn phát biểu tại phiên họp toàn thể.

Ngày 15-4, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn khẳng định, Việt Nam đánh giá cao kết quả của chương trình cải cách nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và tăng cường vị thế của UNESCO, đồng thời cam kết tiếp tục đóng góp tích cực vào việc ký kết Thỏa thuận khung về hợp tác giữa ASEAN và UNESCO.

 

Phát biểu tại phiên thảo luận chung của kỳ họp lần thứ 191 Hội đồng Chấp hành UNESCO, diễn ra tại Paris (Pháp) từ ngày 10 đến 26-4 dưới sự chủ trì của bà Alissandra Cummins, Chủ tịch Hội đồng, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn cho rằng thỏa thuận này sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để tăng cường quan hệ hợp tác giữa UNESCO và Cộng đồng ASEAN cũng như quan hệ song phương giữa UNESCO với từng nước thành viên trong Cộng đồng.

Trong thời gian qua, UNESCO đã có nhiều nỗ lực cải cách nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và tăng cường vị thế, vai trò của Tổ chức. Một lần nữa, Việt Nam cam kết tiếp tục chia sẻ và đồng hành cùng UNESCO vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay và kêu gọi các quốc gia thành viên cần tiếp tục nỗ lực hơn nữa để đóng góp thêm sáng kiến vào ngân sách cũng như việc triển khai chương trình, hoạt động của UNESCO. Để phát huy được những thành quả đạt được trong những năm qua, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn cho rằng cần phải có sự tiếp nối trong những năm tiếp theo.

Việt Nam cũng ủng hộ việc UNESCO tăng cường quan hệ với các Phái đoàn thường trực và Ủy ban Quốc gia UNESCO các quốc gia thành viên. Những khuyến nghị của Nhóm làm việc ba bên với thành phần mở rộng (Open ended Working Group) sẽ tạo lập cơ chế hợp tác chặt chẽ giữa Ban Thư ký UNESCO với các Ủy ban Quốc gia và Phái đoàn các nước, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động cũng như hình ảnh của Tổ chức tại các quốc gia thành viên. Việt Nam cũng hoan nghênh chiến lược đối tác nhằm đa dạng hóa các nguồn lực và nâng cao vị thế, vai trò của Tổ chức.

Trong lĩnh vực giáo dục, Việt Nam hoan nghênh UNESCO dành ưu tiên cao cho Giáo dục cho mọi người (EFA). Trên tinh thần đó, Việt Nam ủng hộ sáng kiến “Giáo dục đầu tiên” (Education first) do Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đưa ra và vai trò đầu tàu của UNESCO trong việc triển khai sáng kiến trên. “Giáo dục đầu tiên” là sự đóng góp quan trọng để triển khai hiệu quả EFA, Giáo dục vì Phát triển bền vững (ESD). Về phần mình, Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc triển khai EFA và ESD và sẵn sàng chia sẻ bài học kinh nghiệm với các quốc gia khác. Trong lĩnh vực văn hóa, những danh hiệu UNESCO có tác động tích cực đối với việc nâng cao nhận thức của người dân trong việc giữ gìn và phát huy giá trị của di sản. Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn cho biết, chào mừng lễ kỷ niệm 10 năm Công ước bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể (Công ước 2003), ngày 13-4 vừa qua, Việt Nam đã tổ chức trang trọng Lễ trao bằng UNESCO công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại cho cộng đồng dân cư tỉnh Phú Thọ với sự hiện diện của quan chức UNESCO, Lãnh đạo Nhà nước, Chính phủ Việt Nam nhằm vinh danh Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Điều này khẳng định cam kết cấp cao của Việt Nam đối với việc thực thi Công ước và đưa tinh thần của Công ước đến với từng địa phương, từng cộng đồng dân cư, chủ nhân của di sản.

Trong lĩnh vực Khoa học và Thông tin, Việt Nam đánh giá cao một số chương trình và sáng kiến của UNESCO như Chương trình Con người và Sinh quyển (MAB), Chương trình Ký ức Thế giới (MOW), Chương trình nước và sáng kiến Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu (Géopark). Việt Nam cho rằng UNESCO cần tiếp tục dành ngân sách thích đáng để phát triển các chương trình và sáng kiến trên.

Nhân dịp này, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn thông báo kết quả chính Hội nghị Hội đồng Bộ trưởng các nước Đông Nam Á lần thứ 47 (SEAMEC 47) được tổ chức tại Việt Nam từ ngày 19 đến 21-3 vừa qua. Hội nghị này tập trung đẩy mạnh chương trình “Giáo dục cho mọi người” và Chương trình Giáo dục và Phát triển ở Đông Nam Á sau năm 2015; thông qua các quyết sách và dự án nhằm triển khai Chiến lược phát triển 10 năm của SEAMEO (2011-2020); ký kết các văn bản pháp lý thành lập Trung tâm khu vực về Học tập suốt đời đặt tại Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam; kết nạp Vương quốc Anh là quốc gia thành viên liên kết thứ 8 của SEAMEO. Nhằm khẳng định “Giáo dục là quốc sách hàng đầu” của Việt Nam, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã dự và phát biểu tại phiên khai mạc với tư cách khách mời đặc biệt.

Cũng trong ngày hôm qua, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn có cuộc gặp với bà Irina Bokova, Tổng giám đốc của UNESCO. Bà Bokova đánh giá cao cam kết và thỏa thuận giữa Việt Nam với UNESCO trong dịp bà sang thăm nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Là người yêu mến văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam, bà Bokova nhấn mạnh rằng văn hóa, lịch sử của Việt Nam rất độc đáo, văn hóa gắn với lịch sử và tạo sự hấp dẫn đối với thế giới. Trong khi thế giới đang đầu tư suy nghĩ vào những di sản vật thể, di sản mang tính chất hiện đại, Việt Nam có nhiều di sản văn hóa phi vật thể được thế giới ngưỡng mộ. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, vừa được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, là điều rất độc đáo và là di sản tín ngưỡng tâm linh đầu tiên được UNESCO công nhận.

Về triển vọng hợp tác với UNESCO, bà Bokova cho rằng Việt Nam còn có nhiều hồ sơ trong lĩnh vực văn hóa vật thể và phi vật thể, di sản văn hóa thiên nhiên và sinh quyển có thể trình lên UNESCO.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo của bà Bokova, UNESCO sẽ tiếp tục đạt được nhiều thành công trong chương trình cải cách đã tiến hành trong mấy năm qua.

Tại kỳ họp lần này, Việt Nam cùng với 58 nước thành viên khác của Hội đồng Chấp hành UNESCO thảo luận và góp ý cho Dự thảo Chiến lược trung hạn 2014-2021 37 C/4 (Draft Medium - term strategy) và Dự thảo Chương trình, Ngân sách 2014-2017 37C/5 (Draft Programme and budget). Đây là lần đầu tiên UNESCO xây dựng chiến lược dài hạn kéo dài trong 8 năm, sẽ góp phần xây dựng Chương trình Nghị sự phát triển sau 2015 của Liên hợp quốc, đồng thời nâng cao vị thế, vai trò của UNESCO.

 

                                                                        Theo Báo ND

 

Các tin khác


Ít nhất 47 người thiệt mạng vì mưa lũ ở miền bắc Afghanistan

Ngày 19/5, thông tin từ giới chức Afghanistan cho biết, đã có ít nhất 47 người thiệt mạng vì mưa lớn và lũ lụt ở miền bắc Afghanistan trong những ngày qua.

IEA cảnh báo nguy cơ thiếu hụt khoáng sản

IEA đã đưa ra cảnh báo về nguy cơ thiếu hụt nguồn cung khoáng sản thiết yếu cho chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng xanh do đầu tư không đủ mạnh.

Các quốc gia Arab kêu gọi công nhận Nhà nước Palestine

Tại Hội nghị thượng đỉnh Liên đoàn Arab (AL) ở thủ đô Manama của Bahrain với sự tham dự của Tổng Thư ký AL Ahmed Aboul-Gheit và Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, lãnh đạo các quốc gia Arab kêu gọi cộng đồng quốc tế hành động để thiết lập nền độc lập của người Palestine.

Liên hợp quốc nâng dự báo triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2024

Ngày 16/5 (giờ New York), Liên hợp quốc (LHQ) đã công bố Báo cáo Tình hình và Triển vọng Kinh tế Thế giới, trong đó đưa ra đánh giá lạc quan thận trọng về triển vọng kinh tế toàn cầu trong năm 2024.

Liên hợp quốc cảnh báo nguy cơ nạn đói ở Dải Gaza

Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) phụ trách điều phối các vấn đề nhân đạo và cứu trợ khẩn cấp Martin Griffiths ngày 16/5 cho biết người dân ở Dải Gaza đang đối diện với nạn đói khi các nguồn lương thực cạn kiệt, đồng thời cho rằng chiến dịch của Israel ở thành phố Rafah gây ra nhiều khó khăn cho việc lập kế hoạch và phân phối hàng cứu trợ.

Nỗi lo thời tiết nắng nóng làm gián đoạn việc học tập của trẻ em châu Á

Tháng 4 vừa qua, nhiều quốc gia ở châu Á đã trải qua đợt nắng nóng kỷ lục khiến chính phủ quyết định đóng cửa trường học. Điều này đã cho thấy rõ tác động sâu sắc của biến đổi khí hậu đe dọa việc học tập của hàng triệu trẻ em tại châu lục này.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục