Nhà báo Mỹ Catherine Karnow (Ảnh: Khánh Lan)
Hòa trong dòng người đến viếng, thắp hương tưởng nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại tư gia (số 30 Hoàng Diệu, Hà Nội), có một người phụ nữ ngoại quốc với đôi mắt ngấn lệ. Bà là nhà báo Mỹ Catherine Karnow, tác giả của nhiều bức ảnh "đắt giá" về Đại tướng.
Quên hết mệt mỏi sau một chuyến bay dài, đặt chân đến Việt Nam, nhà báo Catherine Karnow đã đến ngay tư gia của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nơi đã ghi dấu cuộc gặp gỡ đầu tiên của bà với vị tướng tài ba, người anh hùng của dân tộc Việt Nam cách đây hơn hai mươi năm.
Catherine Karnow là con gái của nhà báo, nhà sử học nổi tiếng Stanley Karnow, tác giả của cuốn sách đã được chuyển thể thành phim "Việt Nam: Một thiên lịch sử bằng truyền hình" (Vietnam: A history). Bà là nữ phóng viên nước ngoài may mắn có cơ hội gặp gỡ, tiếp xúc, phỏng vấn và ghi lại những hình ảnh của Đại tướng và từ đó bà đã trở thành người bạn của gia đình Đại tướng. Cái "cơ duyên" đó có được là nhờ cha bà, một phóng viên nhiều năm làm việc tại Việt Nam.
Bà chia sẻ: Cha tôi là một phóng viên nhiều năm tại Việt Nam và là người rất ngưỡng mộ sự can trường và trí tuệ của Tướng Giáp. Sự trân trọng, ngưỡng mộ đó đã được ông thể hiện rất cụ thể trong cuốn sách "Viet Nam: A history". Đây được xem là tác phẩm toàn diện nhất về cuộc chiến của Mỹ tại Việt Nam từng được phát hành và cuốn sách này đã được ông Stanley chuyển thể thành bộ phim tài liệu lịch sử 13 phần. Bộ phim này giành được 6 giải thưởng Emmy (giải thưởng cao quý nhất trong ngành truyền hình Mỹ).
Hình ảnh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ghi lại dấu ấn sâu sắc đối với bà Catherine Karnow ngay từ lần đầu tiên, đó là vào năm 1990, khi cha bà - nhà báo Stanley thực hiện cuộc phỏng vấn độc quyền Đại tướng Võ Nguyên Giáp sau chiến tranh Việt Nam đăng trên trang nhất tờ New York Times với tựa đề Giap Remembers (Ký ức của Tướng Giáp). Lần phỏng vấn này, ông Stanley đã giới thiệu bà với Tướng Giáp. Bà nói: "Khi tôi gặp ông, tôi thực sự cảm thấy mình đang đứng trước một con người kiệt xuất. Tôi có thể cảm nhận được sự thông thái của ông trong bất kỳ cuộc trò chuyện nào. Ông là người lịch sự, luôn tôn trọng và quan tâm tới người khác.”
Bà Catherine Karnow cho biết: Sau lần gặp gỡ đầu tiên, vào năm 1994, tôi lại trở lại Việt Nam và đã đến thăm Tướng Giáp, tôi đã rất vui mừng và vinh dự là nữ phóng viên phương Tây duy nhất được Đại tướng mời đi Điện Biên Phủ với ông.
Những kỷ niệm về chuyến đi đặc biệt ấy dường như không thể phai nhòa trong ký ức của nhà báo Catherine Karnow. Bà kể: "Trong chuyến thăm Điện Biên Phủ, để đến được nơi ở của Đại tướng, các thành viên trong đoàn phải di chuyển bằng trực thăng nhưng do không đủ chỗ ngồi nên tôi phải lên đó trước bằng xe Jeep của Đại tướng. Dù rất mệt mỏi và đói sau một chặng đường quá dài nhưng khi đến nơi, hình ảnh người dân xếp hàng dài phấn khởi chào đón sự trở về của Đại tướng khiến tôi vô cùng xúc động. Sau này, mỗi lần tôi trở lại Việt Nam, tôi luôn dành thời gian tới thăm gia đình Tướng Giáp, chụp chân dung ông không những để phục vụ cho công việc của tôi mà còn dành tặng gia đình ông. Trong nhiều năm qua, các bức ảnh tôi chụp ông trở thành các bức chân dung chính thức của ông".
Bà Catherine Karnow bày tỏ: "Những năm gần đây, mặc dù ở Mỹ song tôi vẫn thường xuyên theo dõi tình hình sức khỏe của Đại tướng. Vẫn biết "sinh, lão, bệnh, tử" là quy luật cuộc sống song khi nghe tin Đại tướng từ trần, tôi cảm thấy vô cùng hụt hẫng, như vừa mất đi một người bạn lớn, một người thân trong gia đình".
Bà xúc động nói: "Tôi không ngạc nhiên khi nghe tin ông qua đời vì ông đã nằm viện mấy năm qua. Nhưng nỗi buồn vẫn ập đến. Tôi cảm nhận được sự qua đời của một anh hùng dân tộc, một người quan trọng và chắc chắn là người cuối cùng trong hàng ngũ những vị tướng vĩ đại của thời đại".
Nhà báo Catherine Karnow ghi lại những hình ảnh trước tư gia Đại tướng Võ |
"Tôi đã nghĩ tới bà Hà - vợ ông, về bao năm tháng họ đã sống bên nhau, về con cái, cháu chắt của ông... Trong thời khắc này, tôi thấy mình cần phải sang Việt Nam, phải đến để ghi lại những cảm xúc của gia đình Đại tướng và những gì họ đang trải qua. Tôi cảm thấy vô cùng may mắn vì có cơ hội chia sẻ, đồng hành cùng gia đình Đại tướng và quan trọng hơn là để có thể sau này trao lại cho họ những ký ức về khoảng thời gian này." - Bà Catherine Karnow chia sẻ.
Mặc dù, hai cánh cổng số nhà 30 Hoàng Diệu đã tạm khép lại sau những ngày đón hàng triệu lượt người đến viếng Đại tướng, nhưng nhiều người vẫn tiếp tục đến đây để chia sẻ tình cảm tiếc thương, tưởng nhớ đến vị tướng tài ba, đức độ của Việt Nam. Trong số đó, có nhà báo Catherine Karnow. Bên ngoài hàng rào, bà lặng lẽ nhìn về phía trong ngôi nhà 30 Hoàng Diệu, nơi lưu giữ nhiều kỷ niệm sâu sắc và âm thầm ghi lại những hình ảnh, cảm xúc của nhân dân Việt Nam trong thời khắc khó quên này. Bà hy vọng sẽ tiếp tục được đồng hành trong hành trình tiễn đưa Đại tướng Võ Nguyên Giáp trở về với đất mẹ Quảng Bình./.
Theo Báo điện tử ĐCSVN
Khi mà cộng đồng quốc tế đang nín thở chờ đợi thời khắc phát nổ của “quả bom Syria” thì bất ngờ, ngày 9-9-2013, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã công bố đề xuất “cần đặt kho vũ khí hóa học dưới sự kiểm soát của quốc tế, và phải để chúng bị tiêu hủy”.
Hơn hai tuần đã trôi qua, kể từ khi Mỹ tuyên bố sẵn sàng tấn công trừng phạt Syria về tội đánh dân thường bằng vũ khí hóa học ngày 21-8. Tuy nhiên, cho đến nay giờ “G” (giờ khai khỏa) vẫn chưa được xác định, khiến dư luận đặt câu hỏi đâu là những khó khăn cản trở quá trình ra quyết định của Tổng thống Obama ?
Ngày 23-8, hai vụ nổ bom liên tiếp xảy ra bên ngoài các nhà thờ của thành phố cảng Tripoli ở miền bắc Lebanon làm ít nhất 42 người thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương. Cộng đồng quốc tế đã mạnh mẽ lên án vụ tấn công khủng bố này.
Tính đến ngày 16/8, số người thiệt mạng vì vụ nổ bom xe ở khu vực ngoại ô phía nam của Beirut, Li-băng đã lên tới 24 người và 248 người khác bị thương – Hội Chữ thập đỏ Li-băng cho biết.
Sáng 12-8, Ủy ban Bầu cử Campuchia (NEC) công bố kết quả sơ bộ cuộc bầu cử Quốc hội Campuchia, theo đó Đảng Nhân dân Campuchia của Thủ tướng Hun Sen đã giành chiến thắng với 68 ghế trong Quốc hội khóa mới.
Hôm qua 31-7, Liên Hiệp Quốc (LHQ) tuyên bố chính quyền Syria đã cho phép các thanh sát viên LHQ đến nước này để điều tra nghi án vũ khí hóa học.