(HBĐT) - Là xã thuộc khu vực 135, mặt bằng dân trí không đồng đều nên sự hiểu biết về pháp luật của người dân còn nhiều hạn chế. Những năm qua, xã Xuân Phong (Cao Phong) căn cứ vào nhu cầu thực tế tổ chức các buổi tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (TTPBGDPL) cũng như trợ giúp pháp lý cho người dân.
Đồng chí Bùi Văn Luyến, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Phong cho biết: Hàng năm, xã xây dựng kế hoạch và tổ chức các hội nghị TTPBGDPL và trợ giúp pháp lý cho người dân ở các xóm. Là xã đặc biệt khó khăn của huyện, có xóm cách trung tâm xã 8 km nên sự hiểu biết của người dân về pháp luật còn những hạn chế nhất định. Với sự phát triển của điện thoại di động (ĐTDĐ) và mạng internet đã tạo ra điều kiện thuận lợi để người dân trau dồi kiến thức, học hỏi các mô hình phát triển kinh tế. Tuy nhiên cũng tạo ra những hệ lụy, nhất là đối với thanh - thiếu niên. Việc thường xuyên truy cập mạng internet và tiếp xúc với một số văn hóa đồi trụy đã tạo ra những xáo trộn về phát triển tâm sinh lý. Trước thực trạng đó, trong các hội nghị ở các xóm, việc TTPBGDPL về Luật Hôn nhân và Gia đình, sức khỏe sinh sản là một trong những nội dung trọng tâm. Năm 2016, xã xảy ra 2 trường hợp tảo hôn, trong đó, có một trường hợp đảng viên bị xử lý nghiêm khắc bằng hình thức khai trừ khỏi Đảng.
Những đầu sách về pháp luật tại Bưu điện văn hóa xã tạo điều kiện cho người dân xã Xuân Phong (Cao Phong) đến tham khảo khi có nhu cầu.
“Đất đai cũng là vấn đề khá nóng. Ngày xưa, những hộ tiếp giáp nhau, các cụ cho nhau ít đất làm bờ rào, đường đi lại là chuyện thường. Thế nhưng hiện nay, khi đất có giá nhưng ranh giới chưa rõ ràng thường xảy ra tranh chấp. Do đó, Luật Đất đai được chúng tôi tuyên truyền, phổ biến thường xuyên. Đồng thời, địa chính xã tiến hành đo đạc lại ranh giới cho các hộ khi xảy ra tranh chấp. Trong các hội nghị TTPBGDPL, vấn đề này cũng được nhiều người yêu cầu trợ giúp pháp lý. Ngoài ra, xã còn phối hợp với cán bộ trợ giúp pháp lý của tỉnh, công an tổ chức tuyên truyền về Luật Giao thông đường bộ. Nhờ đó, nhiều năm nay, xã không có vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra, số vụ vi phạm cũng giảm đáng kể” - đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã cho biết thêm.
Được tham gia các hội nghị TTPBGDPL, ông Bùi Thanh Minh, người dân xóm Nhói chia sẻ: “Việc tổ chức hội nghị ở các xóm rất ý nghĩa với chúng tôi. Nhiều vấn đề chúng tôi chưa biết, chưa hiểu rõ được giải đáp. Từ đó, chúng tôi chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tốt hơn. Đồng thời giáo dục, nhắc nhở người thân không mắc vào các tai - tệ nạn xã hội”.
Theo đồng chí Bùi Văn Bản, cán bộ Tư pháp xã cho biết: Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền thông qua các hội nghị, Xuân Phong cũng tổ chức lồng ghép vào hoạt động của các hội, đoàn thể. Trong năm 2016, Hội Phụ nữ đã tổ chức 2 buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Các hội, đoàn thể khác đều tổ chức lồng ghép trong các hội nghị với hơn 300 lượt người tham gia. Hình thức TTPBGDPL ngày càng đa dạng hơn như sân khấu hóa, tổ chức các hội thi theo kế hoạch mà cấp trên triển khai. Hiện nay, do trụ sở UBND xã đang được xây mới nên tủ sách pháp luật được đưa ra bưu điện xã. Tại đây, những đầu sách pháp luật đa dạng cũng là nơi để bà con đến tìm hiểu khi có vướng mắc.
“Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật cho bà con, trong đó, các luật về hôn nhân và gia đình, đất đai, giao thông vẫn là trọng tâm. Triển khai thực hiện tốt các kế hoạch về TTPBGDPL của cấp trên, phối hợp với trung tâm trợ giúp pháp lý của tỉnh thường xuyên tổ chức các hội nghị để giải đáp kịp thời những vướng mắc của bà con cũng như xử lý tốt những vấn đề phát sinh”, đồng chí Bùi Văn Luyến, Phó Chủ tịch UBND xã chia sẻ.
Viết Đào
(HBĐT) - Xóm 11, xã Sủ Ngòi (thành phố Hoà Bình) có 56 hộ với 210 nhân khẩu. Đặc thù xóm không có đất sản xuất nông nghiệp, bà con chủ yếu là lao động tự do và cán bộ hưu trí. Bà Đào Thị Cúc, Trưởng xóm cho biết: Xóm luôn phát huy tinh thần đoàn kết tối lửa tắt đèn có nhau, tuy nhiên, trong cuộc sống thường ngày không tránh khỏi những lúc va chạm, mâu thuẫn. Như trường hợp một hộ gia đình bị chặt cây trồng trên nền nhà đã bỏ không sử dụng 10 năm của hộ gia đình liền kề dẫn đến tranh chấp, cãi cọ, hộ bị chặt cây đòi bồi thường, hộ sử dụng đất trước cho rằng mảnh đất đó là của mình. Tổ hoà giải xóm đến gặp gỡ, phân tích cho đôi bên hiểu rõ pháp luật đất đai quy định về quyền sử dụng đất, không vì mâu thuẫn, tranh chấp mà làm mất tình cảm xóm giềng.
(HBĐT) - Đại tá Quách Đăng Phú, Phó Chính uỷ Bộ CHQS tỉnh cho biết: Xuất phát từ nhu cầu thực tế, trong những năm qua, Bộ CHQS tỉnh đã chủ động xây dựng các đề án có tính khả thi gắn với các chương trình dự án, CVĐ, các phong trào thi đua để tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, nhiệm vụ QP - QSĐP. Nhờ vậy đã củng cố niềm tin, xây dựng thế trận lòng dân ngày càng vững chắc trên tinh thần “ở đâu nhân dân cần, ở đó có bộ đội”...
(HBĐT) - Trong quý I, huyện Lương đã tiếp 34 lượt công dân đến khiếu nại, kiến nghị, đề nghị, phản ánh, giảm 9 lượt so với cùng kỳ năm 2016; tiếp nhận 63 đơn, giảm 6 đơn so với cùng kỳ năm 2016. Nội dung tiếp công dân chủ yếu liên quan đến công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển KT-XH; tranh chấp đất đai.
(HBĐT) - Trục đường chính của xóm Mè, xã Yên Quang (Kỳ Sơn) trước chỉ là con đường mòn được mở rộng cho dễ đi trong ngày nắng. Còn ngày mưa thì nhão nhoẹt bùn, đất chẳng ai muốn bước chân ra khỏi nhà. Sau những đợt hành quân dã ngoại kết hợp làm công tác dân vận của CB,CS LLVT huyện Kỳ Sơn, một con đường bê tông đã thành hình, mở ra cuộc sống mới nơi vùng đất vốn còn nhiều gian khó.
(HBĐT) - Ban chỉ đạo diễn tập huyện Lương Sơn vừa tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ diễn tập chiến đấu phòng thủ cấp xã năm 2017.
(HBĐT) - Ban CHQS huyện Lạc Sơn vừa tổ chức tổng kết công tác huấn luyện các đơn vị tự vệ khối các cơ quan của huyện gồm tự vệ cơ quan Huyện uỷ, UBND, Trung tâm Y dự phòng huyện và 6 đơn vị tự vệ các cơ quan Điện lực, Chi cục Thuế, Ngân hàng NN&PTNT, Kho bạc Nhà nước, phòng Tài chính - Kế hoạch, Bưu điện huyện.