Theo ông Xa Văn Cò, Trưởng ban điều hành dòng họ, họ Xa sình vi ngân sinh sống chủ yếu ở 3 xã Đồng Chum, Mường Chiềng và Giáp Đắt, huyện Đà Bắc và một nhánh do thời loạn lạc di cư lên huyện Văn Chấn (Yên Bái). Đầu năm 2000, các già làng, trưởng bản tổ chức cuộc họp dòng họ Xa sình vi ngân, mời đại diện các Muột (một nhóm của dòng họ Xa) dự nhằm tổ chức lại hoạt động của dòng họ. Các cuộc họp dòng họ là dịp để giáo dục con cháu, răn dạy điều hay, lẽ phải, tránh xa thói hư, tật xấu, cùng chung tay xây dựng quê hương giàu đẹp.
Với 553 hộ, 2.479 nhân khẩu, 151 đảng viên, dòng họ Xa sình vi ngân đã nỗ lực phấn đấu, vượt mọi khó khăn, phát triển kinh tế gia đình, giúp đỡ nhau thoát nghèo. Nhằm tạo thuận lợi cho việc tương trợ nhau, dòng họ Xa đã phân thành 5 Muột (nhóm), mỗi Muột từ 80 - 100 hộ, trong đó nêu rõ số hộ, số khẩu, số gia đình nghèo, khó khăn, nhà ở, trình độ học vấn... để họ có kế hoạch giúp đỡ. Theo quy định của họ, hàng năm, vào ngày 4 tháng giêng (âm lịch), dòng họ Xa sình vi ngân tổ chức các hoạt động vui chơi, văn hóa, văn nghệ, TD-TT, ẩm thực; tổ chức các hoạt động tín ngưỡng truyền thống, cúng giỗ, sinh nhật, đặt tên con cháu, mừng thọ, hiếu, hỉ... theo nếp sống văn hóa mới, phù hợp với luật pháp và phong tục tập quán địa phương. Hiện nay, thu nhập bình quân của các gia đình trong dòng họ đạt 17 triệu đồng/ người/năm. Cả họ còn 176 hộ nghèo, 167 hộ cận nghèo, 216 hộ thoát nghèo, 17 hộ gia đình chính sách, 57 hộ khó khăn. Hàng năm, học sinh giỏi các trường có 52 cháu, số hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa từ 70 - 80% trở lên…
Theo ông Sa Văn Hùng – Chủ tịch UBND xã Mường Chiềng, mô hình "Dòng họ Xa sình vi ngân quản về ANTT” là sự kết hợp giữa các gia đình Thái trắng cùng chung dòng họ "Xa sình vi ngân” tự quản về ANTT. Khi đại diện ban điều hành dòng họ nêu ý tưởng, cấp ủy, chính quyền địa phương đồng tình ủng hộ và hỗ trợ để dòng họ "Xa sình vi ngân quản” sớm ra đời. Mô hình không chỉ giáo dục, quản lý, nhắc nhở các thành viên trong dòng họ nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, nội quy, quy ước của địa phương, dòng họ, không vi phạm pháp luật mà còn là cầu nối tương trợ, giúp đỡ nhau trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, khuyến học, khuyến tài, thực hiện tốt phong trào xây dựng đời sống văn hóa… Các gia đình trong dòng họ gương mẫu chấp hành các quy ước, hương ước, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, không sinh con thứ 3, không tảo hôn, kết hôn cùng dòng họ; vận động các cháu ra lớp đạt 100%, học hết lớp, hết cấp; xây dựng Quỹ khuyến học trong dòng họ để động viên học sinh vượt khó học giỏi. Duy trì và phát huy tổ liên gia tự quản dòng họ, vận động con cháu tích cực tham gia các phong trào văn hóa, văn nghệ, TD-TT, thực hiện tốt nghĩa vụ công dân, nghĩa vụ quân sự, phấn đấu đạt 80 - 90% gia đình văn hóa...
Thượng tá Đỗ Anh Tuấn, Phó trưởng Công an huyện Đà Bắc cho biết: Đà Bắc là huyện vùng cao có nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống. Người dân tộc thường sống theo cộng đồng, lưu giữ nhiều phong tục, tập quán truyền thống. Mô hình "Xa sình vi ngân quản về ANTT” mang tính đặc thù đồng bào dân tộc Tày Mường Chiềng đã có tác dụng bước đầu trong việc giáo dục, quản lý con cháu trong dòng họ. Thời gian tới, chúng tôi chỉ đạo công an cơ sở tiếp tục tham mưu, hỗ trợ xây dựng dòng họ "Xa sình vi ngân quản” thành điển hình tiêu biểu trong giữ gìn antt ở địa phương và nhân rộng ra các dòng họ khác trong toàn huyện, chung tay xây dựng bản làng vùng cao giàu đẹp.
Như Hùng (TTV)