(HBĐT) - Anh giết em, vợ giết chồng, con giết bố... Những vụ án đau lòng xảy ra không phải là hiếm trên địa bàn tỉnh thời gian qua. Từ đó gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng giết người do các nguyên nhân xã hội...
Chỉ vì ghen tuông mù quáng, Đàm Thị Ngọc đã dùng thuốc diệt cỏ đầu độc chồng đến chết
Phiên toà xét xử bị cáo Bùi Duy Thường (SN 1987) trú tại xóm Láu Láy, xã Bình Sơn (Kim Bôi) về tội giết người xảy ra đã lâu nhưng tôi vẫn còn ám ảnh với câu chuyện đau lòng này. Nạn nhân của Thường không ai khác chính là bố đẻ của bị cáo. Bi kịch của gia đình Bùi Duy Thường bắt đầu từ việc ông Bùi Văn Mý (bố đẻ của Thường) mỗi khi say rượu thường đánh đập, chửi bới vợ con. Dù nhiều lần được chính quyền và người thân khuyên bảo nhưng vẫn "chứng nào tật ấy”. Mỗi khi rượu vào, ông Mý thường về nhà đánh đập, chửi bới vợ con không thương tiếc. Thậm chí nhiều lần trong lúc say rượu, ông Mý còn cầm dao đuổi đòi chém vợ và các con.
Sau nhiều lần khuyên bảo không được, lúc bực tức, Bùi Duy Thường đã cãi và phản ứng lại những hành động đánh đuổi vợ con của ông Mý. Trong một lần khi cả gia đình đang ngồi ăn cơm, ông Mý đi uống rượu về và đứng chửi với những lời lẽ thô tục. Thấy vậy, Thường bảo ông Mý đi vào nhà nghỉ nhưng ông lại càng chửi nhiều hơn. Quá phẫn uất khi cứ đưa bát cơm lên miệng lại phải nghe những lời chửi bới thô tục, Thường đã bỏ bát cơm, đứng dậy cầm cái điếu cày dựng ngay cạnh bàn uống nước vụt vào vùng gáy ông Mý. Cú đánh đó đã làm ông Mý ngã gục xuống nền nhà. Thấy vậy, Thường cùng mọi người vội đưa ông Mý đi cấp cứu tại trạm y tế xã Bình Sơn và tìm mọi cách đưa ông Mý đi bệnh viện cấp cứu. Nhưng do cú đánh vào chỗ hiểm nên ông Mý đã tử vong ngay trên đường đi cấp cứu. Qua khám nghiệm tử thi, cơ quan chức năng xác định ông Mý bị tử vong là do chấn thương sọ não và chảy máu não kín. Ngay sau khi ông Mý tử vong, Bùi Duy Thường đã đến cơ quan công an đầu thú, khai báo hành vi phạm tội. Bản án 9 năm tù là bài học đắt giá cho một phút nông nổi của đứa con mang tội bất hiếu.
Đáng buồn, những vụ án đau lòng đó xảy ra ngày càng nhiều. Mới đây, TAND tỉnh liên tục đưa ra xét xử nhiều vụ án giết người do nguyên nhân xã hội như bị cáo Bùi Văn Hùng (SN 1987), nguyên là công an viên xóm Suối Cái, xã Long Sơn (Lương Sơn) về tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh. Vụ Đỗ Quang Minh (SN 1992), trú tại tổ 12, phường Thái Bình (TP Hòa Bình) dùng dao đâm chết người khi bị kích động mạnh. Vụ Đàm Thị Ngọc (SN 1984), quê quán tại xã Tân Tiến, huyện Văn Giang (Hưng Yên), trú tại xã Hợp Thanh (Lương Sơn) vì ghen tuông mù quáng đã dùng thuốc diệt cỏ đầu độc chồng. Mới đây là vụ Đinh Văn Quân (SN 1987), trú tại xóm Ban, xã Mãn Đức (Tân Lạc) bị anh trai là Đinh Văn Quê đánh chết vì ngỗ ngược bởi định giết chết bố đẻ và chị dâu cùng các cháu. Vụ Bùi Văn Cương (SN 1983), trú tại xóm Mán, xã Hưng Thi (Lạc Thủy) dùng kéo đâm nhiều nhát vào người anh họ vì bị quấy rối giấc ngủ…
Theo đánh giá của Phòng Cảnh sát hình sự (PC45) - Công an tỉnh, thời gian gần đây, tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội xảy ra nhiều, diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng. Theo thống kê, tính từ năm 2014 đến hết tháng 4/2017, trên địa bàn tỉnh xảy ra 40 vụ án giết người. Trong đó có 33 vụ giết người thân, hàng xóm. Đáng nói, trong 33 vụ giết người thân thì có 5 vụ chồng giết vợ, 3 vụ vợ giết chồng, 2 vụ con giết bố, 2 vụ con giết mẹ, 2 vụ bố giết con, 1 vụ mẹ giết con, 1 vụ cháu giết ông bà, 8 vụ anh em giết nhau và 8 vụ giết hàng xóm. Đối tượng gây án đa số trong độ tuổi lao động. Địa bàn xảy ra chủ yếu ở nông thôn, chiếm 82,5% vụ. Nguyên nhân dẫn đến các vụ việc nêu trên là do ảnh hưởng của tệ nạn uống rượu, bia say cùng với những mâu thuẫn, xích mích bột phát...
Để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm giết người trong thời gian tới, theo đại tá Bùi Hải Đường, Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự, ngoài việc tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân, nhất là ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa cũng rất cần sự vào cuộc của các ngành, các cấp cùng lực lượng công an trong việc nắm bắt, xử lý và giải quyết dứt điểm các mâu thuẫn phát sinh tại cơ sở nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa xã hội. Qua đó hạn chế tối đa tác động tiêu cực của các tai, TNXH làm phát sinh tội phạm. Cùng với đó, kết hợp công tác phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm, cảm hoá, giáo dục các đối tượng có biểu hiện, khả năng phạm tội và giúp đỡ các đối tượng chấp hành xong án phạt tù tại gia đình, cộng đồng dân cư. Đồng thời, phát huy tốt vai trò của tổ hoà giải tại cơ sở, không để phát sinh những mâu thuẫn kéo dài, dễ nảy sinh tội phạm với các hành vi vi phạm pháp luật...
Mạnh Hùng