Đồng chí Bùi Văn Kín, Bí thư Tỉnh ủy trao cờ truyền thống cho đại đội Cù Chính Lan (Du kích tập trung của tỉnh) lên đường vào chiến đấu tại Quảng Trị (năm 1972).ảnh: TL
Ngày 31/5/1965, dân quân xã Liên Hòa - Lạc Sơn đã bắn rơi máy bay phản lực F4H của Mỹ bằng súng trường, mở đầu cho phong trào bắn máy bay Mỹ bằng súng bộ binh trong toàn Quân khu 3.
Những tháng đầu năm 1966, máy bay địch liên tục đánh phá các địa phương trong tỉnh, nhất là khu vực xã Thịnh Lang - Kỳ Sơn, Vạn Mai - Mai Châu, thị trấn Vụ Bản - Lạc Sơn và TX Hòa Bình. Với thế trận phòng không nhân dân và tinh thần chủ động chiến đấu, ngày 29/4/1966, dân quân xã Trung Thành - Đà Bắc bí mật phục kích trên đồi cao, đón lõng bắn rơi 1 máy bay F101 của Mỹ bằng súng trường. Chiến công này càng thôi thúc tinh thần chủ động bắn rơi máy bay địch của các LLVT trong tỉnh.
Ngày 20/7/1966, bằng 2 loạt đạn súng trường, dân quân xã Thu Phong (huyện Kỳ Sơn) đã hạ được 1 máy bay F105. Chiều 30/4/1967, tại Hoà Bình, cuộc chiến đấu giữa không quân ta và không quân địch diễn ra quyết liệt. Khi chiếc phản lực F105 của Mỹ hạ độ cao xuống thấp để tránh tầm bắn có hiệu quả của không quân ta, chớp thời cơ, các tay súng của trung đội dân quân xã Mường Chiềng - Đà Bắc phục sẵn trên núi liền nhả đạn, chiếc máy bay trúng đạn, bốc cháy.
Để chủ động ngăn chặn máy bay Mỹ, dân quân tự vệ các huyện: Kỳ Sơn, Kim Bôi, Lạc Thủy, Lương Sơn và TX Hòa Bình, bộ đội thường trực của tỉnh ngày đêm kiên trì mai phục trên các điểm cao. Tuy chưa bắn rơi máy bay địch, nhưng đã làm hạn chế hiệu xuất ném bom, bắn phá của địch.
Đợt 2: Để cứu vãn Chiến lược "Việt Nam hoá chiến tranh” khỏi bị phá sản, ngày 16/4/1972, đế quốc Mỹ lại sử dụng không quân đánh phá miền Bắc. Tỉnh Hoà Bình vẫn là trọng điểm đánh phá của không quân Mỹ. Trong 240 ngày đêm (từ 16/4/1972 đến 29/12/1972), chúng đã huy động hàng nghìn lượt máy bay đánh phá vào 57 xã và các trục đường giao thông trên toàn tỉnh, làm hàng trăm người chết, hàng trăm nhà dân và nhiều cơ sở kinh tế, văn hoá bị phá huỷ.
Với tinh thần SSCĐ cao, quân và dân tỉnh Hoà Bình đã phối hợp tốt với bộ đội chủ lực, chủ động đón đánh và liên tiếp đánh bại không quân Mỹ. Những ngày đầu tháng 5/1972, dân quân 2 xã Lũng Vân và Bắc Sơn, huyện Tân Lạc đã dũng cảm đánh trả máy bay Mỹ, bắt sống giặc lái, thu toàn bộ vũ khí trang bị. Ngày 21/8/1972, dân quân xã Lạc Long - Lạc Thuỷ kiên trì phục kích địch, bắn rơi 1 máy bay không người lái của giặc Mỹ. Trong 12 ngày đêm (từ 18 - 29/12/1972), chia lửa với quân dân Thủ đô Hà Nội, quân dân Hoà Bình liên tiếp lập chiến công giòn giã bắn rơi 3 máy bay Mỹ, bắt sống 5 giặc lái. Điển hình là trận chiến đấu tại Đồi Bù của dân quân xã Hợp Hoà, huyện Lương Sơn, trải qua 8 đêm liên tục trong điều kiện địa hình phức tạp, thời tiết khắc nghiệt, lực lượng dân quân dưới sự chỉ huy của Bộ CHQS tỉnh và Ban CHQS huyện đã kiên cường, dũng cảm bám sát vòng vây, đánh trả quyết liệt bắn rơi 1 máy bay H53 của Mỹ.
LLVT và nhân dân tỉnh Hòa Bình vừa chiến đấu, vừa xây dựng và củng cố lực lượng. Thực hiện Nghị quyết số 61 về công tác QSĐP tại các ngành, các đơn vị cơ sở, ngày 12/10/1970, Tỉnh đội bắt đầu thống nhất tên gọi là Bộ CHQS tỉnh. Quân khu ủy bổ nhiệm đồng chí Bạch Bá Năng giữ chức Chỉ huy trưởng, đồng chí Nguyễn Hữu ích - Chính ủy Bộ CHQS tỉnh. Tổ chức biên chế Bộ CHQS tỉnh có các Phòng Tham mưu, Chính trị, Hậu cần, 2 tiểu đoàn bộ đội địa phương tỉnh, 4 đại đội binh chủng thông tin, trinh sát, công binh, kho tàng và bệnh xá... trực thuộc. Cùng với việc kiện toàn Tỉnh đội, các huyên, thị đội cũng được thống nhất gọi là Ban CHQS huyện, thị xã. Bộ CHQS tỉnh, Ban CHQS các huyện, thị xã làm tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác quân sự, quốc phòng địa phương, đồng thời trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy LLVT thuộc quyền xây dựng, chiến đấu và công tác, hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Công tác tuyển quân chi viện cho chiến trường đảm bảo chất lượng và vượt chỉ tiêu. Năm 1970 vượt 3,5%, đợt 1, năm 1971 đạt 107,4%, đợt 2, năm 1971 đạt 107,77% kế hoạch, tiến hành giao quân nhanh, gọn. Kết quả tuyển quân đã được Chính phủ biểu dương về thành tích động viên tuyển quân 6 tháng đầu năm 1971; đồng thời có ý nghĩa chính trị to lớn, mở đầu cho công tác động viên, tuyển quân sau này.
Với tinh thần "Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, trong 2 năm 1973, 1974, Hòa Bình tiếp tục hoàn thành vượt mức nhiệm vụ động viên tuyển quân, trung bình mỗi năm có gần 3.000 thanh niên nam, nữ nhập ngũ, lên đường vào miền Nam chiến đấu. Tháng 3/1975, có 553 thanh niên các dân tộc lên đường nhập ngũ. Hòa Bình là 1 trong 6 tỉnh ở phía Bắc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tuyển quân, năm 1975 có 10 huyện, thị xã được Bộ Tư lênh Quân khu tặng cờ thi đua "Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tuyển quân năm 1975”.
(Còn nữa)
(HBĐT) - Ngày 10/7, tại xã Hợp Thành, Ủy ban MTTQ tỉnh đã tiến hành giám sát về thực hiện Nghị định số 80 của Thủ trướng Chính phủ về tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù, công tác quản lý người được hưởng án treo và công tác lập hồ sơ quản lý và đưa người nghiện ma túy vào các tring tâm giáo dục, chữa bệnh và lao động xã hội tại huyện Kỳ Sơn. Tham gia đoàn giám sát có đại diện Công an tỉnh; lãnh đạo các hội, đoàn thể tỉnh.