(HBĐT) - Liên tiếp những ngày qua, mạng xã hội Facebook "nóng” bởi những thông tin như máy bay rơi ở Nội Bài do mưa dông, nghi vấn 2 phụ nữ bắt cóc trẻ em ở Sóc Sơn bị đánh bầm giập, nghi vấn thôi miên bắt cóc trẻ em dẫn tới vụ đốt xe ô tô ở Hải Dương... Mặc dù chỉ là những tin đồn thất thiệt nhưng những thông tin này lại đã và đang gây ra những hậu quả ngày càng nghiêm trọng.

Truy tìm cô gái đăng tin "máy bay rơi ở Nội Bài”

Chiều 24-7, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PC50) Công an TP Hà Nội cho biết đang hoàn thiện hồ sơ, chuyển Công an quận Thanh Xuân xử lý Phạm Thị Mùi (27 tuổi, quê Ninh Bình, hiện ở phường Kim Giang, quận Thanh Xuân, Hà Nội) về hành vi đăng thông tin sai sự thật "máy bay rơi ở sân bay Nội Bài” gây hoang mang dư luận.

Trước đó, cuối giờ chiều 20-7, mạng xã hội Facebook rúng động bởi thông tin "máy bay rơi tại Nội Bài” được đăng tải bởi tài khoản có tên "Phạm Thị Mùi”. Theo đó, tài khoản Facebook này đăng dòng status với nội dung: "Mưa to quá, máy bay rơi luôn... thật là kinh khủng. Nội Bài này”.

Kèm theo dòng thông tin là 5 bức ảnh ghi hình ảnh một chiếc máy bay màu trắng rơi trên cánh đồng. Ngoài ra, người đăng tin còn ghi địa điểm check in tại sân bay quốc tế Nội Bài.

 
Cảnh sát truy tìm người phụ nữ tung tin "máy bay rơi ở Nội Bài”.

Thông tin này được đăng tại thời điểm Thủ đô Hà Nội và các tỉnh phía Bắc đang trong những ngày thời tiết mưa dông liên tiếp nhiều ngày do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới khiến dư luận xôn xao, hoang mang. Trước đó, thời tiết mưa dông khiến một số chuyến bay bị trễ, một số chuyến bay bị hủy nên ngay khi thông tin trên được đăng tải đã tạo ra hiệu ứng truy cập và "share” (chia sẻ) trạng thái thông tin của Facebook Phạm Thị Mùi.

Một thành viên của diễn đàn "Otofun”nhanh tay chụp lại màn hình của tài khoản "Phạm Thị Mùi” rồi đăng trên diễn đàn. Một số tờ báo điện tử đã ngay lập tức đã khai thác, đăng tin về việc tài khoản "Phạm Thị Mùi” đưa tin máy bay rơi...

Ngay trong chiều 20-7, sau khi mạng xã hội và các báo đưa thông tin trên, Phòng PC50 Công an TP Hà Nội đã khẩn trương báo cáo Ban Giám đốc và nhận được chỉ đạo nhanh chóng xác minh, làm rõ thông tin. Một tổ công tác Đội 3 PC50 đã lên đường tới Cảng hàng không quốc tế Nội Bài (thuộc Tổng Công ty Hàng không Việt Nam).

Qua làm việc, đại diện lãnh đạo Cảng hàng không quốc tế Nội Bài cho biết không có vụ việc tai nạn máy bay rơi nào xảy ra ở khu vực sân bay Nội Bài. Lãnh đạo Cảng hàng không quốc tế Nội Bài khẳng định tất cả những chuyến nay ở Nội Bài những ngày qua đều an toàn. Do đó, việc đưa thông tin bịa đặt trên mạng đã gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng xấu đến uy tín của ngành hàng không và tình hình an ninh trật tự.

Cảng hàng không quốc tế Nội Bài đã có văn bản gửi Ủy ban An ninh hàng không quốc gia và đề nghị Cơ quan công an điều tra làm rõ, xử lý theo pháp luật đối với người tung tin đồn.

Mặc dù đến tối cùng ngày, trên trang Facebook cá nhân "Phạm Thị Mùi” đã xóa bỏ thông tin "máy bay rơi”, song bằng các biện pháp trinh sát, truy nguồn thông tin trên mạng, đến sáng 21-7, Đội 3 PC50 đã làm rõ Phạm Thị Mùi (trú tại ngõ 58 Hoàng Đạo Thành, Kim Giang, Thanh Xuân) là chủ tài khoản "Phạm Thị Mùi”, đồng thời là người đăng tin. PC50 đã yêu cầu Phạm Thị Mùi tới trụ sở Cơ quan công an để làm việc.

Phạm Thị Mùi khai tốt nghiệp Đại học Công nghiệp hệ liên thông cao đẳng, hiện đang kinh doanh online các mặt hàng mỹ phẩm, thuốc giảm cân, thực phẩm chức năng.

Theo khai nhận của Mùi, khoảng 15h57 ngày 20-7, Mùi đọc được thông tin trên một tài khoản Facebook với nội dung "Mưa to quá, máy bay rơi luôn... thật là kinh khủng” kèm 5 hình ảnh máy bay rơi trên cánh đồng. Mùi liền tải 5 ảnh trên về điện thoại cá nhân, copy bài viết rồi  "biên tập”  viết thêm nội dung "Nội Bài này”, thêm địa điểm check in để mọi người tin tưởng rằng sự việc máy bay rơi đang diễn ra tại sân bay Nội Bài. Thông tin này được tung lên mạng vào 15h59 cùng ngày.

Thời điểm đăng tin trên, do Facebook bán hàng online của Mùi có 3.489 bạn bè, 10.854 người theo dõi nên chỉ trong thời gian ngắn đã có rất nhiều người đọc, chia sẻ thông tin.

Cũng theo lời khai của Mùi thì khoảng 5 phút sau, thấy có quá nhiều người quan tâm chia sẻ thông tin, gọi điện, nhắn tin hỏi thăm, Mùi tự nhận thấy thông tin mình đăng tải là không đúng sự thật nên Mùi đã tự xóa bài viết của mình.

 
Facebook bán hàng online của Phạm Thị Mùi, người tung tin máy bay rơi.

Theo nhận định của Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an TP Hà Nội, hành động đăng tin thất thiệt mang tính giật gân câu khách của những người kinh doanh online như Phạm Thị Mùi nhằm mục đích thu hút sự chú ý của mọi người để quảng cáo, bán hàng, vi phạm điểm g mục 3 Điều 66 Nghị định 174/2013/NĐ-CP "Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức; danh dự, nhân phẩm, uy tín người khác”.

Trước đó, PC50 Công an Hà Nội cũng đã xử lý một số trường hợp sử dụng tài khoản Facebook kinh doanh online đăng tin không đúng sự thật nhằm tăng lượng người truy cập.

Thông tin giả, hậu quả thật

Việc đăng tin không đúng sự thật của những người bán hàng online nhằm tăng lượng theo dõi không chỉ dừng ở những thông tin giật gân, kích thích sự tò mò của người đọc mà gần đây đã trở thành hành động vô cùng tàn nhẫn và độc ác. Cho đến thời điểm hiện tại, cơ quan chức năng chưa kết luận bất cứ thông tin vào về việc bắt cóc trẻ em được đăng tải trên mạng là đúng sự thật.

Thế nhưng  thông tin "bắt cóc trẻ em” đã trở thành chiêu trò trục lợi của những người bất nhẫn. Việc tung tin thất thiệt của họ đã khiến một số người vô tình gặp nạn, bị đánh bầm giập.

 Điển hình là việc ngày 22-7, trang Facebook cá nhân của một cô gái có tên Đ.T.H chuyên kinh doanh mỹ phẩm xách tay đăng thông tin kèm ảnh và clip 2 phụ nữ bị đánh đập (do người dân địa phương quay và đưa lên mạng) với nội dung "Cảnh báo bắt cóc trẻ em tại Thái Phù - Sóc Sơn”. Chỉ trong 2 giờ đồng hồ, bài đăng này đã nhận được 3.800 like và gần 12.000 lượt chia sẻ giúp lượng theo dõi của Facebook bán mỹ phẩm này tăng chóng mặt.

Tuy nhiên sự thật lại không đúng với thông tin mà Facebook Đ.T.H. đã đăng tải. Kết quả điều tra của Công an huyện Sóc Sơn cho thấy hồi 11h15 ngày 22-7, các chị Lê Thị Bảy (40 tuổi, ở Lê Thanh, Mỹ Đức) và Nguyễn Thị Phúc (52 tuổi, ở Sơn Công, Ứng Hòa, Hà Nội), đều là thành viên của HTX tình thương huyện Mỹ Đức, đến thôn Thái Phù, xã Mai Đình, huyện Sóc Sơn để bán tăm bông gây quỹ tình thương.

Khi tới nhà cháu Đinh Huy Anh (SN 2012), hai chị hỏi bố mẹ cháu có nhà không để bán tăm thì bị bà nội cháu là Nguyễn Thị Tốt (43 tuổi) đuổi ra khỏi nhà, đồng thời hô hoán "bắt cóc trẻ em”. Nghe tiếng hô, một số người dân trong thôn đã đuổi đánh 2 chị Bảy và Phúc đến địa phận khu 1 xã Minh Phú khiến cả hai chị bị thương, được Công an huyện đưa vào Bệnh viện Đa khoa Sóc Sơn khám và điều trị.

Hiện Công an huyện Sóc Sơn đang điều tra làm rõ, triệu tập những người liên quan đến vụ cố ý gây thương tích này để xử lý theo pháp luật, đồng thời Công an huyện cũng kết luận rõ chị Bảy và chị Phúc không có hành vi bắt cóc trẻ em.

Nguồn cơn của những sự việc hết sức bất nhẫn này xuất phát từ những tin đồn, nghi vấn về việc bắt cóc trẻ em là một trong những thông tin được dư luận xã hội và cộng đồng mạng đặc biệt quan tâm. Đỉnh điểm của những tin đồn chưa được kiểm chứng này là sự việc cháu bé 6 tuổi ở Quảng Bình bị mất tích và khi tìm thấy thì cháu đã bị sát hại.

Mặc dù cho đến nay, cơ quan chức năng chưa có kết luận về nguyên nhân dẫn đến cái chết thương tâm của cháu bé, nhưng thông tin trên mạng xã hội về nghi vấn cháu bé bị những kẻ bắt cóc giết hại đã dấy lên tâm lý bất an, lo lắng về an toàn của trẻ nhỏ và gây ra hội chứng đám đông hết sức căm phẫn khi nghe thấy cụm từ "bắt cóc trẻ em”.

Chính vì vậy, các hành vi cung cấp thông tin giả mạo về việc bắt cóc trẻ em trên mạng xã hội  khiến nhiều người bị kích động mạnh, dẫn đến các hành vi trái pháp luật, thậm chí  hành xử quy chụp có phần độc ác và  man rợ, coi thường luật pháp.

Trước đó, đêm 20-7, mạng xã hội lan truyền hình ảnh một nhóm người tập trung quanh một chiếc ô tô bị đập phá và đốt cháy rụi ở xã Lạc Hồng, huyện Thanh Hà, Hải Dương. Nội dung đăng tải cho rằng người dân nghi 2 người đàn ông đi trên ô tô vào làng có hành vi thôi miên bắt cóc trẻ em nên bị vây đánh, đốt xe.

Vào cuộc điều tra, Công an huyện Thanh Hà là rõ 2 người đàn ông đi ô tô là anh Trịnh Minh Hải, giám đốc một công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi ở Cẩm Giàng, Hải Dương và lái xe là Lê Văn Nam. Chiều tối 20-7, anh Hải và anh Nam đi ô tô của công ty về quê vợ ở xã Tân Việt, huyện Thanh Hà chơi. Khi tới khu vực thôn 3 Đồng Hới (xã Hồng Lạc), thấy có cửa hàng đồ gỗ của vợ chồng anh Phạm Đắc Bắc - chị Lê Thị Quyên, anh Hải bảo anh Nam dừng xe vào xem.

Khi vào, anh Bắc chỉ anh Hải sang kho hàng của gia đình gần đó xem mẫu. Xem xong, anh Hải bảo chị Quyên ghi báo giá ra giấy. Khi ra cửa kho tìm giấy bút, thấy có cảm giác chóng mặt, liên tưởng đến các vụ việc bị thôi miên đọc trên mạng xã hội, chị Quyên chạy sang nhà hàng xóm kêu "thôi miên, thôi miên”. Ngay lập tức, người hàng xóm hô hoán mọi người chặn xe ô tô.

Mặc dù anh Hải đã cố gắng giải thích song người dân không nghe, bao vây đánh anh Hải và lái xe. Bị kích động bởi thông tin cho rằng 2 người đàn ông đi ô tô "thôi miên bắt cóc trẻ em”, đám đông quá khích đã đập phá, lật đổ ô tô xuống ruộng rồi châm lửa đốt.

 
Vụ đốt xe ô tô do thông tin "thôi miên” ở Hải Dương.

Phải có trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội

Thượng tá Hà Thị Hằng, Phó Trưởng phòng PC50 Công an Hà Nội cho rằng, sự phát triển như vũ bão của Facebook thời gian qua tại Việt Nam đã thể hiện sức ảnh hưởng và tác động mạnh của mạng xã hội đối với cộng đồng. Facebook giờ đây đã trở thành phương tiện chuyển tải thông tin vô cùng hữu hiệu, thậm chí được coi là công cụ "làm báo cá nhân” của nhiều người.

Phong trào "làm báo Facebook” đã khiến nhiều người trở thành "con nghiện” và ảo tưởng khi có một không gian riêng trên mạng để đăng tải những gì mình thích. Đã và đang hình thành một bộ phận cư dân mạng trở thành những  "anh hùng bàn phím”, lên mạng là chém gió, bình luận vô tội vạ về bất cứ vụ việc, vấn đề, hiện tượng... đang diễn ra.

Cho rằng việc lập tài khoản Facebook, đăng thông tin là quyền cá nhân, nhiều người đã đưa lên trang mạng những thông tin không có thật kiểu giật gân, những tin đồn dạng tin "vỉa hè” không có kiểm chứng, những bình luận mang tính chủ quan, cảm tính cá nhân... mà không cần biết ảnh hưởng của những thông tin này tới cộng đồng và cá nhân, tổ chức có liên quan ra sao.

Thực tế thì mạng "ảo” nhưng lại gây hậu quả thật. Do có số lượng lớn người tham gia, theo dõi nên ảnh hưởng của thông tin trên mạng xã hội Facebook là rất lớn. Những thông tin chưa được kiểm chứng, thậm chí là tin bịa đặt, sai sự thật... khi được lan truyền và phát tán trên mạng xã hội không chỉ gây tâm lý hoang mang, hoài nghi cho người đọc mà còn gây thiệt hại cả về uy tín và vật chất cho các tổ chức, cá nhân liên quan đến thông tin thất thiệt.

Thượng tá Hà Thị Hằng, Phó Trưởng phòng PC50 Công an Hà Nội nhấn mạnh, lập Facebook để viết hoặc bình luận là quyền của mỗi người, nhưng một khi đã tham gia mạng xã hội thì mỗi cá nhân phải có trách nhiệm với cộng đồng, chịu trách nhiệm về thông tin mà mình đăng tải. Chính vì thế, khi đăng thông tin và bình luận, tuy là quan điểm cá nhân nhưng phải thể hiện tính xây dựng, phù hợp với thuần phong mỹ tục chứ không thể lợi dụng mạng xã hội để đưa thông tin sai sự thật, nhằm mục đích trục lợi cá nhân hoặc bôi xấu người khác.

Việc tung tin thất thiệt gây hoang mang cho mọi người là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy thuộc vào nội dung tin đồn, tính chất, mức độ, động cơ của hành vi, hậu quả của việc tung tin tác động đến xã hội như thế nào sẽ có hình thức xử lý tương ứng, từ xử phạt hành chính đến xử lý trách nhiệm hình sự.


                                                                             Theo Báo CAND


Các tin khác

Không có hình ảnh

Huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, toàn dân trong phòng, chống tội phạm

(HBĐT) - Ngày 26/7, Phó Thủ tướng TT Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng BCĐ 138/CP chủ trì hội nghị trực tuyến sơ kết công tác phòng, chống tội phạm; phòng, chống mua bán người 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm. Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh ta có đồng chí Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và các thành viên BCĐ 09 tỉnh.

Công an huyện Lạc Sơn: Xây dựng phong cách người công an bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ

(HBĐT) - "Chồng mất, con bị bệnh, bản thân sức khỏe yếu, bà Bùi Thị Dắt, xóm Nhụn, xã Yên Phú (Lạc Sơn) mừng lắm khi được nhận con bò trị giá 15 triệu đồng của Công an huyện trao tặng. Đó là tấm lòng của toàn thể CB, CS từ hành động tiết kiệm 2 bữa ăn sáng/tháng”- Đồng chí Bùi Tiến Phúc, Phó trưởng Công an huyện mở đầu câu chuyện với chúng tôi. Đến Công an huyện, điều ấn tượng là các đội nghiệp vụ đều treo ảnh Bác Hồ. Cả Công an huyện có 60 bảng khẩu hiệu liên quan đến học tập và làm theo Bác. Nói như đồng chí Bùi Tiến Phúc, mỗi khi đến cơ quan, phòng làm việc, mỗi người đều ý thức phải noi gương Bác.

Tặng quà cho CBCS là con thương binh, liệt sỹ

(HBĐT) - Ngày 25/7, Đảng ủy – Bộ CHQS tỉnh đã tổ chức gặp mặt, tặng quà cho CBCS là con thương binh – liệt sỹ đang công tác tại các cơ quan thuộc Bộ CHQS tỉnh nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh – liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2017).

LLVT Hòa Bình 70 năm xây dựng chiến đấu và trưởng thành

(HBĐT) - Tự hào về truyền thống vẻ vang trong 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, để giữ vững, tiếp tục phát huy hơn nữa, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, trong thời gian tới, LLVT tỉnh cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau đây:

Lực lượng nòng cốt trong phòng, chống tệ nạn xã hội ở cơ sở

(HBĐT)- "Mấy năm gần đây họ ít được nhắc đến trong các diễn đàn về ANTT của tỉnh. Tuy vậy, là những người quản lý ngành dọc, chúng tôi biết và nắm rõ: họ vẫn âm thầm, tình nguyện góp sức phòng, chống TNXH, giữ gìn địa bàn trong sạch” - Đó là những lời tâm huyết của Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Trung Dũng dành cho các thành viên Đội Công tác xã hội tình nguyện (CTXHTN) trên địa bàn.

Huyện Lương Sơn: Giám sát thực hiện việc tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù

(HBĐT) - Ngày 24/7, Ủy ban MTTQ tỉnh đã tổ chức giám sát thực hiện Nghị định số 80 ngày 16/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ về tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù, người đang chấp hành án treo và giám sát công tác lập hồ sơ quản lý và đưa người nghiện ma túy vào các trung tâm giáo dục, chữa bệnh và lao động xã hội. Tham gia đoàn giám sát có lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh, đại diện Công an tỉnh và một số sở, ngành, đoàn thể tỉnh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục