Dù tuổi cao, trí nhớ giảm sút nhưng mỗi khi nhắc lại chuyện cũ, cụ Lê Thị Tâm sôi nổi hơn trong những câu chuyện từ ký ức. Cụ Tâm nhớ lại: Sau khi hoàn thành lớp huấn luyện quân sự tại chiến khu Giằng Sèo, chúng tôi đã tỏa về các địa phương trong tỉnh, mở rộng, thúc đẩy phát triển phong trào Việt Minh. Từ Phương Lâm, Thịnh Lang, phố Đúng, phong trào đã lan nhanh, lan rộng ra toàn tỉnh. Sau lớp huấn luyện quân sự ở chiến khu Giằng Sèo, các lớp huấn luyện quân sự tiếp tục được mở ở nhiều nơi. Từ Tu Lý đến Hiền Lương vào đến Mường Diềm (Đà Bắc) rồi đến Thạch Yên (Cao Phong), Mường Khói (Lạc Sơn)... Cùng với các lớp huấn luyện quân sự là sự phát triển mạnh mẽ của các đội tự vệ vũ trang. Các đội tự vệ cứu quốc ở Lương Sơn, Mai Đà, Lạc Sơn, Kỳ Sơn, thị xã Hòa Bình... quân số lên tới hàng nghìn đội viên. Phong trào quần chúng mạnh, các đội tự vệ vũ trang được củng cố đã trở thành nền tảng cho các cuộc đấu tranh cách mạng. Đặc biệt là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân chỉ trong vòng 10 ngày (từ 17 - 26/8/1945).
Cách mạng tháng 8/1945 giành thắng lợi, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, gian khổ nhưng các đội tự vệ vũ trang đã được kiện toàn, lớn mạnh nhanh chóng. Nhất là khi thực dân Pháp quay lại tái chiếm Hoà Bình. Từ chỗ chỉ có thể làm chậm bước tiến trong các đợt càn quét của địch, các đơn vị LLVT từng bước củng cố, đủ sức chặn đánh địch, giành được những thắng lợi quan trọng. Điển hình như trận đánh đầu tiên của quân và dân Đà Bắc ở Suối Voi, dưới sự chỉ huy của anh hùng Triệu Phúc Lịch đã tiêu diệt hàng chục tên địch. Đặc biệt, ngay trong những ngày đầu thực dân Pháp tiến công Hoà Bình (1947), các đơn vị bộ đội địa phương dù còn non trẻ, thiếu về trang bị vũ khí nhưng đã phối hợp với các lực lượng, tổ chức đánh địch một cách quyết liệt. Thu - đông năm 1949 trong chiến dịch Lê Lợi, các đơn vị bộ đội chủ lực đã phối hợp với bộ đội địa phương, dân quân du kích đồng loạt bao vây, tấn công đồn bốt địch trên đường 6, đường 12A, đường 21, đường 15 và trên sông Đà... Trong chiến dịch này ta đã tiêu diệt và bức rút 30 đồn bốt giặc, diệt hàng trăm tên địch, phá huỷ hàng chục xe quân sự. Giải phóng khu vực rộng lớn, phá vỡ hành lang Đông - Tây của địch, buộc địch phải rút khỏi Hoà Bình. Có những trận đánh điển hình như trận đánh của dân quân du kích xã Mông Hóa phối hợp với Đại đội 16 (Kỳ Sơn), bộ đội chủ lực phục kích tại Cầu Dụ tiêu diệt 34 xe cơ giới và hàng trăm tên địch; trận Giang Mỗ (Bình Thanh - Cao Phong) ta diệt 10 xe cơ giới, trong đó có cả xe tăng. Những trận đánh đó đã mở đầu những trang sử vẻ vang của quân và dân Hoà Bình góp phần cùng với cả nước đánh thắng kẻ thù xâm lược.
Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, LLVT tỉnh một lần nữa thể hiện được vai trò cách mạng. Hàng nghìn con em ưu tú của tỉnh đã tình nguyện lên đường nhập ngũ, chiến đấu kiên cường, lập nhiều chiến công xuất sắc. ở hậu phương, quân và dân trong tỉnh đã xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân vững chắc. Mỗi bản làng trở thành một pháo đài, mỗi người dân là một chiến sỹ. Bộ đội địa phương, dân quân du kích phối hợp với bộ đội chủ lực tạo thành lưới lửa phòng không nhiều tầng, nhiều hướng đánh thắng cuộc chiến tranh bằng không quân của đế quốc Mỹ ra miền Bắc, lập chiến công bắn rơi máy bay Mỹ, bắt sống giặc lái, góp phần cùng các lực lượng phòng không làm nên chiến thắng 12 ngày đêm "Điện Biên Phủ trên không” trên bầu trời miền Bắc năm 1972.
M.H