Thực hiện âm mưu đó, địch tăng cường càn quét, bình định, chiếm đóng. Đầu năm 1948, địch từ Mai Châu tiến công đánh chiếm quốc lộ 12, các huyện: Lạc Sơn, Kỳ Sơn và Lương Sơn. Các mũi tiến công của địch đều có lực lượng lớn, có xe cơ giới, đại bác 105 mm bắn yểm trợ. Đối lập với quân Pháp, bộ đội địa phương, dân quân du kích của ta có lực lượng mỏng, súng đạn, mìn, lựu đạn thiếu thốn, bị chia cắt, bị tấn công từ nhiều hướng. Tuy vậy, với ý chí quyết chiến, quyết thắng cao độ, LLVT tỉnh, dân quân, du kích các địa phương đã phối hợp với các đơn vị bộ đội chủ lực của Trung đoàn 52 (Tây Tiến) chiến đấu anh dũng. Bằng chiến thuật phục kích, tập kích, chiến đấu theo các tổ, nhóm du kích nhỏ lẻ đã gây cho địch nhiều khó khăn và tổn thất đáng kể. Điển hình như trận đánh địch tại suối Măng (thuộc xã Tú Sơn - Kim Bôi ngày nay) chỉ với vũ khí thô sơ như mìn, lựu đạn, súng trường... nhưng bộ đội và lực lượng dân quân, du kích vẫn kiên cường chiến đấu, ngăn chặn mũi thọc sâu của địch vào vùng căn cứ của ta, tiêu diệt và làm tiêu hao một lượng lớn sinh lực địch. Trước sức kháng cự mạnh mẽ của ta, buộc quân Pháp phải rút lui. Nhờ đó, ta đã bảo vệ các cơ quan Ban Tỉnh ủy, ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh di chuyển an toàn.
Trong chiến đấu, dù lực lượng ít, vũ khí thô sơ nhưng bằng sự sáng tạo trong lối đánh du kích đã đạt hiệu quả rất cao. Tại một số địa phương vùng tạm chiếm, LLVT của ta sáng tạo, mưu trí, dũng cảm tổ chức đánh du kích ngay trong lòng địch. Một số nơi bước đầu đã phát huy được lối đánh du kích như du kích Yên Lương - Phú Lẫm (nay là xã Phú Lương - Lạc Sơn) sáng tạo trong cách đánh khi dùng rượu cần trộn với lá ngón để giết giặc; du kích đồng bào Dao xã Toàn Sơn (Đà Bắc) dùng bẫy đá, cần bật bằng tre để giết giặc...
Cùng với việc đẩy mạnh chiến đấu, công tác xây dựng lực lượng cũng luôn được chú trọng. Hàng nghìn người gia nhập các đơn vị bộ đội địa phương. Tính đến giữa năm 1949, toàn tỉnh đã xây dựng được 5 đại đội bộ đội địa phương gồm có Đại đội 39, Đại đội 6 của tỉnh, Đại đội 112 Lạc Sơn, Đại đội 121 Lương Sơn, Đại đội 16 Kỳ Sơn và Đại đội 100. Ngoài ra, còn có thêm 3 trung đội bộ đội địa phương làm nhiệm vụ bảo vệ hành lang giao thông trên tuyến quốc lộ 6.
Cùng với xây dựng và phát triển lực lượng bộ đội địa phương, lực lượng dân quân du kích cũng được mở rộng và phát triển nhanh. Nếu như ở thời điểm giữa năm 1947 toàn tỉnh chỉ có 5.000 người thì đến giữa năm 1949 đã tăng lên 14.000 người. Mỗi xã được biên chế thành 1 - 2 tiểu đội, 1 - 2 trung đội cấp huyện và đại đội cấp tỉnh. Với sự lớn mạnh không ngừng, LLVT tỉnh đã tổ chức được nhiều trận đánh làm tiêu hao sinh lực địch. Theo đó, tính từ tháng 7 - 10/1949, các đơn vị bộ đội địa phương và dân quân, du kích của tỉnh chiến đấu 37 trận. Trong đó, riêng tháng 8/1949 đã tổ chức đánh địch 18 trận. Từ đó góp phần làm cho phong trào chiến tranh du kích phát triển mạnh mẽ, ngày càng rộng khắp và hiệu suất chiến đấu ngày càng cao. Phong trào đánh địch của du kích cũng phát triển mạnh. Trên các tuyến quốc lộ 6, quốc lộ 12, quốc lộ 15, các cuộc hành quân, vận chuyển của địch hầu như thường xuyên vấp phải các trận phục kích, đánh mìn, phá cầu của bộ đội và du kích địa phương. Chỉ tính riêng trong năm 1949, các đơn vị LLVT tỉnh tổ chức đánh 122 trận. Trong đó có 58 trận phục kích, 13 trận tập kích, 14 trận diệt tề, 3 trận quấy rối, 20 trận chống càn, tiêu diệt được 236 tên địch, làm bị thương 157 tên, bắt sống 37 tên, thu, phá hủy hàng trăm khẩu súng và các phương tiện chiến tranh của địch...
M.H