Cơ sở bóc gỗ, sản xuất ván ép của anh Nguyễn Văn Đỉnh ở thôn Đồng Làng, xã Đồng Tâm (Lạc Thủy) tạo việc làm với thu nhập ổn định cho hơn 20 công nhân là người địa phương.
Theo thống kê, trên địa bàn huyện có 91 người chấp hành xong án phạt tù; lực lượng chức năng địa phương hiện quản lý 79 đối tượng hưởng án treo; 35 đối tượng đã được cấp giấy chứng nhận chấp hành xong thời gian thử thách; 2 đối tượng cải tạo không giam giữ. Ngoài ra, tính đến hết tháng 7/2017, trên địa bàn huyện có 45 người nghiện ma tuý, 29 người nghi có sử dụng các chất ma tuý ở 11/15 xã, thị trấn. Trong đó có 2 người đang sử dụng methadone. Đáng nói, hầu hết số người sau khi chấp hành xong án phạt tù, các đối tượng hưởng án treo và số người nghiện trên địa bàn huyện đều là lao động tự do và làm nông nghiệp. Do vậy, việc hỗ trợ, tạo điều kiện giúp đỡ những người lầm lỗi tái hoà nhập cộng đồng trên địa bàn huyện còn nhiều khó khăn.
Trước thực trạng đó, theo trung tá Hà Văn Thành, Phó trưởng Công an huyện Lạc Thuỷ được biết: Trên thực tế việc hỗ trợ người lầm lỗi trên địa bàn huyện tái hoà nhập cộng đồng, tự lực trong phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với người nghiện ma tuý. Bởi lẽ, hầu hết người nghiện ma tuý trên địa bàn huyện đều ở ngoài xã hội, nhiều người đi làm ăn xa. Do vậy, việc quản lý, tiếp cận để tư vấn, giúp đỡ của lực lượng chức năng, cấp uỷ, chính quyền địa phương và các ngành, đoàn thể cũng còn nhiều hạn chế. Trước những khó khăn đó, Công an huyện chủ động tham mưu cấp uỷ, chính quyền các cấp chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm túc các văn bản quy định, hướng dẫn của cấp trên về công tác quản lý, giáo dục các đối tượng chấp hành xong án phạt tù, đang thi hành án treo, án cải tạo không giam giữ... trong quá trình triển khai thực hiện đã lồng ghép với việc thực hiện các chương trình, mục tiêu quốc gia về phòng - chống tội phạm, phòng - chống ma tuý và phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ ở địa phương.
Cùng với đó, lực lượng Công an huyện đã chủ động tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn tổ chức tiếp nhận, quản lý, giáo dục và giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù. Theo đó, sau khi người chấp hành xong án phạt tù về trình diện, lực lượng Công an xã, thị trấn tiếp nhận, lập hồ sơ, sổ sách theo dõi, quản lý. Đồng thời, tham mưu cho Chủ tịch UBND xã, thị trấn ra quyết định phân công các tổ chức, đoàn thể, cá nhân trực tiếp giám sát, giáo dục và giúp đỡ họ tái hoà nhập cộng đồng. Trung tá Hà Văn Thành nhấn mạnh: Chính từ việc hỗ trợ, giúp đỡ người lầm lỗi chấp hành xong hình phạt tù ngay khi họ vừa trở về hay những người đang chấp hành án treo tại địa phương đã làm cho họ cảm thấy yên tâm, dần xoá đi mặc cảm, tự ti chính là điều kiện tiên quyết, quan trọng hướng họ vào những việc tốt, không tái phạm.
Ví như trường hợp của anh Nguyễn Văn Đỉnh ở thôn Đồng Làng, xã Đồng Tâm. Cách đây 3 năm, Đỉnh phạm tội đánh bạc, bị TAND huyện Lạc Thuỷ xử phạt 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Trong quá trình chấp hành án tại địa phương, Nguyễn Văn Đỉnh luôn được cấp uỷ, chính quyền giám sát, động viên, giúp đỡ. Từ sự động viên kịp thời của cấp uỷ chính quyền, Nguyễn Văn Đỉnh không tái phạm. Đồng thời mở rộng quy mô cơ sở sản xuất xưởng bóc gỗ, sản xuất ván ép của gia đình, thu hút, tạo việc làm ổn định cho hơn 20 công nhân là người địa phương với mức lương từ 7 - 8 triệu đồng/người/tháng.
Không riêng trường hợp của anh Nguyễn Văn Đỉnh mà từ sự giúp đỡ của cấp uỷ, chính quyền, các đoàn thể, nhiều người lầm lỗi ở huyện Lạc Thuỷ đã xoá bỏ mặc cảm, tự ti, bước qua những lầm lỗi của quá khứ tái hoà nhập cộng đồng, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.
Mạnh Hùng
(HBĐT) - Trong tháng 8, trên địa bàn huyện Lương Sơn xảy ra 13 vụ vi phạm trật tự an toàn xã hội, tăng 1 vụ so với tháng trước.