Trưởng Ban Nội chính Tỉnh uỷ Đinh Quốc Liêm cho biết: Với chức năng, nhiệm vụ được giao, từ năm 2013 đến nay, Ban Nội chính Tỉnh uỷ đã chủ động tham mưu cho cấp ủy đưa vào danh sách theo dõi, chỉ đạo giải quyết 15 vụ án tham nhũng và một số vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, liên quan đến ANCT - TTATXH trên địa bàn tỉnh. Để có cơ sở pháp lý vững chắc phục vụ công tác tham mưu giúp Thường trực Tỉnh ủy, BTV Tỉnh uỷ trong lãnh đạo, chỉ đạo, Ban Nội chính Tỉnh ủy đã phối hợp với các địa phương, đơn vị tiến hành rà soát và nghe báo cáo từng vụ việc, vụ án, thường xuyên báo cáo tiến độ, đánh giá những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc để tham mưu, chỉ đạo giải quyết kịp thời. Phân công cán bộ có năng lực, trình độ, kinh nghiệm thực tiễn trong hoạt động tố tụng theo dõi chặt chẽ quá trình giải quyết các vụ việc, vụ án của các cơ quan tiến hành tố tụng. Do có sự triển khai thực hiện bài bản, sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng, các địa phương và sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Thường trực, BTV Tỉnh uỷ, chất lượng, hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đối với các vụ án tham nhũng và việc giải quyết các vụ việc phức tạp trên địa bàn ngày càng được nâng cao.
CB,CC Ban Nội chính Tỉnh ủy trao đổi nâng cao trình độ nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao.
Nhắc lại một trong những vụ án được đưa vào danh sách theo dõi, chỉ đạo giải quyết trong những ngày đầu Ban Nội chính Tỉnh uỷ mới thành lập, Phó trưởng Ban Nội chính Tỉnh uỷ Phạm Minh Long cho biết: Vụ Hoàng Công Tám, nguyên Chủ tịch HĐQT Quỹ tín dụng nhân dân Hoà Sơn (Lương Sơn) chỉ đạo cán bộ cấp dưới lập khống hồ sơ cho vay để chiếm đoạt hơn 7 tỷ đồng là một trong những vụ án đầu tiên Ban Nội chính tỉnh tiến hành theo dõi, đôn đốc ngay sau khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm. Theo đó, cơ quan điều tra đã xác định từ năm 2009 - 2012, Tám đã đưa thông tin sai sự thật về việc làm ăn của mình để làm hồ sơ vay tiền tại Quỹ tín dụng nhân dân Hòa Sơn. Bằng thủ đoạn đó, Tám đã vượt quá quy định vay và cho vay trong hoạt động tín dụng. Chỉ đạo cán bộ cấp dưới lập khống 68 bộ hồ sơ cho vay để chiếm đoạt hơn 7 tỷ đồng. Với hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản, Tám đã phải chịu mức án 20 năm tù giam.
Vụ án Hoàng Như Huy, cán bộ Ngân hàng NN&PTNT huyện Cao Phong cũng để lại dấu ấn đậm nét cho những cán bộ Ban Nội chính Tỉnh uỷ trong quá trình theo dõi, chỉ đạo. Là cán bộ tín dụng, Huy có trách nhiệm thu tiền lãi và gốc của các hộ vay vốn tại đơn vị. Khi thu được hơn 4,8 tỷ đồng, Huy chỉ nộp về chi nhánh Ngân hàng hơn 500 triệu đồng để làm thủ tục thanh toán. Số tiền còn lại, Huy chiếm đoạt và sử dụng để đánh lô, đề, cờ bạc... Với sự theo dõi, chỉ đạo sát sao suốt quá trình điều tra, truy tố, xét xử, Huy đã bị tuyên phạt 15 năm tù về tội tham ô tài sản.
Quá trình theo dõi, chỉ đạo vụ án Xa Thị Son, kế toán ngân sách xã Đồng Chum (Đà Bắc) lợi dụng chức vụ tham ô trên 172 triệu đồng là một trong những vụ cán bộ Ban Nội chính Tỉnh uỷ trải qua nhiều vất vả. Không chỉ nghiên cứu kỹ hồ sơ, những cán bộ được phân công theo dõi vụ án đã không quản đường sá xa xôi về tận cơ sở để rà soát kỹ lưỡng những vấn đề có liên quan. Theo đó, cơ quan điều tra đã xác định, ngoài tội tham ô tài sản, Xa Thị Son còn có hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng với số tiền 497 triệu đồng. Hai cán bộ chủ chốt là Xa Trung Hoa, nguyên Bí thư Đảng uỷ và Xa Thanh Xóm, nguyên Chủ tịch UBND xã Đồng Chum đã bị khởi tố về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Theo đó, Xa Thị Son đã phải chịu mức án 7 năm tù và 2 cán bộ chủ chốt của xã cùng chịu mức án 30 tháng tù treo.
Tham nhũng bao gồm các hành vi: tham ô tài sản; nhận hối lộ; lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; lạm quyền trong khi thi hành công vụ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi... Theo đó, đối tượng trong các vụ án đều là CB,CC,VC và không ít người được giao trọng trách ở các cơ quan, đơn vị, địa phương nên có nhiều mối quan hệ, gây nhiều khó khăn cho các cơ quan tố tụng. Thực tế đó càng đòi hỏi trong quá trình theo dõi, đôn đốc cán bộ Ban Nội chính Tỉnh uỷ phải có thái độ hết sức kiên quyết để đảm bảo đúng người, đúng tội, không bỏ lọt tội phạm và các bản án có hiệu lực được thi hành nghiêm túc.
Vụ án Nguyễn Minh Nghia, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã; Nguyễn Đức Thọ, cán bộ địa chính xã Cao Thắng (Lương Sơn) lợi dụng chức vụ trong khi thi hành công vụ (tự bán đất di dân cho 3 hộ với số tiền 220 triệu đồng nhưng bỏ ngoài sổ sách và không làm thủ tục cho các hộ dân) là một minh chứng. Kết thúc vụ án, TAND huyện Lương Sơn tuyên phạt Nguyễn Minh Nghia 42 tháng tù giam; Nguyễn Đức Thọ, 12 tháng tù giam. Tuy nhiên sau khi bản án có hiệu lực, Nguyễn Minh Nghia vẫn về sinh sống tại địa phương. Thông qua công tác kiểm tra, rà soát, đôn đốc của Ban Nội chính Tỉnh uỷ, Nguyễn Minh Nghia đã phải chịu thi hành án phạt tù theo quy định của pháp luật.
Nhìn lại kết quả hơn 3 năm qua, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh uỷ Đinh Quốc Liêm đánh giá: Trên cơ sở sự chỉ đạo của T.ư, của tỉnh và tình hình thực tiễn của địa phương, việc theo dõi, đôn đốc, chỉ đạo điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng và giải quyết một số vụ việc nghiêm trọng, phức tạp trên địa bàn tỉnh của Ban Nội chính Tỉnh ủy có ý nghĩa quan trọng trong chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, tồn tại, đúc rút được nhiều kinh nghiệm hay góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động tố tụng trên địa bàn tỉnh. Những kết quả đó đã góp phần khẳng định quan điểm của Đảng ta về xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân.
Đức Phượng