Trò chuyện với chúng tôi, ông chia sẻ: Tớ đi bộ đội vào tháng 2/1961, bước sang tuổi 18 vừa tròn 2 tháng. Sau quá trình huấn luyện tân binh, chúng tớ được đưa về Trung đoàn 9, Sư đoàn 304 tham gia chiến đấu tại chiến trường Tây Nguyên. Đến cuối 1963, tớ là 1 trong 90 người được chọn để đưa trở lại huấn luyện đặc biệt tại Xuân Mai. Sau khi huấn luyện, đơn vị tớ được trở lại chiến trường Tây Nguyên. Đây là chuyến đi bí mật không ai được biết, ngay cả chúng tôi cũng không biết là mình sẽ đi đâu...
Trở lại chiến trường Tây Nguyên, ông cùng đồng đội được biên chế vào Đại đội 8, Tiểu đoàn 966, Trung đoàn 320 mặt trận Tây Nguyên. Tại đây, ông được tham gia nhiều trận đánh ác liệt, nhưng kỷ niệm đáng nhớ nhất là ông được giao làm chỉ huy trận đánh tại Dinh Điền Thánh Giáo ngày 1/6/1965. Khi đó, ông là Trung đội phó, nhận được tin báo có một phái đoàn thanh tra của quân đội Sài Gòn, cố vấn Mỹ và một số cán bộ cao cấp của Nguỵ quyền đi kiểm tra tình hình chiến đấu của Nguỵ quân tại quận lỵ Lệ Thanh gần thị trấn Đức Cơ (Kon Tum). Tại đây, trong khoảng vài chục phút, đơn vị của ông và đơn vị bạn đã tiêu diệt 15 xe cơ giới, hàng chục tên lính ngụy. Trận đánh này, ông vẫn bảo đó là một trận đánh "tuyệt đẹp”.
Những ký ức thời "hoa lửa” luôn được CCB Vũ Minh Thám trân trọng, lưu giữ.
Trong suốt quá trình tham gia chiến đấu cho đến khi bị thương nặng phải ra Bắc điều trị, anh lính Vũ Minh Thám còn tham gia nhiều "trận đánh tuyệt đẹp” nữa. Nhất là trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. Trong giai đoạn này, ông được đề bạt làm tiểu đoàn phó rồi tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 6 trực thuộc mặt trận B3. Trong giai đoạn đầu của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, đơn vị của Vũ Minh Thám có nhiệm vụ phối hợp với tiểu đoàn đặc công 407 đánh vào thị xã Plâycu với các mục tiêu Đài phát thanh, khu quân cảnh Mỹ; phối hợp cùng với lực lượng biệt động thành đánh vào dinh tỉnh trưởng.
Sau khi có mệnh lệnh hành quân, toàn đơn vị của Vũ Minh Thám bí mật áp sát ngoại vi thị xã chờ mệnh lệnh tấn công. Ngay khi bài thơ chúc Tết của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam từ Thủ đô Hà Nội được phát đi, lẫn trong tiếng pháo đón giao thừa của đồng bào là tiếng súng của những chiến sỹ giải phóng đã vang dội khắp trên toàn miền Nam.
ở thị xã Plâycu, tiểu đoàn của Vũ Minh Thám đã nhanh chóng làm chủ Đài phát thanh, khu quân cảnh Mỹ và dinh tỉnh trưởng.
Sau trận đánh, xác định đây chỉ là sự khởi đầu trong toàn chiến dịch. Ngoài ra, việc chốt giữ các mục tiêu sẽ rất khó khăn khi địch phản kích, tiểu đoàn trưởng Vũ Minh Thám đề nghị với cấp trên không chốt giữ mục tiêu mà cho rút quân ra bên ngoài, cách thị xã khoảng 5km để tập trung đánh địch phản kích, tiêu diệt sinh lực địch. Đúng như nhận định, sau đòn đánh bất ngờ, ngay hôm sau địch tổ chức phản kích. Tuy nhiên, chúng liên tiếp bị tiểu đoàn của Vũ Minh Thám giáng cho những đòn đau trong năm 1968 như trận đánh trên tuyến đường số 14 từ nam Kon Tum đến bắc Plâycu ngày 15/5/1968, trong khoảng 40 phút, ta đã tiêu diệt 52 xe cơ giới của địch. Trong đó, có 16 xe tăng, bắn rơi 5 máy bay, tiêu diệt 120 tên, bắt sống 4 tên, trong đó có 1 tên Mỹ. Hay trận đánh tiêu diệt cứ điểm Chưha tây ngày 22/8/1968. Đây là cứ điểm có tính chất tiền đồn bảo vệ và ngăn chặn sự tấn công của ta theo trục đường số 5 từ hướng tây xuống. Với sự chỉ huy mưu trí, tài tình của Tiểu đoàn trưởng Vũ Minh Thám, Tiểu đoàn 6 đã tiêu diệt gọn căn cứ này, xé toang chốt bảo vệ phía tây của thị xã Plâycu... Đến giờ, trong ký ức của người CCB Vũ Minh Thám và những người lính đã từng chiến đấu ở Tiểu đoàn 6 mặt trận B3 thì những trận đánh của họ luôn là những "trận đánh tuyệt đẹp”.
Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, giọng người chỉ huy tiểu đoàn anh dũng năm nào bỗng trùng lại: Thú thật là cho đến bây giờ tớ vẫn thấy tiếc khi phải rời xa mặt trận, rời xa anh em lúc còn quá sớm; khi mình vẫn muốn được cống hiến, muốn được đánh nhiều trận hơn nữa. Thế nhưng sau 4 lần bị thương với 8 vết đạn trên người, đến năm 1969 tớ buộc phải ra Bắc điều trị.
Điều này được ông trải lòng trong những trang hồi ký. ông viết: "Những vết thương trên khắp cả thân người. Một vết sẹo lớn hằn trên khuôn mặt. dấu vết của 1 viên đạn bắn thẳng mà kẻ thù đã bắn trúng tôi trong trận tiến công vào khu chuyên viên quân sự Mỹ ở thị xã Plâycu ngày 15/10/1968 vào lúc 11h đêm. Sau 4 tháng điều trị tại Bệnh viện 211 ở đông bắc Campuchia. Vết thương tạm ổn định và tôi cũng rời khỏi chiến trường vào cuối tháng 3/1969... Gần 6 năm chiến đấu trên chiến trường với gần 50 trận đánh lớn nhỏ, đủ các hình thức chiến thuật. Tôi tự hào với sự cống hiến nhỏ bé của mình...”
Trở về từ sau cuộc chiến, dù ở cương vị công tác nào, "dũng sỹ diệt Mỹ” - CCB Vũ Minh Thám cũng nêu gương, xung phong hoàn thành nhiệm vụ. Khi trở về với đời thường, ông được tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch UBND phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) liên tục trong nhiều năm liền và trở thành tấm gương sáng về sự cần kiệm, liêm chính...
Mạnh Hùng