Bị
cáo Trần Kim Ngân tại tòa - Ảnh: TUYẾT MAI
Ngày 10-4, TAND cấp cao tại TP.HCM đã mở phiên tòa phúc thẩm xét
xử bị cáo Trần Kim Ngân (24 tuổi, quê Bạc Liêu) về tội "giết người trong
trạng thái tinh thần bị kích động mạnh" theo kháng nghị của Viện KSND
TP.HCM.
Theo nội dung vụ án, vào tháng 9-2016 Ngân và anh Lương Địch
Lân (25 tuổi) quen nhau qua mạng xã hội. Sau khoảng 3 tháng chat với nhau, cả
hai quyết định gặp mặt.
Khoảng 21h30 ngày 30-11-2016, anh Lân đến nhà trọ ở đường Hậu
Giang, quận 6, TP.HCM chở Ngân ra bãi đất trống phía sau chùa Huê Nghiêm, quận
2 để nói chuyện.
Khi Ngân đang ngồi trên xe thì anh Lân ôm hôn nhưng bị Ngân đẩy ra
và xuống xe đi bộ. Anh Lân tiếp tục sàm sỡ và lại bị kháng cự nên đẩy bạn gái
ngã xuống, định cưỡng hiếp. Lúc này, có người đi đường ngang qua, Ngân định tri
hô thì anh Lân bịt miệng, rút dao ra uy hiếp buộc cô phải im lặng.
Sau đó, Lân tiếp tục dùng vũ lực cưỡng bức nhưng bị Ngân chống trả
quyết liệt. Trong lúc giằng co, lưỡi dao đâm trúng bụng Lân. Ngân liền cắn vào
tay Lân, giật lấy con dao rồi bỏ chạy. Chạy được vài bước, Ngân bị Lân kéo lại,
cô quay lại đâm một nhát vào ngực trái anh này rồi vứt dao vào bụi cỏ.
Sau khi gây án, Ngân đi bộ ra đường kể lại sự việc cho người đi đường
rồi nhờ đón taxi giúp để về phòng trọ. Riêng Lân cố chạy xe máy ra đường lớn cầu
cứu nhưng tông vào hàng rào và tử vong ngay sau đó. Sáng hôm sau, Ngân ra
công an đầu thú.
Trong phiên tòa sơ thẩm, Ngân bị Viện KSND TP.HCM đề nghị mức án từ
7-8 năm tù về tội "giết người". Tuy nhiên, TAND TP.HCM đã chuyển tội
danh từ tội "giết người" thành tội "giết người trong trạng thái
tinh thần bị kích động mạnh" và tuyên phạt Ngân mức án 9
tháng 12 ngày tù.
Sau bản án sơ thẩm, VKSND TP.HCM đã kháng nghị theo hướng đổi tội
danh từ "giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh"
sang tội "giết người" với khung hình phạt từ 7-15 năm tù.
Tại phiên tòa phúc thẩm sáng nay, đại diện Viện KSND cấp cao tại
TP.HCM cho rằng bản án sơ thẩm đã xét xử đúng người, đúng tội nên đã rút kháng
nghị trên.
Từ đó, HĐXX cấp phúc thẩm quyết định đình chỉ xét xử vụ án phúc thẩm,
bản án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật.
TheoTuoitre