Với phương châm nhân dân tự nguyện, tự giác, tự phòng, tự quản, tự đảm bảo kinh phí hoạt động, những năm qua, mô hình tự quản trong cộng đồng được phát triển rộng khắp. Hiện toàn tỉnh đã xây dựng, duy trì, nhân rộng được 4.225 mô hình tự quản trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội. Trong đó, có 340 khu dân cư, 69 xã, phường, thị trấn, 4 huyện, thành phố xây dựng được 1.598 tổ liên gia tự quản; 343 dòng họ tự quản, ổ nhà tự quản; 842 mô hình đoạn đường phụ nữ tự quản về vệ sinh môi trường... Trong đó, một số huyện xây dựng nhiều mô hình như Yên Thủy 895 mô hình, Mai Châu 772 mô hình, Lạc Sơn 730 mô hình, Lạc Thủy 615 mô hình...
Công an huyện và thị trấn Kỳ Sơn (Kỳ Sơn) trao đổi, nắm bắt hoạt động tổ tự quản về ANTT tại khu 5.
Khơi dậy tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, phát huy nội lực, thế mạnh của hộ gia đình và để giúp đỡ, hỗ trợ nhau về KH-KT, cây, con, giống, vốn, tìm đầu ra cho sản phẩm..., 431 mô hình tự quản trên lĩnh vực kinh tế được xây dựng, tiêu biểu như mô hình "Giúp nhau kỹ thuật, cây giống và tiêu thụ sản phẩm” của huyện Tân Lạc, mô hình "Tổ liên gia tự quản để làm tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế”, "Vay vốn không lãi”, "Kinh tế hộ gia đình” của thành phố Hòa Bình... Hoạt động của các mô hình tự quản đã giúp các gia đình có điều kiện, tiềm lực thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. Trong lĩnh vực văn hóa, xã hội có 1.068 mô hình tự quản về bảo vệ môi trường, DS-KHHGĐ... Được xây dựng nhiều nhất và được các cấp ủy xác định là nội dung quan trọng để đảm bảo ổn định ANCT, TTATXH ở cơ sở là xây dựng mô hình tự quản trên lĩnh vực ANTT. Đến nay, toàn tỉnh xây dựng được 2.756 mô hình tự quản về ANTT, tiêu biểu như "Làng, bản văn hóa - quốc phòng”, "Tổ liên gia tự quản, khu dân cư tự quản về an ninh”, "Gia đình 2 quản, thôn, xóm 3 quản”, "ổ nhà tự quản, dòng họ tự quản, xứ đạo tự quản”, "Tiếng kẻng an ninh vây bắt tội phạm”... Các mô hình hoạt động có nền nếp, thành viên tổ tích cực tuyên truyền chính sách, pháp luật, tuần tra, kiểm soát giữ gìn khu dân cư bình yên. Qua đó nêu cao tinh thần cảnh giác đấu tranh phòng, chống tội phạm trong nhân dân. Những biểu hiện vi phạm của các hộ dân được nhắc nhở, các vụ việc tranh chấp, mâu thuẫn, xích mích được hòa giải kịp thời, ngăn ngừa vụ việc phức tạp phát sinh, không để xảy ra điểm nóng, giảm bớt tai - tệ nạn xã hội tại khu dân cư. Thông qua mô hình, quần chúng nhân dân cung cấp nhiều thông tin có giá trị giúp lực lượng Công an đẩy nhanh quá trình giải quyết các vụ án.
Đánh giá của Tỉnh ủy sau 2 năm thực hiện Chỉ thị số 22-CT/TU ngày 1/11/ 2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc xây dựng và nhân rộng các mô hình tự quản trong cộng đồng dân cư nêu rõ: Hoạt động tự quản ở khu dân cư từng bước đi vào nề nếp, có chiều sâu, nhiều mô hình có sức lan tỏa rộng, hiệu quả rõ nét được các cấp, ngành triển khai xây dựng, nhân rộng. Tuy nhiên, việc xây dựng và nhân rộng các mô hình tự quản trong cộng đồng dân cư là chủ trương mới, T.ư chưa ban hành văn bản hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của tổ tự quản. Công tác phối hợp giữa các cấp, ngành trong việc hướng dẫn quy trình đăng ký thành lập, quản lý tổ chức, hoạt động của mô hình tự quản còn thiếu chặt chẽ, thống nhất. Nhận thức của một số người dân ở một vài nơi về mô hình tự quản chưa đầy đủ, chưa xác định rõ nội dung tự quản nên có những mô hình sau khi thành lập hoạt động mang tính hình thức, hiệu quả không cao. Để phát huy vai trò của mô hình tự quản cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về xây dựng, nhân rộng mô hình tự quản trong cộng đồng dân cư; phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội đối với việc xây dựng mô hình tự quản; lựa chọn nội dung, cách thức tự quản ở khu dân cư phù hợp với thực tế, ý chí, nguyện vọng của người dân khi xây dựng mô hình, tạo sự đồng thuận, phát huy tính chủ động, sáng tạo, tự nguyện của nhân dân khi tham gia thực hiện.
Hà Thu