Xã Hùng Tiến ngày nay thuộc xã Nật Sơn trước kia, nơi đây đã ghi dấu ấn chiếc nôi cách mạng của Đảng với sự ra đời của Chi bộ Đảng xã Nật Sơn – cơ sở đầu tiên của huyện Kim Bôi vào ngày 11/5/1947. Năm 1946, thực hiện chủ trương xây dựng lực lượng vũ trang, chính quyền xã và các đoàn thể vận động 100% thanh niên tham gia ghi tên vào đội tự vệ. Tại trụ sở ủy ban hành chính xã ở xóm Chỉ Trong luôn có cán bộ thường trực để kịp thời giải quyết các vấn đề xảy ra. Các đồng chí được phân công đến các xóm động viên tinh thần chuẩn bị kháng chiến, chỉ đạo nhân dân khẩn trương thu hoạch sắn và hoa màu. Bên cạnh đó, thành lập đội tự vệ trang bị một số vũ khí và tham gia lớp huấn luyện quân sự do Châu bộ Việt Minh tổ chức.
Thời đó, ông Thọ mới chỉ là một thiếu niên. Gia nhập đội tự vệ, trở thành chiến sĩ du kích khi mới ở tuổi 14, đối với ông vừa là thách thức, vừa là cơ hội. ông Thọ tâm sự: "Lúc bấy giờ tôi là thành viên trẻ nhất của đội tự vệ được thành lập năm 1946 gồm 36 người do ông Bùi Văn Bốn (người xóm Khả, xã Bắc Sơn ngày nay) là đội trưởng. Tuy tuổi nhỏ những chí không nhỏ, tôi luôn chăm chỉ, tập trung luyện võ, tập bắn súng, chế tạo chông làm bẫy để cố gắng theo kịp các anh chị lớn tuổi hơn, có sức khỏe hơn. Khi đó, tôi đã ý thức được trách nhiệm của mình khi cầm cây súng trên tay, đó là bảo vệ gia đình, đồng bào, quê hương mình, nhưng cũng đồng thời là thách thức đối với một thiếu niên”. Trong số 36 chiến sĩ tự vệ, có 16 người là con em của xã Hùng Tiến ngày nay thuộc các xóm Ba Bị, Bái, Chỉ Ngoài và Chỉ Trong.
Ông Bạch Công Thọ (bên phải), xóm Bái, xã Hùng Tiến (Kim Bôi) là chiến sĩ du kích năm xưa tham gia kháng chiến chống Pháp đang giới thiệu về lịch sử khu căn cứ đội tự vệ xã.
Chăm chú theo lời kể của người chiến sĩ du kích ở tuổi 86, khi nghe ông nhắc đến xóm Ba Bị, chúng tôi không khỏi tò mò về lai lịch của cái tên đó. ông chậm rãi nói: "Cái tên đó là cả một câu chuyện dài về tinh thần chống giặc Pháp của quân dân Hùng Tiến đó”. Theo lời kể của ông Thọ, năm 1949, quân Pháp tiến quân phải đi qua khu vực dốc Cõi. Tại đây, các chiến sĩ du kích đã nhận lệnh phục kích, gài mìn nhằm ngăn chặn không cho địch đi qua để vào trung tâm xã. ông Thọ cũng là người trực tiếp tham gia gài các bẫy mìn tại dốc Cõi. Cuộc đọ súng ác liệt nổ ra ngay sau lần đầu tiên quân địch tiến đến đã bị du kích của ta chặn đứng đường tiến quân với lối đánh thông minh. Trong 2 lần tiến quân sau đó, mỗi lần cách nhau từ 3 ngày - 1 tuần, các chiến sĩ du kích của quân ta chiến đấu quả cảm, quyết liệt, nhất định không để quân địch đạt được mục đích. Lần thứ 3 địch tiến công là vào ban đêm, khi đó đội tự vệ được lệnh nổ mìn lấp đường đi quân của địch, buộc địch phải vòng đường khác đi sang Thung Bái. Đội tự vệ của ông tham gia đánh trận này không ai hi sinh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà cấp trên giao. Từ đó, cái tên "xóm Ba Bị” ra đời gắn với sự việc địch 3 lần tiến công bị quân du kích của ta chặn lại ở dốc Cõi. Nơi đó ngày nay đã trở thành ký ức mà ông Thọ thường kể cho con cháu cũng như hoài niệm mỗi khi nhớ về đồng đội.
Người chiến sĩ du kích với chiếc lưng còng của tuổi già và cây gậy chống từng bước chậm rãi dẫn chúng tôi đến khu nhà là căn cứ của đội tự vệ năm xưa cũng thuộc xóm Bái. Theo quan sát, khu căn cứ gồm 2 dãy nhà, mỗi dãy chừng 100 m2 với 5 phòng. Phía dưới mỗi phòng ở giáp mặt đất phía bên ngoài có một hầm nhỏ đủ cho một người trú ẩn nếu địch đánh bom. Khoảng giữa của 2 dãy nhà là sân luyện tập, duyệt đội hình đội ngũ. Cùng chúng tôi ôn lại những kỷ niệm khi sống, chiến đấu cùng đồng đội tại khu căn cứ này, ông Thọ không khỏi xúc động.
Từ khi xã Hùng Tiến tách ra khỏi xã Nật Sơn, ông Thọ được phân công làm Xã Đội trưởng trong 9 năm. ông vinh dự được trao huy hiệu 55 năm tuổi Đảng. Người đảng viên tận tụy, dũng cảm ấy chưa bao giờ quên những ngày tháng oanh liệt. Chiến tranh đã lùi xa nhưng câu chuyện về sự anh dũng kháng chiến chống giặc ngoại xâm của ông Thọ cũng như một lời nhắc nhở đến thế hệ trẻ phải góp sức, trí tuệ xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh.
Thanh Sơn