(HBĐT) - Tình hình khiếu nại, tố cáo (KNTC) của công dân còn diễn biến phức tạp. Chủ yếu liên quan đến lĩnh vực thu hồi, bồi thường và hỗ trợ đất đai; việc thực hiện chính sách xã hội, kỷ luật cán bộ, công chức... Khi phát hiện KNTC tại cơ sở thì việc thẩm tra, xác minh còn nhiều bất cập, phương án giải quyết thiếu thuyết phục. Vì vậy đã gây ra bức xúc trong nhân dân, dẫn đến tình trạng khiếu kiện vượt cấp, kéo dài. Vậy đâu là giải pháp để nâng cao chất lượng công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC, từng bước chấm dứt tình trạng khiếu kiện vượt cấp, kéo dài?

KNTC còn diễn biến phức tạp

Không phải là địa bàn "nóng” về tình hình KNTC của công dân nhưng theo đồng chí Hà Văn Bổng, Chánh Thanh tra huyện Mai Châu thì chỉ tính trong những tháng đầu năm 2018, cơ quan chức năng huyện Mai Châu đã tiếp nhận 88 đơn KNTC, kiến nghị, phản ánh. Trong đó, cấp huyện tiếp nhận 19 đơn, cấp xã tiếp nhận 69 đơn. Nội dung chủ yếu là kiến nghị, đề nghị, phản ánh, tập trung vào lĩnh vực tranh chấp đất đai, công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư, ô nhiễm môi trường, việc thực hiện chế độ, chính sách. Nguyên nhân chủ yếu là do công tác quản lý Nhà nước về đất đai trước đây không có hồ sơ, bản đồ trích lục địa chính có nhưng quá trình đo đạc, kẻ vẽ thủ công nên có sai số về diện tích, hình thể thửa đất. Công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này ở cấp địa phương còn nhiều hạn chế như việc xác định nguồn gốc sử dụng đất, đo đạc, lập hồ sơ đề nghị cấp giấy CNQSDĐ chưa chặt chẽ. Cùng với đó, hiện nay, nhu cầu sử dụng đất lớn, kéo theo giá trị của đất ngày càng tăng dẫn đến việc lấn chiếm, tranh chấp đất đai phát sinh. Trong khi đó, công tác hoà giải chưa kịp thời, dẫn đến đơn thư vượt cấp. Việc tiếp nhận, thụ lý, xác minh giải quyết tranh chấp, khiếu nại, kiến nghị về đất đai ở cấp xã chưa đúng quy trình, có hiện tượng làm theo cảm tính nên phát sinh việc khiếu nại, kiến nghị, đề nghị, phản ánh của người dân kéo dài trên địa bàn huyện.

Còn ở TP Hoà Bình, nơi luôn được xem là địa bàn phức tạp về tình hình KNTC. Tính riêng 9 tháng năm 2018, thành phố đã tiếp 53 đoàn với 71 lượt người, giảm 10 đoàn và 17 lượt người. Tuy nhiên, nội dung KNTC, kiến nghị của công dân vẫn tập trung vào các lĩnh vực: quản lý, sử dụng đất đai, tranh chấp đất; công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất... Cùng với đó, TP Hoà Bình đã tiếp nhận 155 đơn, thư KNTC. Trong đó, có 2 đơn khiếu nại, 2 đơn tố cáo, 151 đơn kiến nghị, phản ánh. Từ thực tế nêu trên có thể nói, tình hình KNTC của công dân trên địa bàn thành phố thời gian qua tuy không tăng về số lượng nhưng nội dung đơn thư KNTC của công dân tiếp tục có diễn biến và mang tính phức tạp hơn.

Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác giải quyết KNTC?

Theo đánh giá của UBND tỉnh, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh vẫn phát sinh các vụ việc KNTC đông người, phức tạp. Quá trình giải quyết một số vụ việc còn kéo dài. Trong đó, chủ yếu liên quan đến lĩnh vực đất đai, khai thác tài nguyên, khoáng sản, bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Điển hình như khiếu nại của các hộ dân thôn Gò Mu, thôn Thanh Xuân, xã Thanh Lương (Lương Sơn) liên quan đến việc quy hoạch đất 5% của xã; khiếu nại của các hộ dân xóm Nhòn, xóm Cọ, xã Lạc Thịnh (Yên Thuỷ) về việc khai thác đá của Công ty Trung Dũng; khiếu nại của người dân xóm Miều, xã Trung Minh (TP Hoà Bình) liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án đường Hoà Lạc - Hoà Bình; kiến nghị, phản ánh của người dân xóm Rụt, xã Tân Vinh (Lương Sơn) liên quan đến hoạt động khai thác khoáng sản của Công ty THT xả thải gây ô nhiễm môi trường...

Đáng nói, trong những vụ việc KNTC kéo dài, có nhiều vụ việc đã được lãnh đạo các cấp đối thoại, tập trung chỉ đạo, giải quyết nhưng người dân không nhất trí, tiếp tục khiếu kiện với thái độ bức xúc, gay gắt. Thậm chí một số công dân có hành vi quá khích, lăng mạ, đe dọa cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC, cản trở hoạt động bình thường của doanh nghiệp. Một số đối tượng cơ hội đã lợi dụng tình hình KNTC để lôi kéo, kích động công dân khiếu kiện đông người làm tình hình phức tạp hơn, ảnh hưởng xấu đến ANTT. Nguyên nhân của tình trạng này, theo đánh giá là do cơ chế, chính sách, pháp luật còn bất cập, thường xuyên thay đổi, có điểm chưa thật sự phù hợp với thực tế nên việc áp dụng không đồng bộ, thống nhất. Một số chương trình, dự án trong quá trình triển khai thực hiện còn thiếu công khai, dân chủ; quá trình kiểm đếm, lập phương án bồi thường, hỗ trợ chưa thực hiện đúng trình tự, thủ tục, thiếu khách quan, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích của người dân. Trách nhiệm của một số thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền, trách nhiệm tiếp công dân, giải quyết KNTC chưa cao, thực hiện chưa đầy đủ trách nhiệm theo quy định...

Theo thống kê, trong những tháng đầu năm 2018, các cơ quan Nhà nước của tỉnh đã tổ chức tiếp 384 lượt người. Trong đó có 13 đoàn đông người. Công tác tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân của tỉnh có 417 đoàn với 543 lượt công dân đến nộp đơn KNTC, kiến nghị, phản ánh. Trong đó, tiếp công dân thường xuyên có 298 đoàn với 438 lượt người; tiếp công dân định kỳ có 119 đoàn với 145 lượt người.

Để giải quyết vấn đề này, ngoài việc cần phân công rõ cơ quan chủ trì giải quyết từng vụ việc cũng như kịp thời thụ lý, giải quyết đơn, thư KNTC ngay từ cơ sở thì quá trình giải quyết phải được đối thoại, lắng nghe, hợp tình, hợp lý, không để phát sinh thành điểm "nóng”. Đồng thời, phải coi trọng công tác dân vận cũng như tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật để người dân hiểu rõ về quyền, lợi ích hợp pháp và nghĩa vụ của mình cũng như cần có sự vào cuộc tích cực của các tổ chức chính trị địa phương, cơ sở nhằm tạo sự thống nhất giữa các cơ quan Nhà nước và người khiếu kiện trong quá trình giải quyết vụ việc. Coi trọng, tăng cường công tác đối thoại giữa người dân và các cơ quan quản lý Nhà nước trong quá trình giải quyết các vụ việc KNTC... Ngoài ra, để thực hiện tốt các công tác này, theo đồng chí Nguyễn Văn Quang, Chủ tịch UBND tỉnh tại hội nghị trực tuyến chuyên đề về các giải pháp nâng cao chất lượng công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC trên địa bàn tỉnh được tổ chức mới đây thì các sở, ngành, các địa phương trong tỉnh cần phải nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc giải quyết KNTC... nhằm giải quyết triệt để, không để các vụ việc KNTC kéo dài, đông người, vượt cấp.

 

Mạnh Hùng

Các tin khác


Triệt phá đường dây sản xuất giấy phép lái xe, đăng ký xe giả

Ngày 20/5, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố các bị can: Lê Xuân Giáp, Trịnh Thị Thu, Nguyễn Văn Tĩnh, Đặng Văn Nam và Hoàng Thị Hạnh về hành vi "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức”.

Công an huyện Tân Lạc bắt nhanh 2 đối tượng liên tiếp cướp tài sản trong đêm

Công an huyện Tân Lạc cho biết, đơn vị vừa bắt 2 đối tượng liên tiếp gây ra 2 vụ cướp trong đêm bằng hành vi đánh và xin "đểu” tiền người đi đường.

Xét xử sơ thẩm vụ án khai thác quặng lậu, rửa tiền tại Lilama

Ngày 20/5, Tòa án nhân dân tỉnh Lào Cai mở phiên tòa xét xử sở thẩm 17 bị cáo trong vụ án hình sự liên quan đến Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xây dựng Thương mại Lilama; trong đó có một số bị cáo nguyên là lãnh đạo, cán bộ tỉnh.

Xử phạt hành chính nhóm người tập yoga, chụp ảnh giữa đường

Tối 19/5, Cục Cảnh sát giao thông cho biết, chiều 18/5, UBND thị trấn Kiến Xương (huyện Kiến Xương, Thái Bình) đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 14 người về hành vi tập trung đông người trái phép, nằm, ngồi trên đường bộ để chụp ảnh gây cản trở giao thông.

Công an xã Kim Bôi: Bám địa bàn, giữ ổn định an ninh trật tự ở cơ sở

Xã Kim Bôi, huyện Kim Bôi có địa bàn rộng, dân số đông, trước đây xã nổi lên các vấn đề liên quan đến ma túy, trộm cắp tài sản, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an ninh trật tự (ANTT). Để làm tốt công tác ngăn ngừa, đấu tranh với tội phạm, xây dựng địa bàn an toàn, ngoài việc phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng Công an, UBND xã chú trọng tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia phòng ngừa, tố giác, đấu tranh ngăn chặn các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, hành vi vi phạm pháp luật.

Xã Đồng Tân: Vững vàng thế trận an ninh

Xã Đồng Tân (Mai Châu) nằm trên quốc lộ 6, tiếp giáp với 5 xã của huyện Mai Châu và huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La. Xã có tổng diện tích 39,09km2, 2.694 nhân khẩu, sinh sống tại 11 xóm, dân cư phân bố rải rác, không tập trung. Nhờ lợi thế địa hình, Đồng Tân có nhiều thuận lợi phát triển kinh tế, kết nối khu vực hình thành các chuỗi liên kết, trao đổi hàng hóa, nâng cao đời sống nhân dân. Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc phát triển sâu rộng đã tạo ổn định chính trị và tiền đề vững chắc để phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục