(HBĐT) - Tai nạn giao thông (TNGT) là nỗi lo của toàn xã hội. Hạn chế TNGT tới mức thấp nhất là mục tiêu mà Ban An toàn giao thông (ATGT) các cấp đưa ra cho kế hoạch năm. Thế nhưng mục tiêu này thường khó đạt và tỉnh ta không phải là ngoại lệ.
Ngay trong những tháng đầu năm 2018, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh và Ban ATGT tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai nhiệm vụ được giao, hướng tới mục tiêu kiềm chế và giảm thiểu TNGT từ 5% trở lên. Tiếp đó, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành trên 20 văn bản chỉ đạo, điều hành, triển khai, thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đảm bảo TTATGT đường bộ, đường thủy và kiểm soát tải trọng xe trên địa bàn tỉnh.
Trong các giải pháp kiềm chế TNGT thì công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về ATGT được ưu tiên với nhiều chương trình, hoạt động cụ thể. Bám sát chủ đề năm 2018 "An toàn giao thông cho trẻ em” và tinh thần "tính mạng con người là trên hết”, các cấp, các ngành trong tỉnh đã triển khai dưới nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Theo đó, Ban ATGT tỉnh tổ chức được 7 lớp tuyên truyền pháp luật về TTATGT cho 700 người là nhân dân các xã vùng sâu, xa thuộc các huyện: Tân Lạc, Lương Sơn, Đà Bắc, Cao Phong, Kỳ Sơn, Yên Thủy, Lạc Sơn. Văn phòng Ban ATGT tỉnh phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh); Công ty HONDA Anh Kỳ tổ chức tuyên truyền Luật ATGT đường bộ, kỹ năng lái xe an toàn cho các thầy, cô giáo và học sinh tại các huyện: Mai Châu, Kỳ Sơn, Lạc Thủy, Kim Bôi, Cao Phong, Lương Sơn, Đà Bắc, thu hút gần 6.000 người tham gia. Thông qua các đoàn thể, cơ quan, đơn vị, trường học... tặng trên 3.000 mũ bảo hiểm cho người dân. Tổ chức thành công cuộc thi "Giao thông học đường” năm học 2018 - 2019 trên địa bàn tỉnh. Kết quả đã chọn 60 em đạt thành tích xuất sắc cấp trường, 6 em đạt giải cấp tỉnh và chọn được 2 em đi thi cấp quốc gia. Đồng thời, Ban ATGT tỉnh tổ chức tốt việc thăm hỏi, động viên các nạn nhân TNGT có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh.
Cùng với công tác tuyên truyền pháp luật về TTATGT, công tác kiểm tra, kiểm soát được tăng cường. Công an tỉnh đã chỉ đạo Phòng Cảnh sát giao thông, Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an các huyện, thành phố tổ chức đồng bộ, quyết liệt với nhiều giải pháp. Trong đó kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm trên các tuyến giao thông đường bộ, đường thủy, áp dụng triệt để các phương tiện, kỹ thuật nghiệp vụ để phục vụ công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm. Theo đó, trong 11 tháng qua, lực lượng chức năng đã phát hiện và lập biên bản 9.551 trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Phạt 9,1 tỷ đồng; tạm giữ 2.330 phương tiện vi phạm các loại; tước giấy phép lái xe 728 trường hợp.
Mặc dù đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp đảm ATGT, nhưng thực tế, số vụ TNGT vẫn không giảm. Theo thống kê của Ban ATGT tỉnh, tính đến hết tháng 11/2018, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 101 vụ TNGT, làm 79 người chết và 79 người bị thương, so với cùng kỳ năm trước tăng 5 vụ, 7 người chết và 3 người bị thương. Đó là những con số đau lòng. Qua thống kê, phân tích của cơ quan chức năng, nguyên nhân các vụ TNGT chủ yếu là do người điều khiển phương tiện giao thông không chấp hành các quy định về TTATGT. Điều đáng lưu ý là 97,03% vụ TNGT do nam giới gây ra và độ tuổi gây ra TNGT nhiều nhất từ 27-55 tuổi, chiếm 62,38%. Phương tiện gây ra tai nạn nhiều nhất là ô tô, chiếm 58,42% tổng số vụ TNGT.
Cần hơn nữa ý thức và trách nhiệm
Bởi việc đảm bảo TTATGT luôn là nỗi lo thường trực nên ngay trong tháng cuối năm này, Ban ATGT tỉnh đã xây dựng kế hoạch và đề ra những nhiệm vụ trọng tâm để đảm bảo TTATGT cho năm 2019. Trong đó sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về TTATGT trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến về đội mũ bảo hiểm và các đợt cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm về sản xuất, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm không đạt chuẩn trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục triển khai các nội dung "Tháng hành động thiết lập lại trật tự đô thị, bảo vệ hành lang giao thông, chống lấn chiếm và tái lấn chiếm lòng đường, hè phố trên địa bàn tỉnh”. Huy động tối đa lực lượng chức năng từ cấp tỉnh, đến cấp xã để đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về TTATGT. Trong đó, tập trung xử lý mạnh các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây TNGT như: chạy quá tốc độ quy định; đi không đúng làn đường, phần đường; tránh, vượt sai quy định; sử dụng rượu, bia vượt quá nồng độ cho phép; chở quá số người quy định; đón trả khách không đúng nơi quy định; xe quá khổ, quá tải. Đặc biệt, sẽ xử lý nghiêm các phương tiện chở khách trên các tuyến đường dài liên tỉnh với các lỗi: chở quá số người quy định và thời gian lái xe liên tục trên đường Hồ Chí Minh và trên tuyến QL6. Xử lý nghiêm các trường hợp xe vận tải khách vi phạm TTATGT qua công tác kiểm tra thiết bị giám sát hành trình...
Đó là những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu được Ban ATGT tỉnh đề ra để đảm bảo TTATGT trên địa bàn tỉnh. Các nhiệm vụ, giải pháp này đã đầy đủ, nhưng để hạn chế thấp nhất các vụ TNGT xảy ra trên địa bàn, đồng chí Bùi Văn Thắng, Giám đốc Sở GTVT cho rằng: Cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền pháp luật về ATGT, xử lý thật mạnh tay trước các hành vi vi phạm để nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân khi tham gia giao thông. Đó sẽ là biện pháp phòng ngừa TNGT hữu hiệu nhất.
Thúy Hằng