Tuyên truyền sâu rộng
Đó chỉ là một trong nhiều vụ án "Vi phạm quy định về giao thông đường bộ” TAND hai cấp của tỉnh đưa ra xét xử trong thời gian qua. Đồng chí Trần Thị Oanh, Phó Chánh án TAND tỉnh cho rằng, việc đưa các vụ án vi phạm quy định về tham gia giao thông ra xét xử là một trong những biện pháp, giải pháp quan trọng nhằm tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông (ATGT) đến đông đảo nhân dân. Đồng thời, việc đưa ra mức hình phạt nghiêm khắc với những người vi phạm ở tội danh này có tác dụng rất lớn trong việc, giáo dục, răn đe, phòng ngừa xã hội.
Công an huyện Đà Bắc và Công an xã Cao Sơn tuần tra, kiểm soát, nhắc nhỏ người điều khiển phương tiện nghiêm chỉnh chấp hành Luật giao thông đường bộ.
Theo Đại tá Phạm Hồng Tuyến, Giám đốc Công an tỉnh, thực hiện văn bản chỉ đạo của các cấp về đảm bảo TTATGT, lực lượng Công an tỉnh đã tập trung triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả nhiều biện pháp đảm bảo TTATGT. Nhờ đó, góp phần giữ vững ổn định, kiềm chế, ngăn chặn sự gia tăng của tai nạn giao thông (TNGT) trên địa bàn tỉnh.
Với vai trò nòng cốt, Công an tỉnh đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tập trung tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về đảm bảo TTATGT cho các tầng lớp nhân dân. Trong 5 năm qua (2014 - 2019), Công an các cấp trong tỉnh đã cử hàng nghìn lượt cán bộ trực tiếp xuống cơ sở tổ chức các buổi tuyên truyền quy định của pháp luật về đảm bảo TTATGT cho các tầng lớp nhân dân. Hàng năm, vào năm học mới, học sinh tại các trường học, cấp, bậc học trong toàn tỉnh được tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATGT, hướng dẫn biện pháp an toàn khi tham gia giao thông... Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả tuyên truyền, các đơn vị, địa phương tổ chức nhiều hội thi tìm hiểu pháp luật như hội thi "Thanh niên với văn hóa giao thông”, "Nông dân với an toàn giao thông”, "Lái xe giỏi và an toàn”... Cùng với đó, các cấp bộ Đoàn thành lập các đội thanh niên xung kích, thanh niên tình nguyện liên ngành tổ chức tuyên truyền về giữ gìn, đảm bảo TTATGT; phối hợp với lực lượng chức năng tham gia giải tỏa lều quán, mái che, biển quảng cáo lấn chiếm hành lang, hè phố, phân luồng giao thông tại các điểm phức tạp về TTATGT giờ cao điểm; xây dựng tuyến đường tự quản về ATGT, tham gia làm mới, sửa chữa các tuyến đường giao thông liên thôn, liên xã...
Mạnh tay xử lý vi phạm
Bên cạnh việc tăng cường công tác tuyên truyền, lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) - Công an tỉnh và Công an các huyện, thành phố đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát phát hiện, xử lý vi phạm. Đại diện lãnh đạo phòng CSGT - Công an tỉnh cho biết: Để thiết lập lại trật tư, kỷ cương về ATGT, hàng năm, thực hiện chỉ đạo của Ban Giám đốc Công an tỉnh, lực lượng CSGT tập trung lực lượng, phương tiện mở nhiều đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo các chuyên đề. Trong đó, tập trung vào các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây ra TNGT như vi phạm về tốc độ, nồng độ cồn, lấn chiếm phần đường, làn đường, vi phạm quy định về tải trọng, không đảm bảo các trang thiết bị an toàn của phương tiện cũng như điều kiện tham gia giao thông của người và phương tiện. Đặc biệt, để nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo TTATGT, Phòng đã tham mưu cho Ban Giám đốc Công an tỉnh thành lập tổ tuần tra đặc biệt gồm các lực lượng: CSGT, Cảnh sát cơ động, Cảnh sát hình sự, Cảnh sát 113 để kiểm tra, xử lý các hành vi tụ tập đông người, đua xe trái phép, phóng nhanh vượt ẩu, phòng chống tội phạm...
Trong 5 năm qua, lực lượng chức năng đã lập biên bản xử lý 91.393 trường hợp vi phạm TTATGT, nộp kho bạc gần 61 tỷ đồng. Tính riêng 9 tháng năm nay, lực lượng chức năng đã phát hiện, lập biên bản 7.557 trường hợp vi phạm, xử phạt 8,34 tỷ đồng. Cũng trong 5 năm qua, cơ quan chức năng đã đưa ra xét xử 252 vụ với 210 bị can phạm tội "Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông”.
P.V