Lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa chát kiểm tra an toàn cháy nổ tại doanh nghiệp
Theo thống kê hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 43 DNNN đã thực hiện cổ phần hóa, gồm 7 doanh nghiệp T.Ư và 36 doanh nghiệp địa phương. Đồng chí Nguyễn Văn Trường, Chánh Thanh tra tỉnh nhận định: Trong những năm qua, công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đối với các DNNN trên địa bàn tỉnh chưa được quan tâm. Việc thanh tra, kiểm tra chủ yếu tập trung vào lĩnh vực quản lý và sử dụng đất đai. Trong quá trình thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra cũng nảy sinh một số vướng mắc. Theo khảo sát, các cơ quan thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp nhiều nhất là cơ quan Thuế, Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Quản lý thị trường. Nhiều doanh nghiệp cho rằng, các đoàn thanh tra chủ yếu đi độc lập, không có thanh tra chuyên ngành khiến cho doanh nghiệp mất nhiều thời gian.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Ánh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Cao Phong cho rằng: Trung bình mỗi năm, doanh nghiệp tiếp ít nhất từ 2 - 3 đoàn thanh tra, kiểm tra. Đồng tình là thanh tra, kiểm tra giúp môi trường kinh doanh được minh bạch, ổn định, cải thiện, công bằng hơn khi kịp thời phát hiện, xử phạt những doanh nghiệp vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, nên có kế hoạch và cách thức tổ chức làm sao để thuận lợi cho doanh nghiệp, tránh chồng chéo, trùng lặp. Thực tế hiện nay, nhiều đoàn thanh tra sau khi thanh tra xong đã đưa ra kết luận theo khoảng thời gian, tuy nhiên, đoàn thanh tra khác đến cũng lại thanh tra, kiểm tra lại khoảng thời gian mà đoàn thanh tra trước đã làm khiến chúng tôi mất rất nhiều thời gian. Nên chăng là với những năm, những nội dung đã kết luận rồi thì đoàn thanh tra sau không nên thanh tra lại nữa.
Một nguyên nhân khác khiến hiệu quả giám sát vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp thấp là việc thanh tra, kiểm tra, giám sát của cơ quan đại diện chủ sở hữu, kiểm soát nội bộ chưa hiệu quả. Việc hình thành quản lý hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin về doanh nghiệp nói chung để phục vụ công tác giám sát còn rất hạn chế, một số trường hợp thiếu tính độc lập với Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị nên không phát huy được vai trò của công cụ cảnh báo sớm, ngăn ngừa các vi phạm về quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại các DNNN. Bên cạnh đó, vẫn còn một số luật quy định chưa thống nhất, chưa rõ ràng tạo cách hiểu khác nhau, gây khó khăn cho quá trình tổ chức thực hiện.
Với mục tiêu hoạt động thanh tra, kiểm tra để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, ngành Thanh tra tỉnh xác định công tác thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp cần khắc phục theo hướng cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành và cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, tránh việc chồng chéo trong hoạt động thanh tra. Để làm được điều đó, đồng chí Nguyễn Văn Trường, Chánh Thanh tra tỉnh cho rằng, trước tiên cần xem xét, sửa đổi các luật liên quan nhằm khắc phục vướng mắc, bất cập trong quy định hiện hành, tháo gỡ những vướng mắc về quy trình, thẩm quyền xử lý, ra quyết định trong điều hành sản xuất, kinh doanh, tạo sự bình đẳng giữa DNNN và doanh nghiệp ngoài Nhà nước, tăng cường hoạt động giám sát đối với quá trình sử dụng vốn, tài sản ở các DNNN. Thực hiện tốt vai trò quản lý Nhà nước trong ngành, lĩnh vực phụ trách. Ban hành cơ chế giám sát, kiểm tra, đánh giá hiệu quả hoạt động của tổ chức, cá nhân đại diện phần vốn của Nhà nước tại các doanh nghiệp. Tiếp tục chỉ đạo xử lý nghiêm các vụ vi phạm trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại các doanh nghiệp; nghiêm cấm và xử lý nghiêm minh các trường hợp xác định giá trị doanh nghiệp không đúng quy định của pháp luật để trục lợi, gây thất thoát tài sản, vốn Nhà nước. Kiện toàn bộ máy quản lý ở các DNNN, tăng cường đào tạo kiến thức, bồi dưỡng nâng cao trình độ cán bộ quản lý doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu quản trị. Bố trí cán bộ lãnh đạo quản lý và người đại diện phần vốn Nhà nước đủ phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn để làm tốt vai trò đại diện chủ sở hữu Nhà nước tại doanh nghiệp.
Đ.H